Ngày 7-2, sau một tháng xét xử và nghị án, phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam (viết tắt VNCB, nay là Ngân hàng Thương mại TNHH MTV Xây dựng Việt Nam - viết tắt CBBank), Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank), Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã kết thúc. Nhận định vụ án còn nhiều vấn đề cần điều tra làm rõ, hội đồng xét xử quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung.
Theo hội đồng xét xử, có 6 vấn đề cần điều tra làm rõ để có căn cứ giải quyết vụ án một cách toàn diện, đúng pháp luật:
1. Qua quá trình xét hỏi và tranh tụng công khai tại phiên tòa, các bị cáo là cán bộ tại các ngân hàng BIDV, TPBank khẳng định không quen biết với bị cáo Phạm Công Danh (nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị VNCB, Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh).
Khi cho vay, các bị cáo không biết được các công ty đi vay là do Phạm Công Danh thành lập hay có mối liên hệ với bị cáo Danh. Nhóm các bị cáo tại BIDV và TPBank chỉ biết các công ty là do VNCB hoặc bị cáo Danh giới thiệu; các bị cáo không biết mục đích vay tiền là chuyển về cho bị cáo Danh sử dụng cũng như chưa chứng minh được có sự tiếp nhận ý kiến từ phía bị cáo Danh. Các bị cáo tại BIDV và TPBank thừa nhận là có sai sót trong quá trình nghiệp vụ nhưng là lỗi vô ý, luật sư và các bị cáo cho rằng các bị cáo không đồng phạm với bị cáo Danh. Đề nghị xem rõ.
2. Tại phiên tòa, bị cáo Trầm Bê (nguyên Phó Chủ tịch Thường trực HĐQT, Chủ tịch HĐTD Sacombank) và Phan Huy Khang (nguyên Tổng Giám đốc Sacombank) cho rằng việc các bị cáo cho vay cũng giống như lãnh đạo các ngân hàng BIDV và TPBank, nhưng chỉ có các bị cáo bị truy tố.
Hai bị cáo Trầm Bê và Phan Huy Khang thừa nhận có gặp bị cáo Danh để bàn bạc nhưng việc bàn bạc này là về vấn đề vay tiền của ngân hàng, hoàn toàn đúng quy định của pháp luật cũng như quy trình của ngân hàng về việc cho vay đối với những khoản vay lớn.
Việc sai sót là vấn đề nghiệp vụ của cấp dưới, các bị cáo chỉ phê duyệt chủ trương, hoàn toàn không biết mục đích thật sự của các công ty vay tiền là để chuyển cho ông Danh.
Hai bị cáo Trầm Bê và Phan Huy Khang cũng không biết mục đích thật sự của bị cáo Danh khi giới thiệu các công ty vay tiền nên không thể buộc tội đồng phạm với bị cáo Danh. Bị cáo Trầm Bê trình bày rằng không phục cáo trạng của viện kiểm sát.
Qua hai vấn đề này, đề nghị đánh giá và xem xét lại một các khách quan, toàn diện để đảm bảo việc truy tố là đúng người, đúng tội, không oan sai cũng như không bỏ lọt tội phạm.
3. Đối với nhóm các bị cáo là cán bộ BIDV chi nhánh Gia Định, cáo trạng quy buộc trong hành vi cho Công ty Phong Hiệp vay tiền đã vi phạm khoản 3 Điều 126 Luật các tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, qua quá trình thẩm vấn, tranh tụng tại phiên tòa, trong phần đối đáp với luật sư, đại diện Viện KSND TPHCM thừa ủy quyền Viện KSND Tối cao đã xác định lại các bị cáo vi phạm điểm d khoản 1 Điều 127 Luật các tổ chức tín dụng. Cần xác định lại vấn đề này để có căn cứ truy tố phù hợp, đúng người, đúng tội.
4. Trong quá trình xét xử, có ý kiến cho rằng hành vi của bị cáo Phạm Công Danh và đồng phạm có dấu hiệu của việc chiếm đoạt tài sản của ngân hàng. Quá trình thẩm vấn và tranh luận công khai tại tòa xác định dòng tiền với hành vi cố ý làm trái được vay từ 3 ngân hàng BIDV, TPBank và Sacombank sử dụng cho việc trả cho các khoản nợ vay trước đó đã đến hạn, tăng vốn điều lệ, trả lương nhân viên… Do vậy cần điều tra làm rõ việc bị cáo Danh có thực hiện việc chiếm đoạt tài sản hay không, thời điểm chiếm đoạt và số tiền chiếm đoạt là bao nhiêu?
Bên cạnh đó, đại diện viện kiểm sát cũng đề nghị hội đồng xét xử xem xét dòng tiền vay ra từ các ngân hàng và được bị cáo Danh sử dụng, nếu xem đó là vật chứng thì thu hồi.
Hội đồng xét xử nhận thấy nếu thu hồi như đề nghị của viện kiểm sát thì Hiệp hội Ngân hàng có ý kiến cho rằng sẽ gây ảnh hưởng rất lớn đến sự ổn định của thị trường tài chính cũng như trong lĩnh vực ngân hàng. Cho nên, hội đồng xét xử xét cần làm rõ chính xác số tiền 6.126 tỷ đồng là vật chứng của hành vi cố ý làm trái nào của bị cáo bị truy tố cụ thể trong vụ án; đồng thời, hành vi cố ý làm trái đó vi phạm quy định nào về quản lý kinh tế của Nhà nước, trên cơ sở đó cần xác định rõ vật chứng của vụ án và căn cứ thu hồi.
6. Tại phiên tòa, bị cáo Phạm Công Danh và những người bào chữa đề nghị hội đồng xét xử xem xét số tiền 4.500 tỷ đồng nâng vốn điều lệ được bị cáo Danh chuyển về cho VNCB, vì số tiền này có nguồn gốc từ khoản vay BIDV, TPBank. Số tiền 4.500 tỷ đồng được bị cáo Danh chuyển về cho VNCB để nâng vốn điều lệ nhưng Ngân hàng Nhà nước không đồng ý.
Hội đồng xét xử xét thấy số tiền này được sử dụng cho VNCB. Theo tài liệu do Ngân hàng Nhà nước cung cấp cũng như ghi nhận việc phải hạch toán, bút toán trở lại số tiền này theo đúng quy định.
Như vậy, bị cáo Danh và đồng phạm có hành vi cố ý làm trái gây thiệt hại cho VNCB số tiền 6.126 tỷ đồng, bằng số tiền này bị cáo Danh đã chuyển về cho VNCB 4.500 tỷ đồng để nâng vốn điều lệ và VNCB đã sử dụng số tiền này. Vậy cần xác định VNCB thiệt hại 6.126 tỷ đồng hay thiệt hại bao nhiêu, để làm căn cứ đánh giá thiệt hại tại thời điểm bị cáo Danh và đồng phạm bị bắt.