Ngày 21-5, phiên tòa sơ thẩm xét xử 3 bị cáo trong vụ án tai biến chạy thận tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình bước vào tuần làm việc thứ 2. Hội đồng xét xử (HĐXX) Tòa án Nhân dân TP Hòa Bình và các luật sư tiếp tục thẩm vấn các bị cáo, những người có liên quan và đại diện gia đình các nạn nhân.
Trong quá trình thẩm vấn vào cuối giờ chiều cùng ngày, ông Đinh Tiến Công (Điều dưỡng trưởng Khoa Hồi sức tích cực) đã có mặt tại tòa sau nhiều ngày vắng mặt. Trước tòa, ông Công đã thừa nhận có việc ghi thêm vào sổ giao ban nội dung phân công bác sĩ Hoàng Công Lương phụ trách Đơn nguyên Thận nhân tạo thuộc Khoa Hồi sức tích cực.
Đáng chú ý, theo lời "thú nhận" trước tòa của ông Công thì việc ghi thêm nội dung bác sĩ Lương được phân công phụ trách Đơn nguyên Thận nhân tạo được thực hiện ngay sau khi xảy ra sự cố tai biến chạy thận làm chết 9 người vào ngày 29-5-2017.
Ông Công cũng cho biết, việc bổ sung thông tin này vào cuốn sổ giao ban cuộc họp để hoàn thiện các thủ tục hành chính, quy trình chuyên môn sau vụ tai biến nghiêm trọng trên!? “Trưởng khoa và phó khoa phân công tôi làm việc này. Tôi không biết ai trực tiếp chỉ đạo nhưng phải có sự bàn bạc của trưởng và phó khoa. Phần viết thêm là ở mục cuối cùng của biên bản, đoạn phân công nhiệm vụ. Sau khi bổ sung vào thì mọi người mới ký nhận...”, ông Công cho biết.
Ông Công cũng khai nhận, ông Hoàng Đình Khiếu (Phó Giám đốc Bệnh viện, phụ trách Khoa Hồi sức tích cực) là người chỉ đạo ông Công viết nội dung bổ sung vào trong cuốn số giao ban, còn trước đó vào năm 2015 và 2016 không hề có nội dung phân công bác sĩ Hoàng Công Tình phụ trách Đơn nguyên Hồi sức tích cực, bác sĩ Hoàng Công Lương phụ trách Đơn nguyên Thận nhân tạo vào trong biên bản.
Trước đó, trong phiên tòa xét xử vào tuần trước, ông Công đã khai các nội dung ghi trong biên bản cuộc họp giao ban về việc phân công công việc được ghi ngay sau các cuộc họp.
Trước lời đầy bất ngờ của ông Công, trước "công đường" đối chất lại lời khai của cấp dưới, ông Hoàng Đình Khiếu đã phủ nhận và đổ lỗi cho cấp dưới. “Tôi không biết sổ giao ban đó ở đâu, khi được cơ quan điều tra cho xem sổ giao ban thì tôi xác nhận chữ ký của tôi. Tôi khẳng định không chỉ đạo bất cứ ai sửa chữa nội dung cuộc họp. Tôi không hiểu anh Công ghi lúc nào và làm những gì. Như tôi đã nói, khi họp xong thì tôi ký ngay, từ đó đến nay tôi chưa được ký chữ ký nào...”, ông Khiếu phản bác lại.
Trước đó trong quá trình thẩm vấn, nhiều gia đình nạn nhân trong vụ tai biến chạy thận đã có ý kiến đề nghị HĐXX xem giảm nhẹ tội cho các bị cáo, đồng thời phải làm rõ trách nhiệm của ông Trương Quý Dương (nguyên Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình).
Trình bày trước tòa, em trai bệnh nhân Nguyễn Thị Bích Nguyên đại diện gia đình bị hại kiến nghị với HĐXX tuyên vô tội với bác sĩ Hoàng Công Lương (ở Đơn nguyên Thận nhân tạo) vì bác sĩ Lương đã rất nhiệt tình trong việc cứu chữa các nạn nhân, thể hiện đúng chức trách là người bác sĩ chuyên tâm cứu người và không chịu trách nhiệm về vật tư y tế.
Đối với 2 bị cáo còn lại là Bùi Mạnh Quốc (Giám đốc Công ty TNHH xử lý nước Trâm Anh) và Trần Văn Sơn (cán bộ Phòng Vật tư, trang thiết bị y tế Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình) cũng được người nhà của các bệnh nhân tử vong trong vụ tai biến chạy thận xin giảm nhẹ tối đa hình phạt vì hai bị cáo này còn trẻ, là trụ cột của gia đình và cũng chỉ là người lĩnh hậu quả của việc ký kết hợp đồng bảo dưỡng hệ thống lọc nước RO chạy thận giữa Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hoà Bình với Giám đốc Công ty TNHH Thiên Sơn.
Cùng chung quan điểm xin tòa tuyên vô tội đối với bác sĩ Lương và giảm tội cho 2 bị cáo Quốc và Sơn, ông Phạm Ngọc Thạo, chồng của nạn nhân Lê Thị Chung, đã xin phép HĐXX được nói lời cảm ơn đến các y, bác sĩ Đơn nguyên Thận nhân tạo vì khi sự cố xảy ra, các y, bác sĩ của Đơn nguyên Thận nhân tạo đã nỗ lực hết sức mình để giành lại sự sống cho các nạn nhân.
“Khi sự cố xảy ra, các điều dưỡng và bác sĩ đã cấp cứu liên tục, có người không ăn không nghỉ, vừa cấp cứu vừa khóc...”, ông Thạo nhớ lại.
Đáng chú ý, tại tòa, đại diện gia đình các nạn nhân đã cương quyết đề nghị HĐXX điều tra bổ sung, xem xét trách nhiệm với những người liên quan là ông Trương Quý Dương và ông Đỗ Anh Tuấn (Giám đốc Công ty TNHH Thiên Sơn, là đơn vị cung ứng thiết bị vật tư và bảo hành, bảo trì các thiết bị y tế tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình).
Các gia đình nạn nhân vụ tai biến cũng bày tỏ mong muốn những người có trách nhiệm sẽ phải đứng ra trước tòa để xác nhận đúng người, đúng tội sao cho phiên tòa khách quan nhất, thuyết phục người dân nhất.
Liên quan tới việc bồi thường thiệt hại, đại diện gia đình các nạn nhân trong vụ tai biến đồng loạt yêu cầu Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại một cách thỏa đáng.