Ngày 18-7, TAND TPHCM đã mở phiên tòa xét xử vụ án xảy ra tại Cục Đăng kiểm Việt Nam (ĐKVN), 11 trung tâm đăng kiểm trên địa bàn TPHCM và 3 trung tâm đăng kiểm tại tỉnh Long An, Bến Tre, Sóc Trăng.
Tại phần làm thủ tục, HĐXX cho biết sẽ xét hỏi, thẩm tra đối với từng nhóm tội danh, nhóm hành vi. Khi đến lịch thẩm tra, xét hỏi đối với nhóm các bị cáo nào thì sẽ được trích xuất, dẫn giải đến tòa để thẩm vấn trực tiếp; các bị cáo thuộc nhóm còn lại sẽ được theo dõi phiên xử qua đường truyền tại Trại giam T30 - Công an TPHCM.
Bên cạnh đó, tòa án cũng lưu ý, đối với các bị cáo tại ngoại phải có mặt tại tòa trong thời gian diễn ra phiên xét xử. Trường hợp các bị cáo này vắng mặt không lý do, các bị cáo có thể bị tòa án thay đổi biện pháp ngăn chặn để đảm bảo cho việc xét xử.
Theo báo cáo tại tòa, có 3 bị cáo có đơn xin xét xử vắng mặt và một số luật sư xin tạm vắng mặt. Đại diện Viện KSND TPHCM cho rằng, 3 bị cáo đang điều trị bệnh có xác nhận của bệnh viện nên việc vắng mặt này là có lý do chính đáng. Tại cơ quan điều tra, các bị cáo đã có lời khai rõ ràng và có luật sư bảo vệ nên việc vắng mặt không ảnh hưởng đến quá trình xét xử. Vì vậy, Viện Kiểm sát đề nghị HĐXX chấp nhận đơn xin xét xử vắng mặt của 3 bị cáo này.
Trong 3 bị cáo xin xét xử vắng mặt, đáng chú ý có bị cáo Trần Văn Thương, Giám đốc Công ty Lâm Hà Trúc. Trước khi góp vốn tại Trung tâm Đăng kiểm 50-15D, ông Thương là Phó trưởng Phòng CSGT đường bộ đường sắt, nay là Phòng CSGT (PC08), Công an TPHCM. Ông Thương vắng mặt vì lý do sức khỏe.
Theo cáo trạng, bị cáo Thương đã cùng Nguyễn Trọng Vĩnh (cổ đông Công ty Lâm Hà Trúc) đưa hối lộ cho Trần Kỳ Hình 2.000 USD để được kiểm chuẩn lần đầu tại TTĐK 50-15D.
Cụ thể, năm 2018, các bị can Danh Thanh Tiền cùng Vĩnh và Đoàn Hải Linh góp vốn để thành lập Công ty TNHH Lâm Hà Trúc với mục đích thành lập TTĐK tại TPHCM.
Ngày 18-1-2019, Tiền mang hồ sơ đến trụ sở Cục ĐKVN gặp trực tiếp ông Trần Kỳ Hình (cựu Cục trưởng Cục ĐKVN) tại phòng làm việc và đưa cho Hình phong bì có 10 triệu đồng để xin cấp mã số đăng kiểm. Sau khi nhận tiền, Hình ký cấp cho Tiền mã số trung tâm là 50-15D và ông Tiền đã lắp đặt hoàn thiện trang thiết bị phục vụ.
Sau đó, Tiền gửi văn bản đến Cục ĐKVN đề nghị cử đoàn vào kiểm tra đánh giá lần đầu để TTĐK 50-15D có thể đưa vào hoạt động. Tuy nhiên, sau thời gian dài mà Cục ĐKVN không cử đoàn vào kiểm tra nên Vĩnh ra cục gặp Hình thì ông này cho biết không đồng ý để Tiền làm tại TTĐK 50-15D.
Vì vậy, Tiền bán lại toàn bộ cổ phần Công ty Lâm Hà Trúc cho Trần Văn Thương với số tiền 365 triệu đồng, sau đó các cổ đông công ty bầu ông Thương làm Chủ tịch HĐQT.
Tháng 5-2019, Vĩnh và Thương thống nhất ra Cục ĐKVN gặp Trần Kỳ Hình tại phòng làm việc, rồi đưa hối lộ cho Hình 2.000 USD.
Đồng thời, cả hai nhờ Hình cử đoàn kiểm tra đánh giá cho TTĐK 50-15D được hoạt động và Hình đồng ý.
Ngày 18-6-2019, Hình ký cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện cho TTĐK 50-15D đưa vào hoạt động.
Cũng theo cáo trạng, Thương là người đại diện công ty nhưng không trực tiếp điều hành, mà giao toàn quyền quyết định tại TTDK 50-15D cho Vĩnh và Linh.
Từ đó, Vĩnh bàn bạc với Linh và Vũ Hữu Bình (bảo vệ trung tâm) thống nhất cho Bình đứng ra móc nối với các đối tượng môi giới nhằm nhận hối lộ của chủ các xe đăng kiểm định kỳ và nghiệm thu xe cải tạo, để cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện xe cơ giới đường bộ.
Quá trình hoạt động của TTĐK 50-15D, Vĩnh thống nhất với Trần Thế Hơn, Trần Ngọc Phi (trưởng dây chuyền kiểm định), Phan Văn Thạnh về việc bỏ qua các lỗi đối với những xe do Bình môi giới đưa vào để cấp giấy chứng nhận.
Từ tháng 6-2019 đến tháng 11-2022, Vũ Hữu Bình đã nhận hối lộ của các bị can trên hơn 3,5 tỷ đồng để cấp 17.940 lượt Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ.
Trung bình hàng tháng, Vĩnh, Linh được chia 8 triệu đồng/người; các đăng kiểm viên và Bình được chia 6 triệu đồng/người; nhân viên văn phòng, bảo vệ được 1 triệu đồng/người. Ngoài ra, đưa vào quỹ ngoại giao, tiếp khách của TTĐK 50-15D mỗi tháng 10 triệu đồng.
Bị can Vĩnh khai, thời gian đầu, trung tâm hoạt động chưa có lãi nên đến khoảng tháng 10-2020 mới chia cổ tức cho các cổ đông. Trung bình mỗi tháng, Vĩnh đưa cho các cổ đông 10 triệu đồng và thông báo tiền lợi nhuận của TTĐK.
Các cổ đông không biết Vĩnh đưa ra chủ trương nhận tiền đăng kiểm tại TTĐK để thu lợi bất chính. Mỗi tháng, Thương nhận 10 triệu đồng tiền lợi nhuận, tổng cộng là 180 triệu đồng của Vĩnh.
Hiện, ông Thương đã giao nộp lại toàn bộ 180 triệu đồng nhận từ Vĩnh. Do đó, bị can Thương phải chịu trách nhiệm hình sự về tội “Đưa hối lộ” với số tiền hơn 46 triệu đồng.
HĐXX đang tiếp tục thẩm tra lý lịch các bị cáo.