Xí muội, mứt, trái cây khô nhập khẩu từ Trung Quốc nhiễm chì: Ăn nhiều, lo nhiều

Xí muội, mứt, trái cây khô nhập khẩu từ Trung Quốc nhiễm chì: Ăn nhiều, lo nhiều

Để dễ tiêu thụ, tiểu thương thường giới thiệu các loại xí muội ôliu, xí muội đào, mứt Kiwi, nho khô… dạng xá (không bao bì, nhãn mác) nhập khẩu từ Trung Quốc là các sản phẩm đặc sản Đà Lạt hoặc Hà Nội nên thời gian qua, nhiều người tiêu dùng đã vô tư thưởng thức mà đâu biết rằng những sản phẩm có hàm lượng chì vượt quá mức cho phép. 

Giả mạo đặc sản địa phương 

Nếu như cuối tháng 9 năm ngoái, người tiêu dùng đã từng rất hoang mang trước việc một số loại sữa và bánh kẹo nhập khẩu từ Trung Quốc bị nhiễm melamine thì những ngày gần đây, họ lại đối diện với nỗi sợ hãi mới. Đó là việc một số nước trên thế giới cảnh báo rằng các loại xí muội, mứt và trái cây khô nhập khẩu từ Trung Quốc và lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) có chứa hàm lượng chì vượt mức cho phép. 

Bánh kẹo bày bán tại chợ Bình Tây, phần lớn là hàng nhập lậu từ Trung Quốc. Ảnh: MAI THI

Bánh kẹo bày bán tại chợ Bình Tây, phần lớn là hàng nhập lậu từ Trung Quốc. Ảnh: MAI THI

Qua khảo sát thị phần và sức tiêu thụ bánh mứt nhập khẩu từ Trung Quốc tại chợ Bình Tây quận 6 TPHCM, các loại kẹo, mứt, xí muội dưới dạng xá được bày bán tràn lan. Trong đó, hai sản phẩm bán chạy nhất hiện nay, theo như lời của các chủ sạp là xí muội ôliu và xí muội đào.

Tại sạp Dung, số 01 chợ Xóm Chiếu quận 4, người bán đưa cho chúng tôi gần 10 loại xí muội, cam thảo, trần bì… nhập khẩu từ Trung Quốc, ngoài 2 sản phẩm xí muội ôliu và xí muội đào là hàng xá, còn lại hầu hết đều có bao bì, nhãn mác nhưng không có dán nhãn phụ tiếng Việt, mà chỉ in toàn tiếng Trung Quốc nên chỉ biết rằng đây là những sản phẩm có xuất xứ từ Guangzhou, Beijing (Quảng Đông, Bắc Kinh - Trung Quốc).

Điều đáng nói là trong số các sản phẩm trên, hai mặt hàng xí muội ôliu (ô hạt), xí muội đào thường được tiểu thương giới thiệu là đặc sản Hà Nội và Đà Lạt nên vẫn đang được bán rất chạy. Trong khi đó, dù là “đặc sản địa phương” nhưng tại chợ Đà Lạt giá bán hai sản phẩm này lại bị “đội” lên 80.000 – 110.000 đồng/kg còn tại chợ Bình Tây, quận 6, giá chỉ dao động 51.000 – 55.000 đồng/kg.

Quá sợ vì đã lỡ ăn nhiều! 

Do chỉ thông qua lời giới thiệu của người bán, nhiều người tiêu dùng và du khách đến Đà Lạt thường chọn mua hai sản phẩm này ăn và làm quà biếu. Họ đâu ngờ rằng tất cả những sản phẩm này đều “made in” từ Trung Quốc và có khả năng chứa hàm lượng chì vượt mức cho phép rất cao, nên sau khi nghe thông tin này nhiều người tiêu dùng rất hoang mang và lo lắng. 

Chị Nguyễn Thị Ngọc Loan, ngụ tại đường Ung Văn Khiêm, phường 25, quận Bình Thạnh cho biết rất sợ vì hơn 5 năm nay đã ăn rất nhiều sản phẩm này. Giờ đây chị không biết có bao nhiêu chì và các độc tố khác trong cơ thể.

Ông Phan Văn Thiện, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Bibica: “Rất lo cho người tiêu dùng Việt Nam vì từ trước đến nay các loại bánh kẹo và các sản phẩm xí muội, mứt và trái cây khô dạng xá thường được người bán trà trộn vào nhau người tiêu dùng khó mà phân biệt đâu là hàng nội đâu là hàng ngoại nên đã vô tư sử dụng. Họ đâu biết rằng các sản phẩm này không chỉ có lượng chì vượt mức cho phép mà còn chứa hóa chất chống mốc để diệt khuẩn, có thể để 3 - 5 năm vẫn không hư hại gì, nhưng rất nguy hiểm cho người sử dụng. Chính vì thế để bảo vệ cho người tiêu dùng, tôi nghĩ các cơ quan chức năng cần nhanh chóng lấy mẫu bất kỳ tại các chợ để kiểm tra chất lượng của những sản phẩm này”.

Cùng với ông Thiện, bà Ứng Thị Ngọc Hiền, tiểu thương chợ Bình Tây cũng cho rằng, nên siết chặt kiểm tra hàng nhập khẩu ngay từ đầu nguồn vì nếu cứ để tình trạng này kéo dài không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng bị thiệt, mà ngay cả những tiểu thương chân chính cũng bị thiệt thòi và mất khách 

MAI THI – THI HỒNG

 Sau nhiều năm, cơ thể mới đào thải được chì

Trước việc mứt, xí muội, quả khô có xuất xứ Trung Quốc có nguy cơ nhiễm độc chì, ngày 14-10, bà Lê Thị Hồng Hảo, Phó viện trưởng Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia, cho biết, việc sử dụng những sản phẩm thực phẩm có hàm lượng chì vượt quá giới hạn cho phép có thể gây ra ngộ độ cấp tính, đặc biệt là ở trẻ em.

Ngoài ra, chì cũng có thể gây ảnh hưởng xấu đến nhiều bộ phận trong cơ thể như suy thận, gây phù não và đặc biệt sẽ phải mất rất nhiều năm mới có thể đào thải chì ra khỏi cơ thể. Chẳng hạn như để chì thải hết khỏi thận ít nhất là 7 năm, còn đối với xương là 32 năm, với điều kiện cơ thể không phải tiếp tục nhận chì từ nguồn thực phẩm nhiễm chì.

Dấu hiệu để nhận biết ngộ độc chì ở trẻ em có thể bắt đầu từ rối loạn tiêu hóa, nôn, tiêu chảy, biếng ăn và đau bụng từng cơn dữ dội kéo dài. Còn đối với người lớn thường xuyên phải tiếp xúc với môi trường có chì sẽ bị ngộ độc mãn tính, với biểu hiện ban đầu là đau, tê ở đầu ngón chân, tay, nhức đầu, đau bụng, tăng huyết áp, thiếu máu, giảm trí nhớ. 

Cùng ngày 14-10, Thanh tra Sở Y tế TPHCM tiếp tục thanh tra, kiểm tra hoạt động kinh doanh, sản xuất các loại mứt, xí muội, quả khô bị nghi ngờ nhiễm độc chì tại một số siêu thị lớn trên địa bàn TP. Những nơi này đang kinh doanh số lượng lớn nhiều loại xí muội, quả khô, quả sấu… do các cơ sở phía Bắc sản xuất. 

T.KIÊN - Tg.LÂM

 Thông tin liên quan:

>> Ăn mứt, xí muội, quả sấy khô nhiễm chì-Nguy cơ bị nhiều bệnh lý

Tin cùng chuyên mục