Từ 7 giờ 30 phút, xe của trại giam áp giải bị cáo Luyện cùng đồng phạm tới phiên xét xử. Trong số các bị cáo bị đưa ra xét xử có 13 bị cáo từng là giám đốc các công ty trực thuộc Công ty Alibaba.
Trong vụ án này, bị cáo Huỳnh Thị Kim Thắng (nhân viên kế toán của Công ty Alibaba) được tại ngoại để chữa bệnh; bị cáo Võ Thị Thanh Mai (vợ bị cáo Luyện) được tại ngoại do nuôi con nhỏ.
Trong phần thẩm tra lý lịch, nhiều người dự phiên tòa bất ngờ khi đa số bị cáo chỉ học hết lớp 12 và không có bằng cấp liên quan lĩnh vực bất động sản. Thế nhưng, nhiều bị cáo vẫn được bổ nhiệm giám đốc, lãnh đạo các công ty thuộc Công ty Alibaba.
Trong đó, bị cáo Nguyễn Văn Kiên (SN 1981, ngụ tỉnh Ninh Bình) chỉ học hết lớp 12 và làm nghề buôn bán tự do. Tháng 3-2017, bị cáo Kiên vào làm ở Công ty Alibaba và sau đó được bổ nhiệm làm Giám đốc Công ty CP Địa ốc Spartaland.
Các bị cáo khác như Nguyễn Thái Lực (em Luyện, trợ lý Chủ tịch HĐQT Công ty Alibaba), Trương Thị Hồng Ngọc (nguyên Giám đốc Công ty Tia Chớp), Bùi Minh Đức (nguyên Phó Tổng Giám đốc Đầu tư thuộc Công ty Alibaba; Tổng Giám đốc Công ty TLLAND)… cũng chỉ học đến lớp 12.
Bị cáo Nguyễn Huỳnh Tú Trinh (nhân viên pháp lý Công ty Alibaba) đã bị phạt 4 năm 6 tháng về tội “Gây rối trật tự công cộng” và “Cố ý làm hư hỏng tài sản”, cũng chỉ học đến lớp 12. Trong vụ án này, Trinh thành lập 20 pháp nhân trực thuộc Công ty Alibaba, tham gia tìm quỹ đất nông nghiệp, thực hiện các thủ tục để các cá nhân thuộc Công ty Alibaba nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp; soạn thảo nhiều văn bản… lập hồ sơ pháp lý cho các dự án dân cư “ma”. Bị cáo Trinh trực tiếp thực hiện các thủ tục ở dự án Alibaba Dimond City, giúp Luyện lập 93 hợp đồng, với tổng số tiền gây thiệt hại hơn 64 tỷ đồng.
Có mặt từ sớm, nhiều nạn nhân của Công ty Alibaba cho biết, do tin vào lời của các nhân viên của công ty này mà dốc tiền để dành dưỡng già, thậm chí bán nhà và vay ngân hàng để đầu tư vào các dự án “ma”.
Trong số các nạn nhân có cả nhân viên, người thân của các bị cáo tại tòa. Điển hình, bà H. là bà con của bị cáo Trương Thị Hồng Ngọc (cựu Giám đốc Công ty Tia Chớp, thuộc Công ty Alibaba). Ngọc học tới lớp 12 rồi đi làm nhiều nghề, trong đó có sale bất động sản. Bà H. thấy Ngọc làm bao nhiêu lương đều đầu tư vào các dự án của Công ty Alibaba. Trong khi việc buôn bán thua lỗ, bà H. bán nhà cha mẹ để trả nợ và đưa gần 1 tỷ cho Ngọc đầu tư vào các dự án của Công ty Alibaba. Bà H. nghĩ rằng mua đất thì không mất nhưng nào ngờ…
Tương tự, bà V. (ngụ quận Bình Thạnh) cho biết, bà cùng chồng có khoảng 2 tỷ đồng để dưỡng già. Nghe lời nhân viên Công ty Alibaba, bà đầu tư gần 10 nền đất ở các dự án “ma” và coi như mất trắng.
Ngồi một góc phía ngoài, ông C. (ngụ TP Thủ Đức) chăm chú theo dõi qua màn hình. Ông cho biết, gia đình ông đã bán nhà, mua 9 miếng đất của Công ty Alibaba để chia cho anh em. Tới nay, gia đình của anh em ông tan nát, bỏ nhau vì mất hết tiền mà cũng không còn đất.