Tiếp tục phần xét hỏi, bị cáo Nguyễn Minh Đức (người cùng góp vốn với Viễn mua 2 tàu Khánh Hòa 01 và Khánh Hòa 03) cho rằng, bản thân không biết nguồn gốc, giá trị hàng hóa nên không phạm tội buôn lậu.
Bị cáo Đức cũng phủ nhận số tiền thu lời bất chính từ kinh doanh xăng dầu là rất thấp, chỉ khoảng 1.200 đồng/lít chứ không phải 2.500 đồng/lít như cáo trạng truy tố, bởi chi phí nhân công, cầu cảng phải bỏ ra khá nhiều. Tuy nhiên, khi được đưa lên đối chất, bị cáo Hữu cho rằng, Đức khai gian dối nhằm né tránh trách nhiệm.
Theo bị cáo Hữu, việc buôn lậu xăng dầu rất lời, bởi giá nhập vào và bán ra chênh lệch rất cao nên mới có việc chiết khấu tới 3.000 đồng/lít xăng cho các chủ doanh nghiệp bán xăng.
Trong buổi xét xử, bị cáo Trần Thị Thanh Vân, Giám đốc Công ty Vân Trúc (đóng tại Bình Dương; đơn vị tiêu thụ 35 triệu lít xăng lậu cho đường dây của Hữu và thu lời số tiền bất chính gần 18 tỷ đồng) thừa nhận tội danh cáo trạng truy tố. Tuy nhiên, trong quá trình điều tra, bị cáo Vân đã nộp lại số tiền 20 tỷ đồng để khắc phụ hậu quả nên bị cáo xin lại 2 tỷ đồng đã nộp dư.
Theo cáo trạng, cuối năm 2020, Viễn cùng Đức và Phạm Hùng Cường (đang bỏ trốn) góp 19,3 tỷ đồng mua 2 tàu biển Khánh Hòa 01 và Khánh Hòa 03 để chở xăng lậu. Cường có nhiệm vụ liên hệ với đầu mối tại Singapore, còn Đức lo tiêu thụ xăng.
Từ tháng 2 đến tháng 4-2021, nhóm Viễn, Đức và Cường đã buôn lậu 3 chuyến, tương đương 5,7 triệu lít, trị giá gần 98 tỷ đồng. Riêng đối với Công ty Vân Trúc, cáo trạng xác định, cuối năm 2019, Hữu đến công ty đặt vấn đề bán xăng nhập lậu cho vợ chồng Vân với giá thấp hơn giá bán lẻ trên thị trường là 3.000 đồng/lít và được Vân đồng ý tham gia.