Xét xử đại án đánh bạc hàng ngàn tỷ đồng: Thực hư chuyện mua đồng hồ tiền tỷ từ bán cây cảnh
SGGP
"Gia đình bị cáo không kinh doanh gì thêm, chỉ chơi cây cảnh, có nhiều cây có giá trị cao, cao nhất khoảng 10 tỷ đồng. Số tiền 1,1 tỷ đồng nhờ Dương mua đồng hồ là do khi đó tôi vừa mới bán được cây cảnh...” - ông Vĩnh khai.
Ngày 19-11, tại phiên tòa xét xử vụ án đánh bạc trực tuyến hàng ngàn tỷ đồng, 2 “ông trùm” là bị cáo Nguyễn Văn Dương (cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) Công ty Đầu tư phát triển an ninh công nghệ cao - CNC) và Phan Văn Vĩnh (cựu Tổng cục trưởng Tổng Cục Cảnh sát, Bộ Công an) đã lần lượt lên trước bục khai báo để trả lời thẩm vấn của hội đồng xét xử (HĐXX) Tòa án nhân dân tỉnh Phú Thọ.
Mua đồng hồ 1,1 tỷ đồng từ bán cây cảnh?
Sau tròn 1 tuần theo dõi các đồng phạm trong vụ án đánh bạc trực tuyến hàng ngàn tỷ đồng bị thẩm vấn, chiều 19-11, bị cáo Phan Văn Vĩnh đã bị gọi lên thẩm vấn. Theo cáo trạng của vụ án, dù không phải là người cầm đầu đường đây tổ chức đánh bạc trực tuyến Rikvip/Tip.Club của Phan Sào Nam (cựu Chủ tịch HĐQT VTC Online), Nguyễn Văn Dương (cựu Chủ tịch CNC) nhưng ông Phan Văn Vĩnh và Nguyễn Thanh Hóa (cựu Cục trưởng Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - C50) được xem là những “ông trùm” giúp sức và bảo kê cho đường đây đánh bạc này nên cùng bị truy tố và xét xử về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
Trước bục khai báo, dù tuổi cao và sức khỏe không tốt nhưng ông Phan Văn Vĩnh vẫn thể hiện phong thái của một cán bộ công an kỳ cựu, lúc thẳng thắn, lúc trầm ngâm, hối hận khi trả lời các câu hỏi của HĐXX.
Theo ông Vĩnh, trong những ngày qua, khi được nghe các bị cáo khác kể về quá trình đánh bạc trên mạng từ hệ thống Rikvip/Tip.Club của Nguyễn Văn Dương, Phan Sào Nam tạo ra khiến “bản thân rất day dứt”. “92 bị cáo là 92 gia đình, họ đã lâm vào vòng lao lý, pháp lý. Không những vậy, hàng triệu triệu công dân, gia đình khác cũng liên lụy vì vụ án này. Chắc chắn giờ này, họ đã và đang có rất nhiều đau khổ. Đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng với hệ lụy rất nhiều, gây cho xã hội sự bất an, bị cáo hết sức thấm thía, hết sức ân hận...” - ông Vĩnh bày tỏ và thừa nhận bản thân chưa làm tốt công tác phòng chống, đấu tranh với tội phạm khi từng ở vị trí là Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát.
Về mối quan hệ với Nguyễn Văn Dương, ông Vĩnh cho biết, 2 người quen nhau từ năm 2011, trong một bữa nhậu khi ông rời chức Giám đốc Công an tỉnh Nam Định để nhận nhiệm vụ mới tại Tổng cục Cảnh sát. Về việc Công ty CNC tổ chức đánh bạc qua game Rikvip nhưng ông Vĩnh vẫn ký văn bản đề nghị Bộ Thông tin - Truyền thông cấp phép cho game bài Rikvip, ông Vĩnh lý giải, trước khi ký văn bản gửi Bộ Thông tin - Truyền thông thì bị cáo Nguyễn Thanh Hóa (cựu Cục trưởng C50) không nói rõ là tổ chức đánh bạc mà đề nghị “xin tạo điều kiện” cho game Rikvip hoạt động. “Không phải bị cáo biết CNC đã hoạt động vi phạm pháp luật mà do bị cáo không nhận được thông tin… Làm gì có tổ chức đánh bạc nào mà đúng pháp luật được...” - ông Vĩnh giải thích.
Đáng chú ý, đối với chiếc đồng hồ Rolex mà Nguyễn Văn Dương đã khai mua với giá 7.000 USD để tặng ông Vĩnh, cựu Tổng cục trưởng Tổng Cục Cảnh sát thừa nhận có nhận chiếc đồng hồ này nhưng ngay khi nhận đồng hồ đã trả số tiền 1,1 tỷ đồng.
“Bị cáo trả tiền ngay thời gian đó, khi đấy chỉ có 2 anh em, mua bán là chuyện bình thường của cuộc sống” - ông Vĩnh nói.
Lý giải về việc dễ dàng bỏ ra số tiền 1,1 tỷ đồng để trả tiền đồng hồ cho Dương, ông Vĩnh bộc bạch: “Tổng thu nhập của 2 vợ chồng tôi mỗi tháng khoảng 27 triệu đồng nhưng bị cáo không dùng tới lương của mình mà dùng tiền thu được từ cây cảnh để chi tiêu nhu cầu cá nhân. Gia đình bị cáo không kinh doanh gì thêm, chỉ chơi cây cảnh, có nhiều cây có giá trị cao, cao nhất khoảng 10 tỷ đồng. Số tiền 1,1 tỷ đồng nhờ Dương mua đồng hồ là do khi đó tôi vừa mới bán được cây cảnh...” - ông Vĩnh khai.
Tại sao CNC thuê trụ sở tại số 10 Hồ Giám?
Phần lớn thời gian buổi sáng cùng ngày, HĐXX thẩm vấn bị cáo Nguyễn Văn Dương về hành vi tổ chức đánh bạc và rửa tiền. Trước tòa, “ông trùm” của CNC tỏ ra thành khẩn và nhỏ nhẹ khi khai nhận hành vi phạm tội, đồng thời khẳng định nội dung của cáo trạng truy tố bản thân về tội tổ chức đánh bạc và rửa tiền là đúng. Bị cáo Dương bày tỏ thái độ tôn trọng những lời khai của đối tác là “ông trùm” Phan Sào Nam.
Khi trả lời về việc nguyên do hợp tác với C50, bị cáo Dương khẳng định, người giới thiệu mình với Bộ Công an là ông Phạm Quý Ngọ (cố Thứ trưởng Bộ Công an) và việc thành lập Công ty CNC là có sự trao đổi và thống nhất với ông Nguyễn Thanh Hóa về đề án thành lập CNC trở thành doanh nghiệp hoạt động kinh tế nghiệp vụ phục vụ C50 về nghiệp vụ. Về việc CNC đặt trụ sở tại số 10 Hồ Giám, Hà Nội (là trụ sở của Tổng cục Cảnh sát), Dương khai trụ sở của CNC thời gian đầu phải thuê bên ngoài nhưng sau đó đến năm 2012 thì đặt tại số 10 Hồ Giám. “Trước đó, bị cáo đề xuất với lãnh đạo C50 là ông Võ Tuấn Dũng (Cục phó C50 - người đã đột tử trong phòng làm việc ngày 4-5-2018) để được thuê văn phòng tại số 10 Hồ Giám. Việc này cũng không khó khăn gì vì lúc đó không có người sử dụng, để tránh hỏng hóc thì có nhu cầu cho sử dụng...” - bị cáo Dương khai.
Công ty CNC không chỉ được ưu ái thuê trụ sở của Tổng cục Cảnh sát mà khai nhận trước tòa, bị cáo Dương còn cho biết, C50 từng có kế hoạch tuyển dụng bản thân Dương vào ngành công an để phát triển việc đấu tranh, phòng chống tội phạm trên mạng.