Hôm nay 15-1, phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam (viết tắt VNCB, nay là Ngân hàng Thương mại TNHH MTV Xây dựng Việt Nam - viết tắt CBBank), Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank), Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) tiếp tục làm việc.
Ẩn số tiền tăng vốn điều lệ vẫn chưa được được giải
Liên quan đến hành vi bị cáo Phạm Công Danh chỉ đạo cấp dưới sử dụng pháp nhân 12 công ty “con” của Tập đoàn Thiên Thanh tạo dựng hồ sơ giả mạo để vay 4.700 tỷ đồng của BIDV, các luật sư tiếp tục tập trung thẩm vấn làm rõ mục đích sử dụng của số tiền dự định tăng vốn điều lệ cho VNCB.
Theo lời khai của bị cáo Phạm Công Danh (nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị VNCB, Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh) và các bị cáo đồng phạm, sau khi BIDV giải ngân cho 12 công ty “con” của Tập đoàn Thiên Thanh vay vốn, có 4.000 tỷ đồng trong khoản tiền này cùng với 500 tỷ đồng khác được chuyển về tài khoản của VNCB tại Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước, dùng cho việc tăng vốn điều lệ của VNCB. Tuy nhiên, hồ sơ xin tăng vốn điều lệ từ 3.000 tỷ đồng lên 7.500 tỷ đồng của VNCB sau đó không được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận. Và số tiền này được hòa vào dòng tiền chung của VNCB.
Theo cáo trạng, từ ngày 14-2-2014 đến ngày 26-7-2014, VNCB đã sử dụng 7.614,75 tỷ đồng tiền mặt, tiền gửi Ngân hàng Nhà nước, tiền gửi tại các tổ chức tín dụng khác (trong đó bao gồm cả 4.500 tỷ đồng gửi tại Liên Việt Postbank chuyển về Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước - là khoản tiền dùng để tăng vốn điều lệ) để sử dụng.
Luật sư Huỳnh Thị Huyền Trang hỏi đại diện CBBank: “Khoản tiền 4.700 tỷ đồng vay từ BIDV thông qua 12 công ty, sau đó được chuyển về VNCB và sử dụng vào 3 mục đích là tăng vốn điều lệ, trả nợ cũ của Ngân hàng Đại Tín (TrustBank, tiền thân của VNCB), chăm sóc khách hàng của VNCB. Vậy số tiền đó bây giờ ở đâu?”.
Đại diện CBBank trả lời: “Toàn bộ đã hòa vào dòng tiền chung của VNCB và đã được sử dụng hết trước ngày 26-7-2014 (thời điểm khởi tố vụ án)”.
Trong khi đó, trả lời câu hỏi của luật sư Võ Đan Mạch về vấn đề này, bị cáo Nguyễn Quốc Viễn (nguyên Trưởng Ban Kiểm soát của VNCB) nói rằng khoản tiền 4.500 tỷ đồng vẫn còn đang hạch toán treo tại VNCB vào thời điểm Phạm Công Danh bị khởi tố, và đề nghị hội đồng xét xử thu hồi khoản này để khắc phục hậu quả.
Tương tự, bị cáo Phan Thành Mai (nguyên Tổng Giám đốc VNCB) cũng khẳng định: “Số tiền 4.000 tỷ đồng đã được sử dụng vào việc góp phần làm giảm chi phí cho VNCB trên nhiều góc độ vào thời điểm đó”.
Chủ tọa phiên tòa yêu cầu đại diện CBBank chuẩn bị số liệu về việc 4.500 tỷ đồng có hoà vào dòng tiền chung của VNCB hay không, được sử dụng cụ thể như thế nào... Phần này đại diện CBBank sẽ trả lời hội đồng xét xử và thông tin đến các luật sư vào đầu giờ của phiên xử buổi chiều 16-1.
Cuối phiên xử buổi sáng, hội đồng xét xử chuyển sang phần thẩm vấn về hành vi cố ý làm trái của Phạm Công Danh và đồng phạm trong việc dùng tiền gửi tại TPBank bảo lãnh và trả nợ thay cho 11 công ty vay vốn để mua trái phiếu Tập đoàn Thiên Thanh và Công ty Trung Dung.
Theo cáo trạng, vào tháng 5-2013, với lý do để có tiền chăm sóc khách hàng và tăng vốn đầu tư, Phạm Công Danh chỉ đạo Phan Thành Mai tìm cách rút tiền ra khỏi VNCB, chuyển về để Danh sử dụng. Mai đề xuất với Danh ủy thác qua Quỹ Lộc Việt để mua để mua trái phiếu Tập đoàn Thiên Thanh thì tiền sẽ quay trở lại. Phan Thành Mai thống nhất với Nguyễn Việt Hà (Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần quản lý Quỹ Lộc Việt, viết tắt là Quỹ Lộc Việt) dùng biện pháp ủy thác đầu tư sang Quỹ Lộc Việt, và nhờ Hà mượn pháp nhân 11 công ty “con” của Quỹ Lộc Việt để vay tiền TPBank lấy tiền mua trái phiếu, sau đó dùng tiền vay này mua trái phiếu của Tập đoàn Thiên Thanh và Công ty Trung Dung. VNCB bảo lãnh cho các khoản vay trên.
Trả lời thẩm vấn của hội đồng xét xử, bị cáo Phan Thành Mai thừa nhận hành vi phạm tội như cáo trạng đã quy kết. Thực hiện sự chỉ đạo của bị cáo Phạm Công Danh, bị cáo đã ký các hợp đồng tiền gửi với TPBank với tổng số tiền hơn 1.706 tỷ đồng để bảo lãnh cho 11 công ty vay 1.666,8 tỷ đồng. Dù biết rõ việc này sai cả về chủ trương lẫn nghiệp vụ nhưng bị cáo vẫn thực hiện. Bởi vì về thực chất, đây là cấp tín dụng vòng từ VNCB sang Tập đoàn Thiên Thanh thông qua TPBank và các công ty. Tháng 4-2014, TPBank đột ngột cắt các khoản tiền, gây thiệt hại cho VNCB hơn 1.700 tỷ đồng.
Chiều nay, phiên tòa tiếp tục làm việc.