(SGGP).- Ngày 1-3, phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án tại Oceanbank tiếp tục diễn ra với phần xét hỏi để làm rõ tội danh của các bị cáo.
Trả thẩm vấn trước tòa, bị cáo Nguyễn Xuân Sơn đã phản bác lại 2 tội danh mà cáo trạng đã truy tố, đồng thời cũng phủ nhận việc thỏa thuận và bàn bạc về việc chi lãi ngoài. “Việc chi lãi ngoài với tư cách cá nhân là được, còn với tư cách ngân hàng thì phải do HĐQT của ngân hàng quyết định...” - bị cáo Sơn đổ lỗi cho Thắm.
Bị cáo Hà Văn Thắm tại tòa
Trước đó, HĐXX đã tập trung xét hỏi bị cáo Hà Văn Thắm và một số người có liên quan đến khoản tiền 500 tỷ đồng mà Oceanbank cho Công ty Trung Dung vay và không có khả năng thu hồi. Theo cáo trạng, đầu năm 2012, do muốn thâu tóm một số ngân hàng yếu kém về Oceanbank nên Hà Văn Thắm đã gặp bà Hứa Thị Phấn (đại diện nhóm cổ đông của Ngân hàng Đại Tín) đặt vấn đề chuyển giao lại Ngân hàng Đại Tín cho mình và Oceanbank có trách nhiệm trả các khoản nợ cho Đại Tín. Sau khi tiếp quản được Đại Tín, Thắm nhận thấy Đại Tín có một số khoản vay lớn, dư nợ xấu không có khả năng thu hồi nên có ý định nhượng lại cho Phạm Công Danh (nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Xây dựng). Để có tiền cho ông Danh chuyển nhượng ngân hàng, Hà Văn Thắm bàn bạc sẽ thông qua pháp nhân là Công ty TNHH một thành viên thương mại và dịch vụ Trung Dung cho ông Danh vay 500 tỷ đồng, trong khi tài sản bảo đảm tại thời điểm giải ngân của công ty này chỉ có giá trị hơn 70 tỷ đồng. Điều kiện để giải ngân là phải phong tỏa tài khoản của Công ty Trung Dung tại ngân hàng Đại Tín. Tuy nhiên sau khoảng một năm cho vay, Thắm cho người kiểm tra tài khoản thì vẫn tồn tại số tiền này trên hệ thống Ngân hàng Đại Tín nhưng thực tế thì không còn vì ông Danh đã rút ra để tất toán cho 5 hợp đồng vay của nhóm bà Phấn tại Ngân hàng Đại Tín, đồng thời được ghi nhận vào việc Danh trả tiền mua cổ phần Đại Tín của nhóm bà Phấn.
Trước tòa, Hà Văn Thắm cho biết, khoản tiền 500 tỷ đồng bị mất là do lỗi của Đại Tín để Công ty Trung Dung sử dụng không đúng mục đích. “Ông Danh và Công ty Trung Dung đã lừa bị cáo cùng Oceanbank để chiếm đoạt số tiền này” - bị cáo Hà Văn Thắm nói.
Trong khi đó, có mặt tại tòa với tư cách là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, bị án Phạm Công Danh cho biết trước khi tiếp quản Ngân hàng Đại Tín đã đưa cho Thắm 500 tỷ đồng để Thắm nhượng quyền mua lại Ngân hàng Đại Tín. Số tiền này được đưa cho Thắm trước khi Công ty Trung Dung vay tiền Oceanbank. Bị án Phạm Công Danh cũng cho biết, sau khi được Oceanbank giải ngân 500 tỷ đồng, số tiền đó được chuyển vào tài khoản của Công ty Trung Dung ở Đại Tín. Và ông Danh cho rằng mình không biết gì về dòng tiền này, cũng như không kí bất cứ chứng từ hay ủy nhiệm chi nào để rút số tiền đó ra khỏi tài khoản để tất toán một số khoản vay ở Ngân hàng Đại Tín.
Tuy nhiên trước lời khai này của ông Danh, đại diện của Ngân hàng Xây dựng (tiền thân là Ngân hàng Đại Tín) cho biết, không có bất cứ khoản tiền nào chuyển vào Đại Tín. Sau này, công ty Trung Dung có chuyển 500 tỷ đồng cho 4 cá nhân và mở 4 sổ tiết kiệm. Sau đó 4 quyển sổ tiết kiệm này được tất toán trước thời hạn, dùng để thanh toán cho 4 cá nhân. Khoản 500 tỷ đồng này được chuyển từ tài khoản của ông Danh.
Trước tòa, đại diện của Ngân hàng Xây dựng cũng đưa ra bằng chứng là các giấy giấy tờ, chứng từ có chữ ký của ông Danh về việc rút số tiền trên ra khỏi tài khoản. Trong khi đó trả lời hội đồng xét xử, ông Trần Văn Bình (Tổng giám đốc Công ty Trung Dung) cho biết, thực chất công việc là lái xe cho Phạm Công Danh nên không biết gì về khoản góp vốn điều lệ tại Công ty Trung Dung cũng như hoạt động của công ty này nơi ông đứng tên tổng giám đốc. Về hồ sơ vay 500 tỷ đồng được ông Bình ký, ông Bình khai không biết mục đích vay vốn, không đọc hồ sơ vay vốn. Sau khi ký xong thì hồ sơ đưa cho kế toán của Công ty TNHH một thành viên Tập đoàn Thiên Thanh (Phạm Công Danh làm Chủ tịch HĐQT) nên số tiền 500 tỷ đồng Công ty Trung Dung vay có được Oceanbank chuyển về tài khoản của công ty hay không cũng không hề biết.
NGUYỄN QUỐC