Sau hơn 1 tháng xét xử và nghị án, ngày 23-8, TAND TPHCM đã tuyên án đối với 254 bị cáo trong đại án đăng kiểm xảy ra Cục Đăng kiểm Việt Nam (ĐKVN), 11 trung tâm đăng kiểm trên địa bàn TPHCM và 3 trung tâm đăng kiểm tại Long An, Bến Tre, Sóc Trăng.
Để xảy ra sai phạm có hệ thống
HĐXX nhận định, bị cáo Trần Kỳ Hình (cựu Cục trưởng) đã không thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ, buông lỏng quản lý đối với chi cục đăng kiểm, trung tâm đăng kiểm để xảy ra sai phạm tiêu cực có hệ thống trong thời gian dài.
Vì vụ lợi cá nhân, bị cáo Hình đã nhận tiền hối lộ của các bị cáo là lãnh đạo tại các đơn vị đăng kiểm doanh nghiệp với tổng số tiền hơn 7,1 tỷ đồng để bỏ qua lỗi sai phạm. Ngoài ra, Trần Kỳ Hình lợi dụng chức vụ, quyền hạn, vị trí công tác, làm trái quy định, đã duyệt cấp Thông báo năng lực cho 63 hồ sơ cơ sở đóng tàu không đủ điều kiện cấp theo quy định, tạo điều kiện cho các cơ sở đóng tàu không đủ điều kiện hoạt động trái pháp luật.
Còn bị cáo Đặng Việt Hà (cựu Cục trưởng) đã không thực hiện đúng chức trách nhiệm vụ, chỉ đạo phòng ban, chi cục đăng kiểm, trung tâm đăng kiểm cả nước để nhận hối lộ, xảy ra sai phạm có hệ thống trong thời gian dài. Bị cáo Hà đã đưa ra chủ trương nâng mức hưởng lợi từ Phòng VAR, trung tâm đăng kiểm nhận được của người đưa hối lộ. Bị cáo Hà phải chịu trách nhiệm chung đối với số tiền đưa hối lộ của Phòng VAR hơn 31 tỷ đồng, trung tâm đăng kiểm khối V hơn 7 tỷ đồng và số tiền hối lộ của các giám đốc trung tâm đăng kiểm khối D là 680 triệu đồng; tổng cộng hơn 40 tỷ đồng.
Theo HĐXX, bị cáo Hình và bị cáo Hà có tình tiết tăng nặng phạm tội 2 lần. Tình tiết giảm nhẹ là thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải; thành tích trong công tác, nộp lại tiền hưởng lợi, gia đình có công với cách mạng…
HĐXX tuyên phạt bị cáo Đặng Việt Hà 19 năm tù về tội "Nhận hối lộ"; tuyên phạt bị cáo Trần Kỳ Hình 25 năm tù về 2 tội "Nhận hối lộ" và "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ".
Đăng kiểm viên phạm tội mang tính phụ thuộc
HĐXX nhận định, lãnh đạo các trung tâm đăng kiểm đã thực hiện theo chỉ đạo cấp trên với chủ trương cho phép các đăng kiểm viên nhận tiền từ chủ phương tiện để bỏ qua lỗi. Số tiền nhận được sẽ được chia cho lãnh đạo, đăng kiểm viên, nhân viên tại trung tâm, dành một phần làm quỹ ngoại giao và chung chi cho lãnh đạo Cục.
Như các bị cáo thuộc nhóm các trung tâm đăng kiểm khối V - trực thuộc Cục đăng kiểm, theo HĐXX, tất cả lãnh đạo, đăng kiểm viên tại khối V đều phải tăng việc nhận tiền từ các phương tiện, để có tiền đóng cho bị cáo Hà theo chủ trương. HĐXX ghi nhận việc các bị cáo phạm tội mang tính phụ thuộc, thực hiện theo chỉ đạo của cấp trên và thành tích xuất sắc trong công tác, gia đình có công với cách mạng, nộp lại toàn bộ hoặc một phần tiền hưởng lợi…
Các bị cáo có tình tiết tăng nặng phạm tội 2 lần trở lên. Tình tiết giảm nhẹ là ăn năn hối cải, thành tích xuất sắc, vai trò phụ thuộc, làm theo chỉ đạo; một số bị cáo có đơn tự thú, gia đình có công với cách mạng...
HĐXX đang tiếp tục tuyên án đối với các bị cáo này.
Đối với bị cáo Đỗ Trung Học (cựu Phó phòng tàu sông) đã bỏ trốn, CQĐT đã ra quyết định truy nã, niêm yết các thông báo, phát thư kêu gọi ra đầu thú, chỉ định luật sư bào chữa... Kết quả điều tra xác định có đủ căn cứ xác định hành vi phạm tội của bị cáo Học.
VKS truy tố bị cáo Học về tội nhận hối lộ và đề nghị xét xử vắng mặt. Tòa án đã tống đạt, niêm yết các quyết định đúng quy định pháp luật. Tuy nhiên, bị cáo Học vẫn vắng mặt tại thời điểm xét xử. Việc vắng mặt của bị cáo Học không gây trở ngại cho việc xét xử, nên quyết định xét xử vắng mặt bị cáo Học.