Trước đó, trong phần luận tội, đại diện Viện Kiểm sát đã đề nghị HĐXX xem xét mức hình phạt tù Chung thân đối với bị cáo Trịnh Xuân Thanh (nguyên Chủ tịch HĐQT PVC) với 2 tội danh là cố ý làm trái và tham ô tài sản, đây cũng là bị cáo bị đề nghị mức án cao nhất trong số 22 bị cáo trong vụ án này.
Tại phiên tòa lần này, bị cáo Trịnh Xuân Thanh có tới 5 luật sư bào chữa nên trong phiên tranh tụng đã có nhiều ý kiến bào chữa cho nguyên Chủ tịch HĐQT PVC.
Đề cập hành vi tham ô tài sản của bị cáo Trịnh Xuân Thanh, luật sư Nguyễn Quốc Hùng cho rằng việc cáo trạng cáo buộc Trịnh Xuân Thanh nhận khoản tiền 4 tỷ đồng thông qua tài xế của mình "có chứng cứ không rõ ràng". Quá trình xét xử tại tòa, các nhân chứng liên quan khai không thống nhất, lúc thì khai là tiền, lúc khai là quà nên cần phải được làm rõ hơn.
Cũng nêu quan điểm bào chữa cho bị cáo Trịnh Xuân Thanh về tội tham ô tài sản, luật sư Ngô Thị Thu Hằng cho rằng: Cáo trạng và quan điểm luận tội chưa đủ căn cứ và không phù hợp tài liệu, chứng cứ và diễn biến phiên tòa. Hồ sơ phản ánh PVC không có chủ trương yêu cầu đơn vị thành viên chuyển tiền về, nếu có thì của người khác không liên quan Trịnh Xuân Thanh vì không có chứng cứ tài liệu văn bản nào cho thấy Trịnh Xuân Thanh thống nhất với Vũ Đức Thuận (nguyên Tổng Giám đốc PVC). Lời khai của Nguyễn Anh Minh (nguyên Phó Tổng Giám đốc PVC) cũng phù hợp với lời khai của Vũ Đức Thuận, Bùi Mạnh Hiển (nguyên Chánh văn phòng PVC) rằng chủ trương nói bằng miệng mà không thể hiện dưới bất cứ văn bản nào.
Luật sư này cũng dẫn lời khai của Bùi Mạnh Hiển thể hiện việc chỉ đạo rút tiền là của Vũ Đức Thuận. Thuận cũng khai có yêu cầu Hiển lo tiền đối ngoại còn Hiển lo thế nào thì Thuận không chỉ đạo.
Luật sư Hằng cũng cho rằng, quan điểm truy tố buộc tội Trịnh Xuân Thanh chiếm đoạt 4 tỷ đồng và chịu trách nhiệm sử dụng chung 1,5 tỷ đồng là thiếu căn cứ. Riêng số tiền sử dụng chung, theo luật sư, cáo buộc chưa đủ cơ sở và không phù hợp tài liệu hồ sơ.
Trong khi đó, đề cập cáo buộc về việc bị cáo Trịnh Xuân Thanh quanh co chối tội, luật sư Nguyễn Văn Quynh đã viện dẫn nguyên tắc suy đoán vô tội và trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan có thẩm quyền.
Còn luật sư Trần Hồng Phúc trong phần tranh luận đã đề nghị HĐXX xem xét lại việc xử lý tài sản kê biên tài sản của Trịnh Xuân Thanh của vụ án này, cũng như xem xét, đánh giá ý thức trách nhiệm của bị cáo Thanh đối với việc xảy ra tham ô tại PVC về phần khắc phục hậu quả vì tới thời điểm này, gia đình của bị cáo Thanh đã nộp số tiền 4 tỷ đồng để khắc phục hậu quả.
Trong khi liên quan tới việc bào chữa cho bị cáo Đinh La Thăng (nguyên Chủ tịch HĐTV PVN), luật sư Phan Trung Hoài cho rằng quá trình điều tra và tại phiên tòa, bị cáo Đinh La Thăng đã nghiêm túc nhận trách nhiệm, kể cả trách nhiệm về những sai phạm của những cán bộ dưới quyền.
Đồng thời, luật sư Hoài đã đề nghị HĐXX và cơ quan tố tụng xem xét bản chất, nguyên nhân, bối cảnh vụ án, hành vi khách quan, nhận thức chủ quan, những vấn đề cần làm rõ thêm để xác định khoản thiệt hại.
Luật sư này cũng đề nghị HĐXX, các cấp, các cơ quan tiến hành tố tụng tới đây khi xét xử vụ án liên quan đến hành vi góp vốn 800 tỷ đồng của PVN vào OceanBank cần xem xét hướng xử lý phù hợp để bảo đảm tránh gây bất lợi thêm cho bị cáo Đinh La Thăng. Trước đó, bị cáo Đinh La Thăng đã bị đề nghị mức án từ 14-15 năm tù đối với hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.