Trả lời Hội đồng xét xử (HĐXX), bị cáo Khương Ngọc Chất (nguyên Trưởng phòng An ninh chính trị nội bộ Công an tỉnh Hòa Bình) bị truy tố về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” một mực kêu oan và cho rằng bản thân bị vu khống.
Đồng thời, bị cáo Chất cũng đề nghị HĐXX triệu tập ông Hoàng Văn Giang và Nguyễn Đức Thanh là hai cán bộ công an trực tiếp làm nhiệm vụ tại khu vực làm phách và chấm điểm, cùng những phụ huynh mà cáo trạng cho rằng bị cáo nhận thông tin để nâng điểm cho con em họ.
Đáng chú ý, bị cáo Chất cũng đề nghị triệu tập điều tra viên Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an để cung cấp toàn bộ chứng cứ liên quan đến lời khai của bị cáo Đỗ Mạnh Tuấn (nguyên Phó Hiệu trưởng Trường phổ thông Dân tộc nội trú THCS và THPT huyện Lạc Thủy, Hòa Bình) vì cơ quan tố tụng đang căn cứ vào những lời khai này buộc tội bị cáo Chất.
Mặc dù kêu oan và cho rằng không phạm tội lợi dụng chức vụ quyền hạn nhưng trước tòa, cựu Trưởng phòng an ninh chính trị nội bộ Công an tỉnh Hòa Bình Khương Ngọc Chất lại thừa nhận có gặp bị cáo Đỗ Mạnh Tuấn nhưng chỉ để "chào nhau" và có gọi điện cho bị cáo Nguyễn Quang Vinh (nguyên Trưởng Phòng Khảo thí Sở GD-ĐT tỉnh Hòa Bình) nhờ xem điểm giúp 5 trường hợp là con em của anh em trong công an tỉnh.
Trước lời khai của bị cáo chất, HĐXX đặt câu hỏi việc xem điểm trước là sai quy chế nhưng vẫn làm? Bị cáo Chất khai do nể nang, và tiếp tục không thừa nhận lời khai của bị cáo Đỗ Mạnh Tuấn liên quan đến việc đưa, nhận tiền.
Trước sự mâu thuẫn về lời khai, đại diện cơ quan tố tục đề nghị HĐXX cho Đỗ Mạnh Tuấn lên đối chất. Thế nhưng, bị cáo Tuấn vẫn khẳng định giữ nguyên các lời khai của mình như trong hồ sơ vụ án và tại tòa trước đó.
Theo đó, bị cáo Tuấn Khai thừa nhận đã lợi dụng vị trí ủy viên Tổ chấm thi trắc nghiệm để nâng điểm cho các thí sinh theo chỉ đạo của bị cáo Nguyễn Quang Vinh. Sau đó, Đỗ Mạnh Tuấn rủ thêm bị cáo Nguyễn Khắc Tuấn (nguyên chuyên viên Phòng khảo thí) cùng nhau nâng điểm.
Đồng thời, bị cáo Đỗ Mạnh Tuấn cũng thừa nhận có gặp bị cáo Chất và nhận lời đề nghị nâng điểm cho 10 thí sinh. Tiếp đó, bị cáo Đỗ Mạnh Tuấn có đề nghị Chất tác động để lực lượng công an làm nhiệm vụ ở nơi chấm thi buông lỏng giám sát. Nâng điểm xong, Đỗ Mạnh Tuấn được Chất đưa cho 500 triệu đồng.
Trước lời khai của bị cáo Tuấn, bị cáo Chất cho rằng mình bị Đỗ Mạnh Tuấn vu khống và có động cơ thù ghét cá nhân khi Chất vận động và trực tiếp đưa Tuấn đi đầu thú.
Trong khi đó, theo cáo trạng, đầu tháng 5-2018, khi tham gia họp tại Sở GD-ĐT để chuẩn bị cho kỳ thi, bị cáo Chất gặp Đỗ Mạnh Tuấn nhờ nâng điểm cho một số thí sinh là con em cán bộ Công an tỉnh Hòa Bình. Sau đó, bị cáo Tuấn gật đầu và đề nghị Chất tạo điều kiện bố trí nhân sự bảo vệ làm sao để việc nâng điểm được dễ dàng.
Đến ngày 29-6, Chất tới địa điểm chấm thi trắc nghiệm đưa danh sách thí sinh cho Tuấn và kết quả cả 10 thí sinh đều được nâng điểm. Lời khai của Tuấn còn cho thấy, nâng điểm xong, Tuấn được Chất đưa cho 500 triệu đồng.
Trước đó, trả lời thẩm vấn của HĐXX, bị cáo Nguyễn Quang Vinh được xem là kẻ cầm đầu vụ án đã phủ nhận hoàn toàn cáo buộc trong cáo trạng và lời khai của các đồng phạm. Nguyên Trưởng Phòng Khảo thí Sở GD-ĐT tỉnh Hòa Bình chỉ nhận trách nhiệm là Trưởng ban Thư ký Hội đồng thi đã để xảy ra sai phạm trong kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018 tại Hòa Bình và không đồng ý với tội danh “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” như cáo buộc của cơ quan tố tụng.
Theo cáo trạng của vụ án, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, bị cáo Nguyễn Quang Vinh cùng đồng bọn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao, lợi dụng mối quan hệ đồng nghiệp, quan hệ cá nhân để câu kết, can thiệp nâng điểm bài thi THPT cho 65 thí sinh. Trong đó có 64 thí sinh tham gia kỳ thi THPT quốc gia 2018 và 1 thí sinh tham gia kỳ thi THPT quốc gia 2017.
Đã có 62 thí sinh sử dụng kết quả gian lận để xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng. Sau khi bị phát hiện, 45 thí sinh đã bị buộc thôi học; 10 thí sinh có kết quả thẩm định lại vẫn đủ điểm xét tuyển nên được tiếp tục cho học; 6 thí sinh trúng tuyển nhưng không nhập học; 1 thí sinh xét tuyển nhưng không trúng tuyển.
Cáo trạng cũng làm rõ, trong vụ án, 18 cán bộ chấm thi có hành vi trực tiếp chấm nâng điểm 20 bài thi tự luận môn Ngữ Văn, ký hợp thức kết quả gian lận cho 20 thí sinh.
Cơ quan điều tra Bộ Công an cho rằng 18 cán bộ này không vì động cơ vụ lợi, làm theo chỉ đạo, sai phạm lần đầu và thành khẩn khai báo nên chỉ kiến nghị xử lý hành chính.
Ngoài ra, 23 cán bộ chấm thi khác dù không trực tiếp nâng điểm nhưng đã thiếu trách nhiệm, không thực hiện đúng quy trình thủ tục chấm thi nên phía điều tra cũng đã kiến nghị xử lý hành chính.