Hỏi: Xin cho biết đôi nét về nước Xích Quỹ và Văn Lang.
Hai Cha Ly (81 cư xá Nguyễn Văn Trỗi, Phú Nhuận, TPHCM)
Theo truyền thuyết (được ghi trong Đại Việt sử ký toàn thư của các sử gia nhà Hậu Lê), Đế Minh là cháu ba đời vua Viêm Đế (Viêm Đế là 1 trong 5 vị đế thời thượng cổ ở Trung Hoa). Đế Minh có hai con trai (cùng cha khác mẹ) là Đế Nghi và Lộc Tục. Đế Minh cho Đế Nghi cai quản phương Bắc, Lộc Tục cai quản phương Nam. Các nhà nghiên cứu suy luận: phương Bắc là vùng đất phía Bắc sông Trường Giang, lãnh thổ của tộc người Hoa (hay Hoa Hạ), còn phương Nam nằm phía Nam con sông này, là địa bàn cư trú của các tộc người Việt cổ (như Lạc Việt, Âu Việt, Sở Việt, Ngô Việt, Dương Việt, Mân Việt…) gọi chung là Bách Việt.
Lộc Tục lên ngôi, xưng là Kinh Dương Vương, đặt tên nước là Xích Quỹ. Nước Xích Quỹ gồm phần phía Nam Trung Quốc, Bắc bộ và Bắc Trung bộ hiện nay.
Con của Lộc Tục là Sùng Lãm, nối ngôi cha, xưng là Lạc Long Quân. Lạc Long Quân và vợ là Âu Cơ sinh 100 con trai (ứng với khái niệm Bách Việt = 100 tộc người Việt).
Con trai trưởng của Lạc Long Quân là vua Hùng thứ I, cai trị nước Văn Lang của tộc Lạc Việt. Các nhà nghiên cứu tin rằng người Văn Lang “chủ yếu sống tập trung trong các đồng bằng thuộc lưu vực sông Hồng, sông Mã, sông Cả, một số ít sống rải rác dọc miền núi theo các thung lũng của miền Bắc [và] miền Trung nước ta” (Trương Hữu Quýnh (chủ biên), Đại cương lịch sử Việt Nam, NXB Giáo dục, Hà Nội, 2000, tập I, tr. 38).
Tìm hiểu thời kỳ lịch sử này, ta gặp nhiều khó khăn: tư liệu vừa ít, vừa sơ sài, nhiều chỗ mâu thuẫn với nhau, tuy có phản ánh một phần thực tế lịch sử nhưng thường chứa đựng nhiều yếu tố hoang đường. Các nhà nghiên cứu tìm cách tái hiện lại quá khứ mấy nghìn năm trước của dân tộc, nhưng không phải lúc nào cũng thống nhất ý kiến nhau.
Hoàng Anh