3 bị cáo bị đưa xét xử trong vụ án này gồm: Bùi Mạnh Quốc (Giám đốc Công ty TNHH xử lý nước Trâm Anh) bị truy tố về tội "Vô ý làm chết người"; Trần Văn Sơn (cán bộ phòng vật tư, trang thiết bị y tế Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình) và bác sĩ Hoàng Công Lương (bác sĩ ở đơn nguyên thận nhân tạo, khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình) cùng bị truy tố về "Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng".
Đây là vụ án được dự luận xã hội, nhất là giới y khoa rất quan tâm vì vụ việc này là sự cố y khoa nghiêm trọng nhất từ trước tới nay và việc bác sĩ Hoàng Công Lương bị truy tố với tội danh nêu trên có rất nhiều ý kiến cho rằng chưa khách quan.
Sau một tuần tạm hoãn, sau khi được mở lại, phiên tòa sáng nay đã có rất đông phóng viên của nhiều cơ quan báo chí tới đưa tin về phiên tòa, cùng với đó là nhiều người nhà bệnh nhân, bạn bè của bác sĩ Lương cũng tới để động viên chia sẻ.
Ngoài ra, những người dân quan tâm đến vụ án cũng đã đến và được bố trí ngồi ở phòng bên cạnh theo dõi phiên tòa qua màn hình trực tiếp.
Đáng chú ý, các luật sư tham gia bào chữa cho các bị cáo và bảo vệ quyền lợi cho phía bị hại cũng có mặt tại phiên tòa. Trong đó, bác sĩ Hoàng Công Lương có các luật sư bào chữa là: Nguyễn Văn Chiến, Trần Hồng Phúc, Ngô Thị Thu Hằng, Nguyễn Văn Đà và Lê Văn Thiệp.
Tuy nhiên tại phiên tòa sáng nay, ông Trương Quý Dương (nguyên giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình) vẫn không có mặt. Do đó, ngay trong phiên khai tòa, các luật sư đều có ý kiến với HĐXX yêu cầu triệu tập ông Trương Quý Dương, cùng đại diện Bộ Y tế, đại diện Phòng Vật tư y tế Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình, đại diện Bệnh viện Bạch Mai và các cá nhân khác có liên quan tới tòa để đảm bảo làm rõ các tình tiết của vụ án trong quá trình xét xử, cũng như bảo đảm việc tranh luận công khai trước tòa.
Bày tỏ thái độ gay gắt trước sự vắng mặt của ông Trương Quý Dương tại tòa, luật sư Lê Văn Thiệp đã thẳng thắn cho rằng việc vắng mặt của ông Trương Quý Dương gây khó khăn cho quá trình xét xử vì ông Dương liên quan đến nhiều tình tiết quan trọng trong vụ án này, từ quá trình ký hợp đồng lắp đặt vật tư, trang thiết bị y tế liên quan chạy thận nhân tạo đến các khâu giám sát, nghiệm thu và cuối cùng là sự cố tai biến y khoa.
Trước các ý kiến của luật sư, đại diện Viện kiểm sát giữ quyền công tố tại tòa, cùng với Chủ tọa phiên tòa là Thẩm phán Nghiêm Hoài Anh cho biết trong quá trình xét xử sẽ tiến hành triệu tập những người có liên quan nếu thấy cần thiết.
Theo cáo trạng của vụ án, bị cáo Bùi Mạnh Quốc là người trực tiếp sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống lọc nước RO số 2 của Đơn nguyên thận nhân tạo, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình.
Trong quá trình thực hiện, Quốc đã sử dụng hỗn hợp Axit Flohydric (HF) và Axitclohydric (HCL) để sục rửa các vỏ màng lọc (đây là những loại hóa chất không có trong Danh mục hóa chất được dùng trong y tế). Trong quá trình thao tác do cẩu thả đã để tồn dư 1 lượng hóa chất lớn trong hệ thống nước.
Đồng thời, khi chưa tiến hành lấy mẫu nước để kiểm định như hợp đồng đã ký kết, nhưng do quá tự tin nên sáng 29-5-2017, Quốc đã bỏ mặc cho việc đưa hệ thống lọc nước RO số 2 vào sử dụng dẫn đến gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng làm 8 người tử vong.
Còn bị cáo Trần Văn Sơn là người được giao kiểm tra, giám sát việc thay thế, bảo dưỡng hệ thống lọc nước RO số 2 của Đơn nguyên thận nhân tạo. Nhưng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, Sơn đã không trực tiếp có mặt, không theo dõi, giám sát theo đúng chức trách nhiệm vụ được giao. Khi giao nhận với Bùi Mạnh Quốc qua điện thoại vào chiều 28-5-2017, Sơn biết rõ Quốc chưa làm xét nghiệm kiểm tra lại nguồn nước nhưng đã giao lại qua điện thoại cho Điều dưỡng viên của Đơn nguyên thận nhân tạo và không báo cáo cụ thể với lãnh đạo phòng.
Sáng 29-5-2017, mặc dù có mặt tại Đơn nguyên thận nhân tạo nhưng Sơn vẫn để mặc cho việc đưa hệ thống lọc nước RO số 2 vào sử dụng dẫn tới hậu quả nghiêm trọng làm 8 bệnh nhân chạy thận tử vong.
Do đó với trình độ, nhận thức và vai trò, trách nhiệm được giao, bác sĩ Lương buộc phải biết rõ quy định nước sử dụng trong lọc máu phải đảm bảo chất lượng theo quy định và thuộc trách nhiệm của Trưởng khoa. Nhưng sáng 29-5-2017, khi mới chỉ nghe Điều dưỡng viên Đỗ Thị Điệp nói về việc Trần Văn Sơn gọi điện thông báo hệ thống nước RO số 2 đã sửa xong và có thể hoạt động bình thường thì bác sĩ Lương đã chủ quan, không kiểm tra lại và cũng không báo cáo với Trưởng khoa theo chức trách, nhiệm vụ được giao mà vẫn ra y lệnh điều trị cho các bệnh nhân và để cho hoạt động lọc máu tại Đơn nguyên thận nhân tạo diễn ra bình thường, dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng làm 8 người tử vong.
Sau khi bác sĩ Hoàng Công Lương bị truy tố với tội danh nêu trên đã có rất nhiều ý kiến từ phía các chuyên gia y tế, các luật sư và người nhà bệnh nhân lên tiếng bảo vệ và chia sẻ bác sĩ Lương vì cho việc truy tố chưa thực sự khách quan.
Đối với bản thân bác sĩ Lương cũng đã viết tâm thư gửi đồng loạt đến lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Quốc hội. Trong bức tâm thư này, bác sĩ Lương đã bày tỏ: "Bản thân cháu chỉ có một mong muốn duy nhất là chữa bệnh, cứu người nhằm thực hiện ước nguyện cả đời làm nghề bác sĩ điều trị, cố gắng học hỏi chuyên môn, giữ gìn y đức, hết lòng yêu thương người bệnh như người thân của mình... Lá thư này là tâm thư được cháu chắt lọc từ nước mắt, niềm tin với mong muốn gửi đến các bác. Kính mong các bác giúp đỡ cho xem xét lại bản chất của vụ án, xét xử đảm bảo công khai, minh bạch, công bằng, thượng tôn pháp luật; đúng người, đúng tội, tránh bỏ lọt tội phạm, không làm oan người vô tội".
Sau khi nhận được bức tâm thư của bác sĩ Hoàng Công Lương, trước ngày phiên tòa sơ thẩm được mở lại, ngày 11-5, ông Nguyễn Duy Hưng, Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ đã ký công văn 4365/VP-CP truyền đạt ý kiến của Phó thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đến Tòa án nhân dân tỉnh Hòa Bình về việc đơn thư của bác sĩ Hoàng Công Lương gửi lãnh đạo Chính phủ.
Theo đó, công văn ghi rõ: Bác sĩ Hoàng Công Lương công tác tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình có đơn gửi Thủ tướng Chính phủ kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét, đánh giá công bằng, đúng bản chất hành vi của bác sĩ trong vụ việc sự cố y khoa xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình ngày 29-5-2017.
Về việc này, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình có ý kiến như sau: Chuyển đơn của bác sĩ Hoàng Công Lương đến Tòa án nhân dân tỉnh Hòa Bình để chỉ đạo, xem xét, giải quyết theo quy định, đảm bảo việc xét xử công bằng, không bỏ lọt tội phạm, nhưng cũng không làm oan người vô tội.
Dự kiến phiên tòa sẽ diễn ra trong khoảng 4 ngày.