Hội đồng xét xử vụ án sai phạm tại PVTEX có 5 người do Thẩm phán Trần Nam Hà làm chủ tọa phiên tòa.
4 bị cáo bị đưa ra xét xử trong vụ án này gồm: Trần Trung Chí Hiếu (53 tuổi, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị PVTEX); Đỗ Văn Hồng (51 tuổi, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và Xây lắp Dầu khí Kinh Bắc - PVC.KBC); Đào Ngọ Hoàng (40 tuổi, nguyên Trưởng phòng Thương mại hợp đồng PVTEX) và Vũ Phương Nam (39 tuổi, nguyên Kế toán trưởng PVTEX).
Cả 4 bị cáo đều bị truy tố về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. Riêng bị cáo Trần Trung Chí Hiếu bị truy tố thêm tội “Nhận hối lộ”.
Sau phần thủ tục tại phiên tòa, đại diện Viện Kiểm sát giữ quyền tố tụng đã công bố bản cáo trạng của vụ án.
Bản cáo trạng nêu rõ, PVTEX được thành lập trên cơ sở thỏa thuận hợp tác đầu tư ngày 15-5-007 về việc xây dựng nhà máy sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ giữa Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), trụ sở tại Khu Công nghiệp Đình Vũ, Hải Phòng. Xuất phát từ nhu cầu chỗ ở cho cán bộ, công nhân viên khi nhà máy đi vào hoạt động, ngày 12-8-2009, Trần Trung Chí Hiếu đã ký Nghị quyết số 08/NQ-PVTEX ĐHĐCĐ/2009 thống nhất thông qua chủ trương đầu tư xây dựng Dự án nhà ở cho cán bộ, công nhân viên PVTEX (tại quận Hải An, TP Hải Phòng) với tổng mức đầu tư hơn 318 tỷ đồng. Trong đó, giai đoạn 1 hơn 101 tỷ đồng và giai đoạn 2 hơn 212 tỷ đồng. Nguồn vốn lấy từ PVTEX và vay của PVN.
Quá trình triển khai thực hiện dự án nhà ở, các bị cáo đã có hành vi làm trái các quy định của Nhà nước trong lĩnh vực đầu tư xây dựng, dẫn đến dự án dang dở, xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí nguồn vốn đầu tư, thiệt hại đến tài sản của Nhà nước.
Cụ thể, dự án xây dựng nhà cho cán bộ, nhân viên được PVTEX chỉ định cho Tổng Công ty CP Xây lắp Dầu khí (PVC) thi công, sau đó PVC lại giao cho công ty con là PVC.KBC thực hiện. Tiếp đó, PVC.KBC liên danh với Công ty CP Thiết kế quốc tế HEERIM.PVC để thực hiện dự án này.
Tại thời điểm trở thành nhà thầu, cả hai công ty đều mới được thành lập, không đáp ứng được yêu cầu tối thiểu về số năm hoạt động trong lĩnh vực tư vấn lập dự án đầu tư, thiết kế và thi công xây lắp công trình xây dựng (tối thiểu 5 năm); không đáp ứng được yêu cầu có ít nhất 1 hợp đồng tương tự về quy mô, giá trị; không đáp ứng được yêu cầu về quy mô, lợi nhuận trung bình trong 3 năm gần đây.
Tuy nhiên, tháng 12-2010, Vũ Đình Duy - khi đó là Tổng Giám đốc PVTEX vẫn ký văn bản đánh giá liên danh 2 doanh nghiệp PVC.KBC và HEERM-PVC đủ điều kiện trúng chỉ định thầu, đề nghị HĐQT PVTEX phê duyệt trên đủ điều kiện trúng thầu.
Về hành vi cố ý làm trái trong việc cho tạm ứng và sử dụng tiền tạm ứng thực hiện dự án, Trần Trung Chí Hiếu dù biết việc cho PVC.KBC tạm ứng 20 tỷ đồng để thực hiện dự án là không đúng quy định của Hợp đồng số 14 nhưng vẫn chỉ đạo Vũ Đình Duy làm thủ tục và ký phê duyệt chủ trương cho tạm ứng.
Tiếp đó, Đào Ngọ Hoàng với vai trò là Trưởng phòng Thương mại hợp đồng PVTEX - là người có trách nhiệm tham mưu, đề xuất giải quyết việc tạm ứng trên là trái quy định - nhưng vẫn tham mưu để Vũ Đình Duy trình HĐQT quyết cho tạm ứng.
Vũ Phương Nam với vai trò là kế toán trưởng chịu trách nhiệm tham mưu, đề xuất các hoạt động tài chính, thanh quyết toán vốn đầu tư của PVTEX biết việc tạm ứng 20 tỷ cho PVC.KBC sẽ nâng số tiền thanh toán và tạm ứng vượt quá quy định nhưng không tham mưu, đề xuất để dừng việc tạm ứng mà vẫn tiếp tục làm thủ tục giải ngân 20 tỷ đồng cho PVC.KB.
Sau khi nhận 20 tỷ đồng trên, Đỗ Văn Hồng đã sử dụng sai mục đích, không sử dụng để hoàn thiện dự án như cam kết, không tiếp tục triển khai thi công. Đến ngày 31-12-2012 thì dừng hẳn mọi hoạt động tại dự án, rút toàn bộ máy móc, nhân công khỏi công trường. Đến nay, công trình dang dở, xuống cấp nghiêm trọng.
Hành vi vi phạm trên của các bị cáo đã gây thiệt hại hơn 19 tỷ đồng. Toàn bộ dự án dừng thi công dở dang từ năm 2012 đến nay. Do đó, UBND TP Hải Phòng đã phải ban hành quyết định thu hồi đất của dự án. Trên 92 tỷ đồng của Nhà nước đầu tư nhà ở chung cư cho công nhân khu công nghiệp bị sử dụng sai mục đích sang xây nhà liên kế, gây lãng phí nghiêm trọng.
Đối với hành vi nhận hối lộ, cáo trạng làm rõ, PVTEX Kinh Bắc do được lập vào năm 2010 với vốn điều lệ 30 tỷ đồng nhằm mục tiêu sản xuất ống cuốn sợi, thùng catton bán cho PVTEX và PVTEX bao tiêu sản phẩm, đồng tạo điều kiện cho mua sản phẩm của PVTEX. PVTEX Kinh Bắc được thành lập trong đó Đỗ Văn Hồng làm chủ tịch góp 70% cổ phần vốn tương ứng 21 tỷ đồng, PVTEX góp 10% cổ phần (tương ứng 3 tỷ đồng) bằng thương hiệu. Còn lại 20%, Vũ Đình Duy yêu cầu Hồng chi tiền nộp cho Duy và Hiếu mỗi người 10% cổ phần.
Theo cáo trạng, đủ căn cứ xác định trong việc liên kết thành lập PVTEX Kinh Bắc, Hiếu và Duy đã lợi dụng chức vụ quyền hạn, sự ảnh hưởng của mình buộc Đỗ Văn Hồng phải chi cho mỗi người 3 tỷ đồng để Hồng được tham gia góp vốn thành lập PVTEX Kinh Bắc và tạo điều kiện cho PVTEX Kinh Bắc trong việc mua bán, kinh doanh sản phẩm với PVTEX.
Ngoài ra, Đỗ Văn Hồng còn khai, trong quá trình hợp tác với Duy, Hồng đã phải chi gần 9 tỷ đồng để sửa chữa nhà, góp vốn cho Duy tại PVC KBC.
Theo kế hoạch, phiên tòa sẽ kéo dài trong 4 ngày.
Trong vụ án này, do bị can Vũ Đình Duy đã bỏ trốn (trong khi thời hạn điều tra đã hết vẫn chưa bắt được Duy), nên ngày 11-6-2018, Cơ quan Điều tra Bộ Công an đã quyết định tách vụ án hình sự và tạm đình chỉ điều tra, sau khi bắt được Duy sẽ tiếp tục điều tra xử lý. |