Trả lời Hội đồng xét xử (HĐXX), đại diện của cơ quan giám định của Bộ Xây dựng cho biết, trong quá trình thi công xây dựng dự án, nhà thầu chưa kiểm tra chất lượng ống, chưa thử nghiệm độ bền dài hạn, đồng thời do áp lực tiến độ nên nhà thầu và đơn vị thi công đã dùng ống có thành ống không đồng đều, có khuyết tật trên bề mặt ống.
Theo thời gian, do áp lực nước được bơm mạnh từ nhà máy chảy theo đường ống, khi về đến gia đình các hộ dân đã dẫn đến vỡ đường ống nước. Cũng vì chất lượng đường ống dẫn nước không đảm bảo quy định nên đã làm đường ống nước sông Đà bị vỡ 18 lần ở nhiều đoạn khác nhau.
Cũng theo đại diện cơ quan giám định, có 40 đoạn ống khuyết tật nhưng vẫn được đưa vào thi công. Tuy nhiên, hồ sơ lưu trữ không thấy nhà thầu ghi nhận để khắc phục. Trong khi đó, theo quy định, sau khi lắp đặt ống, nhà thầu phải thử lắp đặt tĩnh nhưng do áp lực tiến độ, nhà thầu và ban quản lý đã cho lắp đặt toàn bộ tuyến ống.
9 bị cáo trong phiên tòa xét xử vụ án vỡ đường ống nước sông Đà- Hà Nội
Trước đó, trong phần thẩm vấn, các bị cáo bày tỏ thái độ thành khẩn khai báo nhưng đều cho rằng bản thân làm đúng quy trình, không đến mức sai phạm như cáo trạng nêu và đề nghị xem xét lại kết quả giám định đường ống nước.
Trước tòa, bị cáo Hoàng Thế Trung (nguyên Giám đốc Ban quản lý dự án) cho rằng, việc cáo trạng quy kết ban quản lý phải chịu trách nhiệm là không đúng. Bởi kết luận điều tra, giám định bề dày của ống do nhà sản xuất quyết định nhưng lại đưa trách nhiệm của ban quản lý vào đó.
Còn bị cáo Nguyễn Văn Khải (nguyên Phó Giám đốc Ban quản lý dự án) cho rằng, cần xem xét sự việc một cách toàn diện hơn. Bởi lẽ, việc vỡ ống không phải do nguyên nhân chất lượng ống mà còn nhiều vấn đề khác chưa làm rõ trong vụ án này.
Cũng tại phiên xét xử, do ông Phí Thái Bình, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) Vinaconex, xin vắng mặt vì lý do sức khỏe nên HĐXX đã công bố lời khai của ông Bình.
Trong đó, về lựa chọn đơn vị cung cấp thiết bị, ông Bình lý giải, nhà máy có đủ năng lực sản xuất ra ống phục vụ dự án. “Việc vỡ đường ống nước Sông Đà do nhiều nguyên nhân khách quan, không phải do việc phê duyệt dự án, không thuộc trách nhiệm của HĐQT Vinaconex...”, ông Bình khai.
Trong khi đó, được triệu tập tới tòa với tư cách nguyên đơn dân sự và là bên chịu thiệt hại, đại diện Công ty cổ phần Nước sạch Vinaconex (Viwasupco) khi trình bày quan điểm đã cho biết, doanh nghiệp không yêu cầu các bị cáo bồi thường số tiền thiệt hại 16,6 tỷ đồng mà Viwasupco phải bỏ ra để khắc phục, sửa chữa những lần đường ống nước sông Đà bị vỡ, hay gặp sự cố. Lý do là vì tuyến ống được lắp đặt trên nền đất phức tạp, khó tránh khỏi sự cố, nhất là khi chỉ có một tuyến ống.