Chiều 12-11, tại phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án “Sử dụng mạng internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản; Tổ chức đánh bạc; Đánh bạc; Mua bán trái phép hóa đơn; Rửa tiền; Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, đại diện Viện KSND tỉnh Phú Thọ đã công bố bản cáo trạng dài 235 trang truy tố 92 bị cáo trong vụ án đặc biệt nghiêm trọng này.
Theo cáo trạng, trong số 92 bị cáo bị truy tố, 2 bị cáo cầm đầu vụ án là Nguyễn Văn Dương (nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH đầu tư phát triển an ninh công nghệ cao - CNC) và Phan Sào Nam (nguyên Chủ tịch HĐQT VTC Online) cùng bị truy tố về 2 tội danh: “Tổ chức đánh bạc” và “Rửa tiền”.
Trong khi đó, 2 bị cáo từng mang hàm cấp tướng trong ngành công an là Phan Văn Vĩnh (nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an) và Nguyễn Thanh Hóa (nguyên Cục trưởng Cục cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - C50, Bộ Công an) cùng bị truy tố về tội danh “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
Các bị cáo khác trong vụ án bị truy tố về các tội danh: Sử dụng mạng internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản; Tổ chức đánh bạc; Đánh bạc; Mua bán trái phép hóa đơn và Rửa tiền.
Theo cáo trạng, để tổ chức thực hiện được các hoạt động đánh bạc trực tuyến trong một thời gian dài, 2 bị cáo Nguyễn Văn Dương và Phan Sào Nam đã nhận được giúp đỡ, "bảo kê" của ông Phan Văn Vĩnh và Nguyễn Thanh Hóa.
Cụ thể, ông Vĩnh đã chỉ đạo Nguyễn Thanh Hoá và một số cán bộ cấp dưới lập đề án xây dựng Công ty CNC thuộc C50. Sau đó, ông Vĩnh giới thiệu Dương gặp ông Hoá.
Đầu năm 2015, Dương hợp tác với Phan Sào Nam để phát hành game đánh bạc Rikvip. Tới năm 2016, ông Vĩnh chỉ đạo cấp dưới báo cáo Bộ Công an và Bộ TT-TT để hợp pháp hoá 2 cổng game trực tuyến Rikvip và 23zdo.
C50 lúc này do ông Hóa phụ trách đã soạn thảo công văn để ông Vĩnh ký báo cáo Bộ trưởng Bộ Công an về 2 cổng game không phép liên quan đến Công ty CNC.
Sau khi xem bản thảo công văn, ông Vĩnh chỉ đạo chỉnh sửa để cấp phó ký, trong đó khẳng định, 2 game bài Rikvip và 23zdo đã được cơ quan chức năng cấp phép.
Tiếp đó, tới tháng 8-2016, ông Hóa đề xuất Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an về việc điều tra các cá nhân, tổ chức vận hành game bài đánh bạc trá hình. Tuy nhiên thực tế, Tổng cục Cảnh sát và C50 không xây dựng kế hoạch, không báo cáo lãnh đạo Bộ Công an, không điều tra xác minh về game cờ bạc Rikvip và 23zdo.
Nghiêm trọng hơn, khi lãnh đạo Bộ Công an yêu cầu C50 báo cáo hành vi đánh bạc của hai game bài Rikvip và 23zdo, ông Hoá chỉ đạo cấp dưới báo cáo không trung thực để che giấu hành vi phạm tội của Công ty CNC…
Trước những sai phạm trên, cáo trạng nêu rõ hành vi của ông Vĩnh và ông Hoá đã gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng và ảnh hưởng đến uy tín của lực lượng công an.
Trong khi đó, với sự hỗ trợ, bao che của ông Vĩnh và Hóa, các bị cáo Nguyễn Văn Dương, Phan Sào Nam cùng đồng phạm sau 28 tháng vận hành chương trình phần mềm và giải phải công nghệ có tích hợp game bài RikVip đã liên kết với nhiều công ty cung cấp dịch vụ, xây dựng một hệ thống gồm 25 đại lý cấp 1; 5,877 đại lý cấp 2 để cung cấp dịch vụ chuyển đổi điểm ảo trong game ra tiền thật và ngược lại.
Hệ thống này đã lôi kéo gần 43 triệu tài khoản tham gia đánh bạc trực tuyến, thu lời bất chính hơn 9.853 tỷ đồng. Số tiền lời này sau khi trả thưởng cho các đối tượng cờ bạc trên mạng, Nguyễn Văn Dương hưởng lợi bất chính 1.655 tỷ đồng. Phan Sào Nam hưởng lợi bất chính 1.475 tỷ đồng, nhóm Hoàng Thành Trung, Phan Anh Tuấn và Lê Văn Kiên (đang trốn truy nã) hưởng lợi 1.500 tỷ đồng. Cùng với đó, 3 nhà mạng gồm Viettel, Vinaphone và MobiFone hưởng hơn 1.200 tỷ đồng.
Sau khi bị bắt, Nguyễn Văn Dương khai đã đưa cho ông Vĩnh 27 tỷ đồng, hơn 1,7 triệu USD cùng nhiều đồ vật giá trị; đưa cho ông Hóa 22 tỷ đồng.
Tuy nhiên, cả ông Vĩnh và Hóa đều phủ nhận việc nhận số tiền khủng trên mà chỉ thừa đã chỉ đạo, tạo thuận lợi cho Nguyễn Văn Dương, Phan Sào Nam và đồng phạm tổ chức đánh bạc trên mạng.
Do chưa có căn cứ chứng minh ông Vĩnh và ông Hóa hưởng lợi cá nhân nên hành vi nhận hối lộ sẽ được cơ quan chức năng làm rõ trong giai đoạn 2 của vụ án.