Bào chữa cho nhóm bị cáo là Phó trưởng Phòng Kiểm định xe cơ giới gồm Đặng Trần Khanh, Nguyễn Đức Toàn và Trịnh Bình Dương, các luật sư đề nghị xem xét trách nhiệm của các bị cáo về tổng số tiền mà phòng VAR đã nhận vì các bị cáo không biết chủ trương, không được bàn bạc. Các luật sư cũng trình bày thêm các tình tiết giảm nhẹ như đã nộp lại tiền, có nhiều thành tích trong công tác, tích cực hợp tác với cơ quan điều tra trong quá trình giải quyết vụ án...
Theo Luật sư Nguyễn Văn Quynh (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), luận tội của đại diện Viện kiểm sát đối với bị cáo Trịnh Bình Dương, cựu Phó Phòng kiểm định xe cơ giới (Phòng VAR) là quá nghiêm khắc (VKS đề nghị tuyên phạt 18-20 năm tù về 2 tội đưa và nhận hối lộ - PV). Bị cáo không được phân công phụ trách mảng thẩm định thiết kế cải tạo xe cơ giới, đồng thời, người phụ trách mảng này lại là cấp trên trực tiếp, do vậy, bị cáo Dương có vai trò hết sức thụ động.
Bị cáo Trịnh Bình Dương cũng như các bị cáo phó phòng khác hoàn toàn không có bất kỳ ý kiến gì mà để cho bị cáo Trần Anh Quân (cựu Quyền Trưởng phòng và là người phụ trách công tác thẩm định thiết kế cải tạo xe cơ giới) chủ trương thực hiện mức phân bổ tiền cũng như thực hiện triển khai đến đăng kiểm viên như diễn biến kết luận điều tra và bản luận tội đã công bố.
Theo luật sư, bị cáo Dương có nhiều tình tiết giảm nhẹ và không có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự. Vì vậy, bên cạnh đề nghị HĐXX áp dụng các tình tiết giảm nhẹ quy định tại Bộ luật Hình sự, luật sư cũng đề nghị áp dụng chính sách khoan hồng đặc biệt tại Điều 5 Nghị quyết số 03/2020/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán TANDTC để cho bị cáo Trịnh Bình Dương được hưởng mức án thấp nhất của khung hình phạt nhưng không bắt buộc phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật quy định.
Bào chữa cho bị cáo Trần Kỳ Hình, cựu Cục trưởng Cục ĐKVN, luật sư đề nghị HĐXX xem xét toàn diện thiệt hại của vụ án và xem xét bị cáo không phạm tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
Tự bào chữa, bị cáo Trần Kỳ Hình cho rằng, trong thời gian bị cáo còn đương nhiệm, bị cáo có chỉ đạo thanh tra, kiểm tra, ủy quyền cho cục phó thực hiện nhiệm vụ này. Bị cáo Hình phủ nhận việc buông lỏng quản lý, biết mà không xử lý vi phạm như cáo trạng quy kết. Bị cáo không chỉ đạo việc nhận tiền hối lộ và bị cáo Hình chỉ thừa nhận 2,85 tỷ và 12.000 USD. Những bị cáo khác khai chỉ là lời khai 1 phía, bị cáo có khiếu nại cáo trạng và được trả lời sẽ được giải quyết tại phiên tòa.
Ngoài ra, bị cáo Trần Kỳ Hình không biện minh về hành vi "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” nhưng trình bày 1 số điều kiện, hoàn cảnh khách quan của hành vi phạm tội. Bị cáo hoàn toàn không cố ý phạm tội.
Trước đó, trong phần luận tội, đại diện VKS cho rằng: "Để xác định số tiền mà cáo trạng đã quy buộc đối với bị cáo, chúng tôi căn cứ vào lời khai của các bị cáo là giám đốc các trung tâm đã đưa tiền cho bị cáo; căn cứ vào số tiền mà Phòng VAR đã nhận và chia cho lãnh đạo, căn cứ vào số lượng hồ sơ mà Phòng VAR đã thẩm định…, và chính vào lời khai nhận của bị cáo tại cơ quan điều tra, tại phiên tòa về diễn biến hành vi phạm tội".
Do đó, VKS có căn cứ xác định Trần Kỳ Hình phải chịu trách nhiệm và đã "Nhận hối lộ", hưởng lợi số tiền 7,16 tỷ đồng. Ngoài ra, bị cáo còn lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ trong việc duyệt cấp Thông báo năng lực cho 63 hồ sơ cơ sở đóng tàu không đủ điều kiện theo quy định.
VKS đề nghị HĐXX tuyên phạt cựu Cục trưởng Trần Kỳ Hình mức án 18-19 năm tù về tội "Nhận hối lộ" và 5-6 năm tù về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ". Tổng hợp hình phạt đề nghị từ 23-25 năm tù.
VKS đề nghị HĐXX tuyên phạt cựu Cục trưởng Đặng Việt Hà mức án 20 năm tù về tội "Nhận hối lộ". Các bị cáo còn lại bị đề nghị mức án từ thấp nhất 1 năm tù treo tới cao nhất 30 năm tù giam.
Bào chữa cho cựu Cục trưởng Đặng Việt Hà, luật sư của bị cáo thống nhất tội danh và khung hình phạt. Luật sư trình bày một số tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo. HĐXX xử phạt bị cáo mức án dưới khung hình phạt.