Hội đồng xét xử (HĐXX) Tòa án nhân dân tỉnh Sơn La cho phép các bị cáo được tự bào chữa cùng phần bào chữa của luật sư. Tại phần tự bào chữa, hầu hết các bị cáo đều thể hiện sự ăn năn, hối cải trước hành vi phạm tội và bày tỏ mong muốn nhận được sự khoan hồng của pháp luật.
Trước tòa, bị cáo Nguyễn Thanh Nhàn (cựu Phó trưởng Phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng, Sở GD-ĐT Sơn La, bị đề nghị mức án từ 2-3 năm tù) cho rằng bản thân thành khẩn khai báo trong suốt quá trình điều tra và thừa nhận giúp bạn xem điểm cho 4 thí sinh là sai. “Sau khi bị khởi tố, bị cáo được tại ngoại và thấy được sự nhân văn của pháp luật dành cho mình. Bị cáo mong muốn tiếp tục nhận được sự khoan hồng của pháp luật”, bị cáo Nhàn bày tỏ.
Trong khi đó, bị cáo Lò Văn Huynh (cựu Trưởng phòng Khảo thí và Quản ký chất lượng, Sở GD-ĐT Sơn La, bị đề nghị mức án từ 23-25 năm tù về 2 tội danh “Nhận hối lộ” và “Lợi dụng chức vụ và quyền hạn trong khi thi hành công vụ”) tỏ ra ăn năn, hối hận về sai phạm của mình đã làm ảnh hưởng đến uy tín của ngành giáo dục, đến kết quả thi chung của các thí sinh.
Bị cáo mong muốn HĐXX xem xét, tạo điều kiện được sớm trở về đời sống xã hội, giảm nhẹ hình phạt ở mức thấp nhất vì đã từng cống hiến nhiều năm cho sự nghiệp giáo dục. Bị cáo Huynh đồng tình với cáo buộc của cơ quan tố tụng về hành vi nhận số tiền 300 triệu đồng của bị cáo Lò Thị Trường (ở TP Sơn La, tỉnh Sơn La) nhưng đề nghị HĐXX xem lại việc truy tố đối với hành vi nhận 1 tỷ đồng của bị cáo Nguyễn Minh Khoa (cựu cán bộ Công an tỉnh Sơn La). Theo bị cáo Huynh, trong quá trình điều tra, việc bị cáo khai đã nhận của bị cáo Khoa 1 tỷ đồng là không chính xác.
Được tự bào chữa, bị cáo Nguyễn Minh Khoa (bị đề nghị mức án 12-13 năm tù về tội “Đưa hối lộ”) cho rằng bản thân không nhất trí với kết luận điều tra của cơ quan công an, cáo trạng và luận tội của cơ quan tố tụng vì có nhiều mâu thuẫn. Trong lời bào chữa cho bản thân, bị cáo Khoa chỉ thừa nhận có gặp bị cáo Huynh để nhờ xem điểm cho 2 thí sinh chứ không đưa số tiền 1 tỷ đồng cho Huynh để nhờ nâng điểm.