Là người thứ 2 bị xét hỏi, bị cáo Nguyễn Thanh Long (cựu Bộ trưởng Bộ Y tế) thừa nhận hành vi như chủ tọa phiên tòa phúc thẩm công bố tóm tắt vào sáng cùng ngày là đúng.
Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Nguyễn Thanh Long nêu nhiều tình tiết giảm nhẹ, đặc biệt là việc cấp sơ thẩm đã xem xét việc bị cáo có nhiều thành tích trong công tác. Cấp sơ thẩm đã xem xét và áp dụng giảm nhẹ, tuyên mức án thấp nhất dưới khung hình phạt là 18 năm tù về tội "Nhận hối lộ".
Tại phiên phúc thẩm, chủ tọa đã hỏi bị cáo Long về việc trước phiên phúc thẩm này bị cáo Long nhờ vợ nộp thêm 1 tỷ đồng để khắc phục hậu quả.
Bị cáo Long thừa nhận là đúng. Để tiếp lời bị cáo Long, luật sư bào chữa cho bị cáo này xin trình bày thêm lý do xin giảm nhẹ hình phạt.
Theo luật sư, thân chủ đã hoàn thành nghĩa vụ theo quyết định của cấp sơ thẩm như: nộp phạt 100 triệu đồng, nộp án phí. Bên cạnh đó, bị cáo Long còn có tình tiết 3 thân nhân là người có công với cách mạng.
Trước đó, trong phần xét hỏi, bị cáo Trịnh Thanh Hùng (cựu Phó Vụ trưởng Vụ KH-CN các ngành kinh tế kỹ thuật thuộc Bộ KH-CN) đã thừa nhận các hành vi phạm tội của bản thân, không đề nghị làm rõ thêm các tình tiết khác.
Bị cáo Hùng khai, sau khi giúp đỡ Phan Quốc Việt (cựu Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty Việt Á) trong việc sản xuất kit test Covid-19, đã nhận từ Việt 300.000 USD (tương đương hơn 8 tỷ đồng).
Nêu lý do kháng cáo, bị cáo Hùng đưa ra các tình tiết để tòa phúc thẩm xem xét giảm nhẹ gồm: nộp thêm 16 triệu đồng (tại phiên sơ thẩm, bị cáo nộp còn thiếu trong tổng số hơn 8 tỷ đồng nhận hối lộ) khắc phục hoàn toàn hậu quả; gia đình bị cáo còn nộp thêm 50 triệu đồng tiền khắc phục chung trong vụ án này. Do đó, bị cáo Trịnh Thanh Hùng mong muốn tòa xem xét giảm nhẹ hình phạt 14 năm tù cấp sơ thẩm đã tuyên trước đó về tội "Nhận hối lộ".
Trong khi đó, khai báo tại phiên tòa, Phan Quốc Việt cũng thừa nhận hành vi phạm tội của mình. Song, bị cáo Việt mong hội đồng xét xử xem xét bối cảnh mà bị cáo thực hiện hành vi phạm tội. Về tổng số tiền gây thiệt hại hơn 1.200 tỷ đồng, Phan Quốc Việt nói rằng chưa đúng, cần phải xác định các vấn đề liên quan như giá của kit test Covid-19. Theo bị cáo Phan Quốc Việt, đây là mặt hàng mà Nhà nước không áp giá trần và mong được tính lại thiệt hại của vụ án.
Trình bày thêm cho thân chủ, luật sư bào chữa cho Phan Quốc Việt đưa ra các lý do xin giảm nhẹ hình phạt cho thân chủ của mình như: tại cấp sơ thẩm, Việt chưa được áp dụng tình tiết giảm nhẹ khi trong quá trình điều tra thành khẩn khai báo để làm sáng tỏ vụ án; bị cáo Việt và gia đình nộp khắc phục thêm 200 triệu đồng.
Liên quan đến phần dân sự, bị cáo Phan Quốc Việt khai chuyển cho mẹ hàng tỷ đồng tiền từ nguồn thu kit test và nguồn thu khác của Công ty Việt Á. Bị cáo không nhớ chính xác thời gian chuyển tiền cho mẹ, chỉ nhớ khoảng năm 2021. Do đó, Việt cùng với mẹ ruột có mặt tại phiên tòa đề nghị xem xét các sổ tiết kiệm về số tiền hơn 100 tỷ đồng đứng tên mẹ mình.
Khó khăn cho báo chí tác nghiệp
Tại phiên tòa, chủ tọa Phạm Văn Tuyển cho biết, các nhà báo được dự tòa nhưng cảnh sát cấm mang máy tính, điện thoại cùng các thiết bị điện tử; các công cụ gắn liền với tác nghiệp của phóng viên như: máy tính, điện thoại, máy ảnh, ghi âm, ghi hình đều phải để ngoài phòng xử và không có nơi để phóng viên gửi đồ dùng cá nhân. Tất cả chỉ tác nghiệp bằng cách dùng giấy bút ghi chép rồi mang ra ngoài, viết lại tin trên máy tính và truyền tin về tòa soạn.
Chủ tọa Phạm Văn Tuyển cho hay nhà báo hoặc bất cứ ai nếu ghi âm, ghi hình phiên tòa sẽ bị xử lý nghiêm và yêu cầu lực lượng cảnh sát hỗ trợ tư pháp kiểm soát việc này; ai vi phạm "xử lý nghiêm".
Tuy nhiên, hội đồng xét xử vẫn cho Thông tấn xã Việt Nam, báo Công lý thuộc Tòa án nhân dân tối cao, Báo Bảo vệ pháp luật thuộc Viện Kiểm sát nhân dân tối cao được tác nghiệp tại phần khai mạc phiên tòa, được mang các thiết bị ghi hình, máy tính vào phòng xử để tác nghiệp.