Trước đó, ngày 30-7-2018, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã mở phiên tòa sơ thẩm và tuyên phạt bị cáo Phan Văn Anh Vũ 9 năm tù; Phan Hữu Tuấn (sinh năm 1955, trú tại quận Tây Hồ, TP Hà Nội, nguyên Phó Tổng cục trưởng thuộc Bộ Công an, đã nghỉ hưu) 7 năm tù; Nguyễn Hữu Bách (sinh năm 1963, trú tại quận Hoàng Mai, TP Hà Nội, nguyên cán bộ Bộ Công an) 6 năm tù về cùng tội “Cố ý làm lộ bí mật Nhà nước” theo quy định tại điểm b và điểm c khoản 3 Điều 337 của Bộ luật Hình sự năm 2015.
Sau phiên sơ thẩm, bị cáo Phan Văn Anh Vũ đã có đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt với lý do bị cáo vô ý chứ không phải cố ý phạm tội.
Tại phiên tòa phúc thẩm, sau khi tiến hành xét hỏi và tranh tụng tại tòa, đồng thời cân nhắc toàn diện các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ cho bị cáo, Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội đã quyết định chấp nhận một phần kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của bị cáo Phan Văn Anh Vũ, sửa bản án sơ thẩm, tuyên phạt bị cáo Phan Văn Anh Vũ 8 năm tù về tội “Cố ý làm lộ bí mật Nhà nước”.
* Út “trọc” được xét giảm nhẹ hình phạt
Cùng ngày, tại phiên tòa phúc thẩm xét xử bị cáo Đinh Ngọc Hệ (tức Út “trọc”, nguyên Thượng tá quân đội, nguyên Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thái Sơn, Bộ Quốc phòng) và các đồng phạm trong vụ án lợi dụng chức vụ, quyền hạn khi thi hành công vụ, sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức và thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, đại diện Viện Kiểm sát Quân sự Trung ương đã nêu quan điểm về kháng cáo của các bị cáo.
Theo đó, đại diện cơ quan công tố tại tòa đề nghị hội đồng xét xử (HĐXX) không chấp nhận kháng cáo, giữ nguyên mức hình phạt 5 năm tù đối với bị cáo Trần Văn Lâm (nguyên Tổng giám đốc điều hành Công ty cổ phần Phát triển đầu tư Thái Sơn, Bộ Quốc phòng); đề nghị sửa bản án sơ thẩm, chuyển hình phạt khác nhẹ hơn đối với bị cáo Phùng Danh Thắm (nguyên Tổng Giám đốc Tổng công ty Thái Sơn, Bộ Quốc phòng). Đối với bị cáo Út “trọc”, đại diện cơ quan tố tụng đề nghị sửa hình phạt theo hướng xem xét một số tình tiết giảm nhẹ như: có bằng khen của Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải...
Đáng chú ý, đối với ông Cung Đình Minh (Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Thái Sơn, Bộ Quốc phòng) dù không liên quan đến phần kháng cáo nhưng là người đại diện vốn cổ phần của Tổng công ty Thái Sơn tại Công ty cổ phần Phát triển đầu tư Thái Sơn, Bộ Quốc phòng, quản lý 30% vốn cùng Út “trọc” (tại biên bản họp đại hội cổ đông tháng 8-2014, ông Minh cùng Út “trọc” và một số người khác đồng ý thế chấp 4 ô tô), do vậy, đại diện cơ quan tố tụng đã đề nghị HĐXX xem xét, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý ông Cung Đình Minh cũng như cá nhân khác có liên quan đến hành vi phạm tội của bị cáo Đinh Ngọc Hệ để đảm bảo vụ án được nghiêm minh, khách quan, đúng pháp luật.
Sau khi kết thúc phần tranh luận, trước khi tòa tuyên án vào ngày 1-11, các bị cáo đã được tòa cho nói lời sau cùng. Bị cáo Đinh Ngọc Hệ đã gửi lời xin lỗi đến cán bộ - công nhân viên Công ty cổ phần Phát triển đầu tư Thái Sơn, bạn bè và gia đình, đồng thời bày tỏ mong muốn HĐXX công tâm xem xét giảm hình phạt cho bản thân để bị cáo sớm được đoàn tụ với gia đình, trở thành công dân có ích cho xã hội.
Còn bị cáo Trần Văn Lâm cho rằng, việc bản thân phạm tội là do chủ quan, đơn giản hóa sự việc. “Nếu biết được hậu quả, bị cáo không bao giờ đánh đổi vì không được hưởng lợi gì. Mong tòa xem xét giảm nhẹ hình phạt...” - bị cáo Lâm bày tỏ.
Đối với bị cáo Thắm trong lời nói sau cùng đã xin tòa cho bản thân cơ hội được quay về phục vụ Tổng công ty Thái Sơn.