Xét xử vụ án Công ty Alibaba: Nhiều bị cáo khai khi bị bắt mới biết vi phạm

Ngày 10-12, phiên xử sơ thẩm vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản và rửa tiền tại Công ty cổ phần Địa ốc Alibaba (gọi tắt là Công ty Alibaba) tiếp tục phần xét hỏi.

Trả lời câu hỏi của luật sư, bị cáo Nguyễn Thái Luyện, Chủ tịch HĐQT Công ty Alibaba khẳng định không lừa đảo. Các hợp đồng thỏa thuận chuyển nhượng là các giao dịch dân sự. Nhiều khách hàng còn trực tiếp đi xem đất và xác định đúng thực tế là đất nông nghiệp, chưa có cơ sở hạ tầng. Sau 5 - 10 ngày khách không muốn mua thì vẫn trả lại tiền. Về số lượng bị hại, cáo trạng nêu có hơn 4.500 người, nhưng Luyện khai số lượng lớn hơn nhiều, có thể họ tin tưởng, bảo vệ công ty nên không làm đơn (?!). Giải thích về việc tách thửa đất nông nghiệp, bị cáo Luyện cho rằng luật không nghiêm cấm, mà còn khuyến khích đầu tư để tăng giá trị đất. 

Trong khi đó, bị cáo Nguyễn Trung Trường (SN 1992, nguyên Giám đốc Công ty Long Thành Capital), Huỳnh Thị Ngọc Như (SN 1992, nguyên Phó Tổng Đào tạo Công ty Alibaba), Vũ Hoàng Hải (SN 1990, nguyên Giám đốc Công ty Big Bang thuộc Công ty Alibaba)… khai gom tiền mua đất dự án của Công ty Alibaba. Các bị cáo thực hiện theo chỉ đạo của Luyện, đều nhận lương cứng là 6 triệu đồng/tháng. Chỉ khi làm việc với cơ quan điều tra mới nhận thức được hành vi phạm tội.

Trong các bị cáo có Nguyễn Huỳnh Tú Trinh (SN 1995, nhân viên pháp lý Công ty Alibaba, trợ thủ đắc lực cho Luyện) từng hầu tòa ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vì chống đối, đập xe đoàn cưỡng chế “dự án ma”. Trả lời câu hỏi của luật sư, bị cáo Trinh khai không trực tiếp soạn thảo các hợp đồng. Thời điểm nhận chuyển nhượng 4 thửa đất tại xã Long Phước, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai là giữa các cá nhân với nhau, không sai quy định. Sau khi nhận chuyển nhượng, bị cáo đã ủy quyền lại cho Công ty Alibaba Law Firm (công ty thuộc Công ty Alibaba) toàn quyền sử dụng các thửa đất này và không biết các bước tiếp theo, không tìm kiếm khách hàng, không được hưởng lợi... Đến khi nhận kết luận điều tra, bị cáo mới biết có 93 bị hại với số tiền chiếm đoạt hơn 64 tỷ đồng.

Trong những người có quyền, nghĩa vụ liên quan vụ án được triệu tập có ông Nguyễn Trung Đình. Ngày 9-12, ông Đình đề nghị HĐXX xem xét trả ô tô hiệu Range Rover cho mình vì đây là xe ông vay ngân hàng mua nhưng bị cơ quan điều tra kê biên. Thế nhưng, xác nhận lại trước HĐXX, ông Đình cho biết chỉ là người đứng tên giùm cho tài sản của bị cáo Luyện.

Tin cùng chuyên mục