Xét xử “đại án” OceanBank: Chi gần 69 tỷ đồng chăm sóc khách hàng để trục lợi
SGGPO
Từ tháng 5-2009 đến tháng 1-2012, Công ty BSC đã ký 721 hợp đồng dịch vụ khống, 80 hợp đồng mua bán tài sản có kỳ hạn để “thu phí” của khách hàng được tổng số tiền gần 69 tỷ đồng.
Sáng 30-8, Phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo Hà Văn Thắm (nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Đại Dương - OceanBank) cùng đồng phạm trong vụ án “Tham ô tài sản”, “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”, “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của tổ chức tín dụng” và “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” tiếp tục phần xét hỏi các bị cáo.
Hội đồng xét xử (HĐXX) đã tiến hành xét hỏi các bị cáo để làm rõ những vi phạm của các bị trong việc lạm dụng chức vụ quyền hạn, chiếm đoạt tài sản.
Bị cáo Hoàng Thị Hồng Tứ vốn là diễn viên sân khấu điện ảnh, sau đó được Hà Văn Thắm tuyển dụng vào OceanBank làm giúp việc hành chính cho ngân hàng.
Tứ được Thắm cho đứng tên làm Chủ tịch HĐQT Công ty BSC, công ty sân sau của Thắm nhưng thực chất, Tứ không có vốn góp, không điều hành và không hưởng lương từ Công ty BSC.
Trước vành móng ngựa, bị cáo Tứ nức nở khai nhận mặc dù là Chủ tịch HĐQT Công ty BSC nhưng không biết công ty ở đâu, có bao nhiêu nhân sự, hoạt động thế nào.
“Anh Thắm nhờ bị cáo đứng hộ tên trong khi chờ người về điều hành, vì không có sự vi phạm pháp luật gì nên bị cáo đồng ý. Bị áo không làm gì, không nhận lương, không góp vốn, không làm bất cứ việc gì liên quan đến Công ty BSC …”, bị cáo Tứ trình bày.
Bị cáo Tứ cũng thừa nhận việc đưa tiền cho Sơn nhưng không biết là tiền gì và không được hưởng lợi gì từ việc này.
Bị cáo Hoàng Thị Hồng Tứ nức nở tại phiên tòa
Theo cáo trạng, bị cáo Hoàng Thị Hồng Tứ được xác định có liên quan đến hành vi chiếm đoạt hơn 69 tỷ đồng thông qua Công ty BSC của bị cáo Nguyễn Xuân Sơn (nguyên Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN), nguyên Tổng Giám đốc OceanBank) và đồng phạm.
Theo cáo trạng, từ tháng 5-2009 đến tháng 1-2012, Công ty BSC đã ký 721 hợp đồng dịch vụ khống, 80 hợp đồng mua bán tài sản có kỳ hạn để “thu phí” của khách hàng được tổng số tiền gần 69 tỷ đồng, trong đó Tứ đã ký 98 hợp đồng trong các lĩnh vực như: thẩm định giá bất động sản, cầm đồ, tư vấn, môi giới… và thu số tiền hơn 14,1 tỷ đồng để chi “chăm sóc khách hàng”.
Ngoài ra, Tứ đã ba lần nhận tổng số tiền hơn 6,4 tỷ đồng của Công ty BSC để chuyển cho Nguyễn Xuân Sơn tại phòng làm việc của Sơn tại trụ sở chính của Tập đoàn Dầu khí PVN.
Trong khi đó, bị cáo Hà Văn Thắm khai nhận mình là người ra chủ trương lập Công ty BSC và việc chủ trương thu phí từ khách hàng nhưng Thắm không thông báo cho Sơn biết.
Bị cáo Thắm cũng đề nghị HĐXX xem xét miễn truy tố hành vi chiếm đoạt tài sản như đồng phạm với bị cáo Sơn.
Bị cáo Thắm cho rằng Sơn đã khai không đúng sự thật. Việc Thắm đưa tiền cho Sơn là để chi tiền chăm sóc khách hàng và sự việc này được thực hiện nhiều lần để đảm bảo lợi nhuận cho OceanBank, còn việc Sơn chiếm đoạt số tiền này Thắm không biết.
“Toàn bộ số tiền nhận được từ Công ty BSC đưa cho Sơn chăm sóc khách hàng. Còn Sơn chăm sóc ai, bị cáo không biết vì vai trò của Sơn là Tổng Giám đốc OceanBank và cũng là thành viên của hội đồng quản trị....”, bị cáo Thắm khai nhận.
Bị cáo Hà Văn Thắm
Tiếp tục làm rõ hành vi chiếm đoạt số tiền 69 tỷ đồng của Nguyễn Xuân Sơn và đồng phạm, HĐXX gọi hỏi anh Võ Việt Dũng (từng làm trợ lý cho Sơn tại OceanBank trong giai đoạn 2009-2010).
Anh Dũng cho biết trong thời gian làm việc có một vài lần Sơn đề nghị anh Dũng nhận hộ tiền từ Thắm. Lần đầu là hơn 102.000 USD có ký xác nhận, sau đó về đưa cho anh Sơn tại phòng làm việc của Sơn ở trụ sở Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.
“Lần 2, anh Sơn bảo có khoản tiền 3,3 tỷ chuyển vào tài khoản của tôi và bảo tôi rút ra rồi chuyển cho Sơn và chuyển vào một số tài khoản khác... Lần 3, cũng có một khoản tiền hơn 3,32 tỷ đồng chuyển vào tài khoản của tôi và sau đó Sơn bảo tôi rút ra đưa Sơn...”, anh Dũng khai trước tòa.
Ngoài ra, theo anh Dũng còn một lần khác, Sơn nói có một người ở Vietsopetro trả tiền cho Sơn 700 triệu đồng và yêu cầu Dũng rút ra và đưa cho Sơn.
Còn anh Võ Việt Trung trong giai đoạn từ năm 2008-2014 giữ chức Phó Tổng Giám đốc phụ trách phía Nam, chi nhánh Sài Gòn của OceanBank cho biết có nhận được 7 lần tổng số tiền hơn 10,9 tỷ từ Công ty BSC chuyển vào tài khoản chi nhánh.
Khi số tiền này được chuyển thì kế toán của hội sở OceanBank nói là rút ra đưa cho Sơn khi Sơn còn đang làm việc tại TPHCM.
Anh Trung cũng cho biết mỗi khi có tiền từ BSC chuyển vào tài khoản chi nhánh, anh Trung đều gọi điện hỏi Hà Văn Thắm và được yêu cầu rút ra đưa cho Sơn. Anh Trung cũng cho biết, khi chuyển tiền cho Sơn đều không biết nội dung khoản tiền đó là tiền gì nhưng đều có xác nhận của anh Thắm qua điện thoại.
Tòa tiếp tục gọi hỏi bị cáo Trần Thị Thu Hương (nguyên Giám đốc chi nhánh Hải Dương của OceanBank) khai nhận là chi nhánh có thỏa thuận với khách hàng mua ngoại tệ, vay vốn ký hợp đồng với Công ty BSC. Trước đó phía BSC có gửi email về mẫu hợp đồng cho chi nhánh thực hiện nhưng không hề biết tinh thần, bản chất, mục đích của hợp đồng phải thực hiện là gì. Bị cáo Hương cũng thừa nhận có khoản tiền 40 triệu đồng từ anh Võ Việt Dũng chuyển vào tài khoản cá nhân nhưng cho biết đây không phải là tiền chăm sóc khách hàng mà là tiền trả nợ vay cá nhân của anh Dũng đối với Hương trong một lần đi công tác.
Còn bị cáo Nguyễn Thị Kiều Liên (nguyên Giám đốc chi nhánh Vũng Tàu) cho biết chi nhánh có nhận được chủ trương về việc thu phí của Công ty BSC từ hội sở của OceanBank và chi nhánh có nhận một khoản tiền 500 triệu đồng chuyển khoản từ anh Dũng để chăm sóc khách hàng trong dịp Tết theo chỉ đạo của Sơn.
Đối chất lại lời khai của một số bị cáo và những người có liên quan, trước vành móng ngựa, bị cáo Nguyễn Xuân Sơn cho rằng khoản tiền gần 69 tỷ đồng nhận được từ Công ty BSC là tiền để chi chăm sóc khách hàng và là tiền túi của Hà Văn Thắm, không phải là tiền của ngân hàng. Bị cáo Sơn phủ nhận việc tư lợi từ số tiền chăm sóc khách hàng rất lớn trên và cho biết khi nhận được tiền đều đã chi hết cho khách hàng.