Hơn 35.000 nhà đầu tư “sập bẫy” trái phiếu
Trong vụ án này, bị cáo Trương Mỹ Lan, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, bị cáo buộc phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” của 35.824 bị hại - là những người đã mua 25 mã trái phiếu khống do các công ty thuộc hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát phát hành.
Cáo trạng xác định, khoảng tháng 8-2018, Ngân hàng SCB đang trong tình trạng bị các cơ quan quản lý thanh tra, kiểm tra; việc xin cấp tín dụng từ SCB của các công ty thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát gặp khó khăn, nợ xấu kéo dài. Trước bối cảnh trên, Trương Mỹ Lan đã ra chủ trương, họp với các nhân sự chủ chốt của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, SCB và Công ty Chứng khoán TVSI để phát hành, chào bán trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ bất hợp pháp.
Các bị cáo đã thống nhất sử dụng 4 công ty thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát gồm: An Đông, Sunny World, Quang Thuận và Setra phát hành 25 mã trái phiếu khống, không có tài sản đảm bảo, với mục đích tăng quy mô vốn, phát triển hoạt động kinh doanh và cơ cấu lại các khoản nợ.
Các gói trái phiếu của Công ty An Đông, Quang Thuận và Setra đã thông qua Công ty Chứng khoán TVSI - đại diện tổ chức phát hành, trực tiếp ký kết hợp đồng bán trái phiếu.
Để phân phối trái phiếu, lãnh đạo SCB và TVSI phối hợp xây dựng chương trình, sau đó SCB tổ chức đào tạo cho các nhân viên trong toàn hệ thống tư vấn, giới thiệu các nhà đầu tư thứ cấp (người dân) ký kết hợp đồng mua trái phiếu với TVSI.
Toàn bộ số tiền chiếm đoạt của các nhà đầu tư trái phiếu được sử dụng để Tập đoàn Vạn Thịnh Phát trả nợ vay ngân hàng, trả gốc, lãi trái phiếu, chi dự án, chuyển tiền ra nước ngoài hoặc mục đích cá nhân khác của Trương Mỹ Lan.
Sau khi cơ quan chức năng vào cuộc, các công ty này mất khả năng chi trả cho người mua trái phiếu. Tính đến thời điểm khởi tố vụ án (ngày 7-10-2022), tổng dư nợ của 4 công ty đối với 35.824 bị hại là hơn 30.000 tỷ đồng.
Xét xử vắng mặt các bị hại
Trong quá trình chuẩn bị xét xử vụ án giai đoạn 2, TAND TPHCM đã ban hành nhiều thông báo đề nghị các bị hại, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan theo dõi, kiểm tra thông tin.
Các trường hợp sở hữu trái phiếu liên quan đến 4 công ty này nhưng chưa có tên trong danh sách kèm theo Kết luận điều tra của Bộ Công an thì làm đơn gửi về TAND TPHCM.
Theo thông báo của Thẩm phán Nguyễn Thị Hà, Chủ tọa phiên tòa, tòa án sẽ tiến hành xét xử vắng mặt bị hại, đương sự theo quy định tại Điều 62; Điều 65 và Điều 292 Bộ luật Tố tụng hình sự. Việc xét xử vắng mặt các bị hại, đương sự không gây ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án và không ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của các bị hại, đương sự.
Nếu như ở giai đoạn 1 của vụ án, Trương Mỹ Lan bị đánh giá là không thành khẩn khai báo thì tại giai đoạn 2, bà Lan được cơ quan điều tra đánh giá là có chuyển biến về nhận thức và ý thức pháp luật, ăn năn hối cải, chủ động khắc phục hậu quả vụ án.
Trước đó, xét xử sơ thẩm giai đoạn 1, bị cáo Trương Mỹ Lan bị tuyên phạt tử hình về các tội “Tham ô tài sản”, “Đưa hối lộ” và “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”. Tòa cũng tuyên buộc bị cáo Trương Mỹ Lan bồi hoàn toàn bộ thiệt hại đối với 1.243 khoản vay còn dư nợ tại SCB, khấu trừ số tiền các bị cáo đã nộp lại, buộc bị cáo phải bồi hoàn số tiền hơn 673.000 tỷ đồng.
Đối với các tài sản, khoản tiền mà hội đồng xét xử xác định để khắc phục, đảm bảo nghĩa vụ cho bị cáo Trương Mỹ Lan trong toàn bộ vụ án là bao gồm vụ án này và các vụ án của các giai đoạn tiếp theo, nhưng ưu tiên thi hành án cho các bị hại liên quan đến hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong việc phát hành trái phiếu.
Với phiên xét xử giai đoạn 2, ngoài hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, bị cáo Trương Mỹ Lan còn bị xét xử về tội “Rửa tiền” và “Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới”.
Theo đó, cơ quan tố tụng xác định bà Lan cùng đồng phạm đã rửa tiền với số tiền lên tới hơn 445.000 tỷ đồng; Trương Mỹ Lan và 8 đồng phạm đã vận chuyển trái phép hơn 4,5 tỷ USD (tương đương hơn 106.000 tỷ đồng) từ nước ngoài về Việt Nam và từ Việt Nam ra nước ngoài.
Các thông tin đáng chú ý tại phiên tòa xét xử Trương Mỹ Lan giai đoạn 2
* Chủ tọa phiên tòa là Thẩm phán Nguyễn Thị Hà, Phó chánh Tòa Hình sự, TAND TPHCM.
* 5 kiểm sát viên và 1 kiểm sát viên dự khuyết tham gia phiên tòa.
* 34 bị cáo hầu tòa.
* Hơn 40 luật sư tham gia bào chữa cho các bị cáo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các bị hại.
* 35.824 nhà đầu tư được xác định là bị hại trong vụ án; 534 tổ chức, cá nhân được xác định là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.
Tổng số tiền bị thu giữ trong vụ án: 408 tỷ đồng. Đã phong tỏa 79 tài khoản với tổng số tiền là 92 tỷ đồng và 5.799 USD; Ngăn chặn giao dịch, sổ tiết kiệm, tài khoản chứng khoán với tổng số tiền hơn 824 tỷ đồng và 261.914 USD; Kê biên thửa đất của Trương Mỹ Lan tại địa chỉ 268 đường Võ Văn Kiệt, quận 1 và 16 quyền sử dụng đất ở huyện Nhà Bè, TPHCM; thửa đất tại huyện Sóc Sơn, Hà Nội; 76 quyền sử dụng đất tại huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai.