Từ kết quả điều tra, hồ sơ vụ án và lời khai của các bị cáo tại phiên tòa, đại diện VKS đề nghị hội đồng xét xử áp dụng Điều 319 thay đổi tội danh truy tố với 19 bị cáo từ tội “Giết người” sang tội “Chống người thi hành công vụ”.
Đồng thời đề nghị tuyên các mức án đối với các bị cáo nhóm hành vi “Giết người”, gồm các ông: Lê Đình Công tử hình; Lê Đình Chức tử hình; Lê Đình Doanh tù chung thân; Bùi Viết Hiểu từ 16-18 năm tù; Nguyễn Quốc Tiến 16-18 năm tù; Nguyễn Văn Tuyển từ 14-16 năm tù.
Đề nghị tuyên phạt nhóm bị cáo ở hành vi “Chống người thi hành công vụ”, gồm: Lê Đình Uy, Lê Đình Quan, Nguyễn Văn Quân mỗi bị cáo bị đề nghị từ 6-7 năm tù; Bùi Văn Tiến từ 5-6 năm tù; Các bị cáo: Lê Đình Quân, Trịnh Văn Hải, Bùi Thị Nối, Bùi Thị Đục bị đề nghị từ 4-5 năm tù; Các bị cáo: Nguyễn Thị Bét, Bùi Văn Tuấn, Trần Thị La, Nguyễn Văn Duệ, Nguyễn Xuân Điều bị đề nghị từ 3-4 năm tù; Bị cáo Bùi Văn Niên từ 2-2 năm 6 tháng tù; Nguyễn Thị Lụa từ 2 năm 6 tháng - 3 năm tù; Mai Thị Phần từ 2 năm - 2 năm 6 tháng tù; Lê Thị Loan từ 2 năm 6 tháng - 3 năm tù, hưởng án treo; Đào Thị Kim từ 2 năm - 2 năm 6 tháng tù, hưởng án treo; Nguyễn Văn Trung từ 18-24 tháng tù, hưởng án treo; Các bị cáo: Lê Đình Hiển, Bùi Viết Tiến, Nguyễn Thị Dung, Trần Thị Phượng từ 15-18 tháng tù, hưởng án treo.
Trong bản luận tội, đại diện VKS cho rằng, hành vi phạm tội của các bị cáo trong vụ án này là đặc biệt nguy hiểm, gây bức xúc trong nhân dân. Bị cáo Lê Đình Chức có liên quan và ném 3 "bom xăng" vào lực lượng công an. Hành vi của bị cáo đã phạm vào hành vi “Giết người” với lỗi cố ý trực tiếp.
Trong khi đó, bị cáo Lê Đình Doanh được xác định tham gia ném 2 bom xăng vào lực lượng công an. Bị cáo Doanh là người trực tiếp đi mua xăng, đổ xăng ra chậu và đẩy cho bị cáo Lê Đình Chức để bị cáo Chức lấy gậy gạt chậu xăng xuống hố thiêu chết 3 chiến sĩ công an. Tại tòa, VKS cho rằng có đủ căn cứ xác định hành vi giết người với lỗi cố ý trực tiếp của bị cáo Doanh.
VKS đánh giá, đây là vụ án hình sự đặc biệt nghiêm trọng, hành vi của các bị cáo là đặc biệt nguy hiểm cho xã hội, gây hoang mang cho nhân dân. Khi lực lượng công an làm nhiệm vụ, các bị cáo hô hào dùng vũ khí rất nguy hiểm để chống đối. Hành vi của các bị cáo mang tính chất côn đồ, giết nhiều người một cách dã man, gây bất bình trong nhân dân, hậu quả gây ra vô cùng lớn đối với lực lượng công an; gây ra cảnh chia lìa vĩnh viễn giữa bố và con, vợ và chồng. VKS tin rằng, sự hy sinh của 3 chiến sĩ đã làm thức tỉnh lương tâm của các bị cáo. Tại phiên tòa, VKS cũng chia sẻ sự mất mát đối với 3 gia đình các chiến sĩ đã hy sinh.
Đánh giá mức độ, vai trò của các bị cáo trong vụ án, VKS cho rằng đứng đầu, giữ vai trò chủ mưu cầm đầu, chống đối, kích động nổ mìn, tuyên bố giết 300-500 cán bộ công an là Lê Đình Công. Bản thân Lê Đình Công là người chỉ đạo mua lựu đạn, trực tiếp ném "bom xăng" vào lực lượng công an. Bị cáo phạm tội với động cơ giết càng nhiều công an càng tốt và có nhiều tình tiết tăng nặng (2 người trở lên, người thi hành công vụ), cáo trạng truy tố có căn cứ. Thêm vào đó, tại tòa bị cáo không thành khẩn khai báo. Từ nhận định này, VKS cần thiết áp dụng hình phạt nghiêm khắc, loại bỏ ra đời sống xã hội.
Với bị cáo Lê Đình Chức, có nhiều hành vi chống đối. Khi biết công an về làm nhiệm vụ, bị cáo Lê Đình Chức đã huy động nhiều người mang nhiều loại vũ khí về nhà ông Lê Đình Kình chống đối, nén bom xăng về phía công an.
Các bị cáo Lê Đình Chức và Lê Đình Doanh đã nhiều lần đổ xăng xuống hố phóng lửa làm 3 chiến sĩ hy sinh. Bị cáo Lê Đình Chức đã gây nên hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. VKS nhận định do tính chất nghiêm trọng của hành vi giết người với tính chất côn đồ, cần loại bỏ khỏi đời sống xã hội.