Xét xử phúc thẩm vụ án Huỳnh Thị Huyền Như: Công tố viên giữ quan điểm

Ngày 29-12, phiên xử phúc thẩm vụ án Huỳnh Thị Huyền Như tiếp tục với phần đối đáp của đại diện Viện KSND tối cao thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử phúc thẩm tại phiên tòa đối với những quan điểm do các luật sư (LS) trình bày.

(SGGP).- Ngày 29-12, phiên xử phúc thẩm vụ án Huỳnh Thị Huyền Như tiếp tục với phần đối đáp của đại diện Viện KSND tối cao thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử phúc thẩm tại phiên tòa đối với những quan điểm do các luật sư (LS) trình bày.

Về hành vi chiếm đoạt tổng cộng 1.085,5 tỷ đồng của Công ty cổ phần Chứng khoán Phương Đông, Công ty cổ phần Thương mại và đầu tư Hưng Yên, Công ty cổ phần Đầu tư và thương mại An Lộc, Công ty cổ phần Bảo hiểm Toàn Cầu, Công ty cổ phần Chứng khoán Saigonbank - Berjaya, công tố viên khẳng định hành vi này đã cấu thành tội “Tham ô tài sản”. Theo công tố viên, bị cáo Huyền Như đã lợi dụng quyền hạn của quyền Trưởng phòng giao dịch Điện Biên Phủ thuộc Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam - viết tắt VietinBank - chi nhánh TPHCM, lợi dụng những sơ hở trong quản lý của VietinBank, làm giả các chứng từ, lệnh chi... để rút tiền trong tài khoản tiền gửi hợp pháp của những công ty này là nguyên nhân dẫn đến việc chiếm đoạt được tiền của khách hàng.

Lập luận với những quan điểm của LS bào chữa cho Huyền Như và các LS bảo vệ quyền lợi cho VietinBank rằng hành vi này của Huyền Như là “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” (đồng nghĩa với VietinBank không có trách nhiệm bồi thường), công tố viên phân tích: Khi khách hàng gửi tiền vào VietinBank thì đã phát sinh quan hệ gửi - giữ, VietinBank phải có trách nhiệm quản lý tiền trong tài khoản của khách hàng. Bị cáo Huyền Như đã lợi dụng chức vụ của mình để chiếm đoạt tài sản trong hệ thống VietinBank, không thể nói tiền của khách hàng đã bị Huyền Như lừa đảo chiếm đoạt. Từ những luận điểm trên, công tố viên khẳng định việc kiến nghị hội đồng xét xử hủy một phần bản án sơ thẩm, trả hồ sơ để điều tra, xác định lại tội danh của Huyền Như là không vi phạm tố tụng như LS bào chữa cho Huyền Như đã đặt vấn đề trước đó.

Riêng đối với số tiền hơn 718 tỷ đồng của Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) và 200 tỷ đồng của Ngân hàng TMCP Nam Việt (NaviBank, nay đổi tên thành Ngân hàng TMCP Quốc Dân), công tố viên vẫn giữ quan điểm Huyền Như lừa đảo chiếm đoạt của 2 ngân hàng này. Công tố viên một lần nữa khẳng định lãnh đạo ACB và lãnh đạo NaviBank dù biết việc gửi tiền vào VietinBank thông qua các nhân viên của mình để hưởng tiền lãi không đúng quy định của pháp luật là sai nhưng vẫn thực hiện. Các tài khoản tiền gửi của 2 ngân hàng này mở tại VietinBank là những tài khoản được sử dụng vào mục đích bất hợp pháp. Các nhân viên mở tài khoản không có mục đích sử dụng tài khoản. Do vậy, dù đồng ý rằng những khoản tiền này đã được chuyển vào VietinBank và được VietinBank theo dõi hạch toán đầy đủ trên hệ thống sổ sách kế toán, nhưng công tố viên cho rằng 2 ngân hàng ACB và NaviBank vì lợi ích cục bộ đã tự làm sai pháp luật, tạo điều kiện cho Huyền Như lừa đảo chiếm đoạt tiền.

Về kháng cáo kêu oan hoặc xin giảm nhẹ hình phạt của nhóm bị cáo nguyên là cán bộ, nhân viên VietinBank về các tội danh “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”, “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, công tố viên vẫn cho rằng hầu hết không có cơ sở để chấp nhận.

ÁI CHÂN

>>Xét xử phúc thẩm vụ án Huỳnh Thị Huyền Như: Luật sư của VietinBank không đồng ý bồi thường 

Tin cùng chuyên mục