Với đặc thù là đơn vị hoạt động trong lĩnh vực sản xuất và cung cấp nước, nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn là phải đảm bảo hệ thống cấp nước hoạt động ổn định, liên tục và nâng cao chất lượng sản phẩm để phục vụ nhu cầu ngày càng cao của người dân TPHCM. Để giải quyết các vấn đề trên không còn con đường nào khác hơn là phải ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác điều hành, quản lý hệ thống mạng lưới cấp nước. Và, Xí nghiệp truyền dẫn nước sạch là điểm sáng về ứng dụng khoa học công nghệ…
Bàn tay vàng công nghệ
Đầu năm 2009, thông qua Dự án hỗ trợ kỹ thuật USP do chính phủ Hà Lan tài trợ, Xí nghiệp truyền dẫn nước sạch đã từng bước tiếp cận các phương tiện, quy trình và phương pháp quản lý mạng lưới hiện đại tiên tiến. Ý tưởng về việc xây dựng một trung tâm kiểm soát mạng lưới cấp nước được hình thành. Trung tâm điều khiển mạng phân phối (DCC- Distribution Control Center) ra đời với chức năng ban đầu là ghi nhận và theo dõi toàn bộ hệ thống mạng lưới cấp 1 và 2.
Bắt đầu triển khai từ tháng 5-2010, DCC áp dụng hệ thống PI, là hệ thống SCADA chuyên dụng trong việc theo dõi diễn biến áp lực, lưu lượng trên hệ thống mạng lưới cấp nước. Hệ thống này có thể giúp người sử dụng phân tích và xử lý những giá trị nguồn. Làm việc trực tuyến, làm việc từ xa. Theo dõi và kiểm soát lượng nước rò rỉ, không doanh thu, hạn chế lượng nước thất thoát do áp lực nước tăng cao. Báo cáo kịp thời những diễn biến bất thường trên hệ thống truyền dẫn, các nguồn cấp nước và đề xuất giải pháp khắc phục phù hợp.
Theo ông Nguyễn Hiền Vũ, Giám đốc Xí nghiệp truyền dẫn nước sạch, thông qua hệ thống trên, các kỹ sư của DCC có thể ghi nhận, theo dõi và giám sát 24/24 tình hình áp lực nước các khu vực; lưu lượng nước phân phối qua các đồng hồ tổng cho các đơn vị; theo dõi giám sát chất lượng nước trên mạng. Mô phỏng thủy lực toàn bộ mạng lưới phục vụ cho các công tác cải tạo thay thế, nâng cấp ống cũ, phát triển ống mới, xây dựng lắp đặt các trạm bơm tăng áp trên mạng lưới.
Còn trong khâu tiếp nhận các nguồn nước mới bổ sung vào hệ thống, thông qua mô hình thủy lực cho phép người quản lý nhận định và phỏng đoán tình hình để có sự chuẩn bị trong việc điều tiết lưu lượng và áp lực đảm bảo nước được phân phối đều trên toàn hệ thống. Thực tế chứng minh trung tâm đã phát huy hiệu quả rất tốt qua công tác tiếp nhận nguồn nước mới từ Nhà máy BOO Thủ Đức các giai đoạn.
“Một ứng dụng không kém phần quan trọng của PI là chúng tôi có thể cập nhật thường xuyên các họa đồ mạng lưới, trang thiết bị bổ sung trên mạng vào hệ thống giúp chính xác hóa dữ liệu cũng như việc truy cập bản vẽ, thông tin một cách nhanh chóng và hiệu quả. Giám sát và thông báo tức thời các diễn biến bất thường trên mạng lưới giúp cho việc phỏng đoán và xử lý nhanh các sự cố xảy ra, đặc biệt là các sự cố lớn trên hệ thống mạng lưới”, anh Lê Văn Hùng kỹ sư của DCC cho biết.
Vừa trò chuyện, anh Hùng vẫn không ngưng quan sát màn hình LCD khá to đặt trong phòng làm việc. Thình lình, một điểm sáng xuất hiện rồi nhấp nháy liên tục. “Đây là dấu hiệu cho biết áp lực nước tại khu vực đó đang giảm. Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi để có những thông báo kịp thời về đơn vị quản lý khu vực đường ống đó”, anh Hùng giải thích. “Thời gian qua do ảnh hưởng bởi việc thi công các công trình hạ tầng khác nên thường xuyên xảy ra các sự cố lớn trên hệ thống mạng lưới. Bây giờ còn đỡ chứ hồi đầu năm thì các ống nước bị bể liên miên do đơn vị thi công đào trúng ống cấp nước”, anh Võ Thanh Lâm chuyên viên CNTT của DCC bổ sung.
Tiết kiệm và hiệu quả hàng chục lần
Theo các kỹ sư của DCC, truớc đây, muốn đo áp lực nước, công nhân phải ra tận hiện trường đo bằng đồng hồ cơ (đo 1 vị trí/lần/ngày), chi phí tốn kém mà dữ liệu thì không lấy được liên tục, thì nay máy ghi nhận tín hiệu, lưu trữ về trung tâm để chủ động điều khiển chỉ trong vòng 5 phút và đặc biệt là dữ liệu được cập nhật online 24/24.
Tương tự đối với việc kiểm tra chất lượng nước, trước đây, phải lọ mọ đi lấy mẫu nước rồi đưa về kiểm tra tại phòng thí nghiệm. Bây giờ có sensor (cảm biến) lắp đặt trên mạng lưới, cứ ngồi trên vi tính là có thể lấy dữ liệu PH, Clo dư, độ đục, nhiệt độ để theo dõi chất lượng nước, đề xuất điều chỉnh nếu không phù hợp. Thậm chí, khi đi ra ngoài, các kỹ sư của DCC chỉ cần mang theo laptop rồi nối mạng là cũng có thể làm việc bình thường như khi đang ở văn phòng...
Nói về khó khăn, các kỹ sư của DCC chỉ cười : “Vì đây là công nghệ mới, các phần mềm còn nhiều tính năng mới nên khi áp dụng phải học hỏi kinh nghiệm của các chuyên gia nước bạn. Có sự cố là phải khắc phục ngay để đảm bảo việc vận hành của hệ thống không bị trục trặc. Chúng tôi cố gắng để làm sao những con số, dữ liệu truyền về thật sự là những con số biết nói, góp phần quan trọng vào việc quản lý hiệu quả mạng lưới”.
Không dừng lại ở đó, hiện nay việc phát triển nâng tầm Trung tâm DCC đã được Tổng Công ty và Xí nghiệp định hướng thực hiện theo hướng đi từ việc theo dõi giám sát đến việc điều khiển mạng lưới: điều tiết, khống chế hay cô lập nước trên mạng thông qua hệ thống các van tự động (van giảm áp, van tiết lưu, van cô lập…) mà người quản lý có thể điều khiển vận hành tự động từ Trung tâm qua máy tính.
Kiểm soát tốt lưu lượng nước từ các Nhà máy nước, qua mạng truyền tải đến các mạng phân phối góp phần quan trọng hạ tỷ lệ thất thoát nước của Tổng Công ty. Kiểm soát tốt chất lượng nước trên hệ thống mạng, tự động điều khiển việc xả nước để xử lý khi chất lượng nước trên mạng không đảm bảo các chỉ tiêu theo quy định. Kết nối DCC với các hệ thống kiểm soát, điều khiển ở các Nhà máy nước và đơn vị phân phối để hình thành một Trung tâm điều hành và quản lý toàn bộ hệ thống cấp nước của thành phố.
Được thành lập từ cuối năm 2006, Xí nghiệp truyền dẫn nước sạch là một đơn vị mới trực thuộc Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn, có chức năng quản lý mạng truyền tải (cấp 1,2), là trung gian tiếp nhận nước từ các nhà máy nước và phân phối cho các đơn vị cấp nước (các công ty cổ phần và Xí nghiệp cấp nước). Đến thời điểm hiện tại, Xí nghiệp đã tiếp nhận và quản lý hệ thống mạng lưới bao gồm: 119km ống cấp 1 (đường kính > 500-1.500mm), 220km ống cấp 2 (>300-500mm) cùng các công trình, trang thiết bị trên mạng: 865 van các loại, 130 hầm van, 193 thiết bị ghi nhận dữ liệu áp lực, lưu lượng nước… trải rộng trên toàn địa bàn thành phố. |
Hải – Đăng - Hương