
Báo cáo nêu bật những bước tiến của Xiaomi trong việc thúc đẩy tiếp cận công nghệ toàn diện, ứng phó với biến đổi khí hậu, cũng như tăng cường các hoạt động tái chế và tái sử dụng.
Xiaomi cam kết mang đến trải nghiệm số bình đẳng và toàn diện cho tất cả người dùng, bao gồm cả những cá nhân có nhu cầu đặc biệt. Trong năm 2024, Xiaomi tiếp tục nâng cấp hệ thống hỗ trợ khả năng tiếp cận toàn diện, tập trung vào các nhóm người dùng chính như người khiếm thị, người khiếm thính và người khuyết tật vận động. Các tính năng mới được bổ sung bao gồm nhận dạng văn bản, phụ đề theo thời gian thực và điều khiển bằng cử chỉ.
Không dừng lại ở đó, tập đoàn còn hướng tới việc phát triển công nghệ thân thiện với người cao tuổi. Trong năm 2024, Xiaomi đã hợp tác với nhiều tổ chức để triển khai chương trình “Vì cuộc sống an toàn và khỏe mạnh – Chung tay cải tạo không gian sống thân thiện cho người cao tuổi”, nhằm xây dựng các tiêu chuẩn, sản phẩm, ứng dụng và thiết kế góp phần nâng cao mức độ an toàn cho nhóm người dùng này.
Bên cạnh việc đặt ra mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính (GHG) cho hoạt động vận hành nội bộ, Xiaomi còn yêu cầu các đối tác trong chuỗi cung ứng điện thoại thông minh của mình xây dựng mục tiêu và kế hoạch giảm phát thải khí nhà kính, đồng thời sử dụng năng lượng tái tạo. Cụ thể, đến năm 2030, các nhà cung ứng trong lĩnh vực smartphone phải đạt mức giảm phát thải carbon trung bình hằng năm tối thiểu 5% (so với năm cơ sở 2024) và đạt tỷ lệ sử dụng điện năng tái tạo ở mức tối thiểu 25%. Mục tiêu dài hạn đến năm 2050 là đạt 100% điện năng tái tạo trong toàn bộ chuỗi cung ứng smartphone của Xiaomi.
Xiaomi đã triển khai các chương trình tái chế rác thải điện tử toàn cầu, với hệ thống phân cấp rõ ràng, bao gồm: chương trình thu cũ đổi mới, tân trang thiết bị, tháo dỡ linh kiện để xử lý hoặc sửa chữa, cùng việc thu mua các mẫu thử nghiệm sản phẩm nội bộ. Mục tiêu đặt ra trong giai đoạn 2022 – 2026 là tái chế tổng cộng 38.000 tấn rác thải điện tử. Tính đến cuối năm 2024, Xiaomi đã hoàn thành 95,94% mục tiêu này.
Trong năm 2024, Xiaomi đầu tư 3,31 tỷ USD cho nghiên cứu và phát triển (R&D), nâng tổng số lượng bằng sáng chế được đăng ký trên toàn cầu vượt mốc 42.000. Đội ngũ R&D gồm 21.190 nhân viên, chiếm 48,5% tổng lực lượng lao động. Dự kiến trong giai đoạn 2020 – 2030, tổng đầu tư R&D tích lũy sẽ vượt 13,72 tỷ USD.
Nhà máy Thông minh Xiaomi (Xiaomi Smart Factory) và Nhà máy Ô tô Điện Xiaomi (Xiaomi EV Factory) đã chính thức đi vào hoạt động trong năm 2024, đánh dấu bước tiến lớn trong chiến lược phát triển sản xuất xanh và bền vững. Cả hai nhà máy đều ứng dụng các công nghệ tiên tiến như Internet công nghiệp và trí tuệ nhân tạo (AI) để tối ưu hóa quy trình sản xuất, nâng cao hiệu suất và giảm thiểu tác động đến môi trường.
Tại Nhà máy Thông minh Xiaomi (Xiaomi Smart Factory), hệ thống phần cứng và phần mềm do Xiaomi tự phát triển kết hợp cùng các công nghệ hiện đại đã tạo nên dây chuyền sản xuất linh hoạt, hệ thống logistics tự động và khả năng điều khiển đồng bộ giữa đám mây – thiết bị biên – thiết bị đầu cuối. Nhờ đó, nhà máy đạt được tỷ lệ tự động hóa lên đến 81% trong các dây chuyền sản xuất – một con số vượt xa mức trung bình của ngành công nghiệp hiện nay.