Chiều 12-1, phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam (viết tắt VNCB, nay là Ngân hàng Thương mại TNHH MTV Xây dựng Việt Nam - viết tắt CBBank), Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (SacomBank), Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank), Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) tiếp tục làm việc.
Hội đồng xét xử và công tố viên thẩm vấn để làm rõ trách nhiệm của nhiều cá nhân tại BIDV trong việc cho 12 công ty vay 4.700 tỷ đồng.
Trong phiên xử buổi sáng, các bị cáo Hoàng Long Hà (nguyên Phó Giám đốc BIDV chi nhánh Gia Định), Nguyễn Ngọc Sơn (nguyên Trưởng Phòng Khách hàng 1, BIDV chi nhánh Gia Định), Nguyễn Vũ Bảo (nguyên chuyên viên Phòng Khách hàng 1, BIDV chi nhánh Gia Định) đều xin hội đồng xét xử xem xét, cho rằng mình không phạm tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" với vai trò đồng phạm như cáo trạng đã quy kết. Các bị cáo này cho rằng chỉ phạm lỗi tác nghiệp trong quá trình xem xét, thẩm định hồ sơ và do chủ quan nên không tiến hành thẩm định về khách hàng.
Vì vậy, trong phiên xử vào chiều nay, hội đồng xét xử hỏi bà Nguyễn Thị Phương (Giám đốc Ban Pháp chế của BIDV, là người đại diện ủy quyền của BIDV): "Sau khi xem xét Kết luận giám định của Ngân hàng Nhà nước, bà thấy hành vi của những người liên quan đến việc cấp tín dụng 4.700 tỷ đồng có đúng hay không?".
Bà Phương trình bày: Về quy trình, BIDV đã thực hiện đầy đủ và đúng với các quy định của pháp luật, quy định về cho vay của BIDV. Những cá nhân này có lỗi thiếu sót nhưng không phải là sai sót trọng yếu, BIDV đã họp và tổ chức xử lý một số cán bộ sai phạm.
Đối với Kết luận giám định, bà Phương nói rằng có một số điểm cảm thấy chưa thống nhất. Thực tế, hợp đồng tiền gửi của VNCB sang BIDV là hợp đồng cầm cố tiền gửi. Bà Phương khẳng định BIDV không giao dịch cá nhân với Phạm Công Danh hay Phan Thành Mai. Tư cách của bị cáo Danh vào thời điểm đó là người đại diện của VNCB, vì vậy BIDV giao dịch với 2 chủ thể có tư cách giao dịch chứ không giao dịch với tư cách cá nhân.
Đối với các sai phạm tại BIDV, cơ quan điều tra đánh giá:
- Không tiến hành kiểm tra, thẩm định đối với khách hàng, không kiểm tra, thẩm định đối với các công ty cung cấp vật liệu xây dựng đầu vào. Do đó, sau khi BIDV giải ngân chuyển tiền vào tài khoản 4 công ty cung cấp vật liệu xây dựng đầu vào (cũng do Phạm Công Danh thành lập) để cho Phạm Công Danh sử dụng vào mục đích cá nhân (phần lớn dùng cho mục đích tăng vốn điều lệ của Ngân hàng Xây dựng), không dùng kinh doanh vật liệu xây dựng như trong hồ sơ vay.
- Không yêu cầu khách hàng cung cấp Báo cáo tài chính đã được kiểm toán/ Báo cáo quyết toán thuế và không lập Phiếu điều tra khách hàng về tình hình tài chính để kiểm tra tính khớp đúng, hợp lệ của Báo cáo tài chính trong quá trình thẩm định tình hình tài chính của khách hàng như quy định của chính BIDV; chấp nhận tài sản đảm bảo gồm bất động sản của bên thứ ba và tiền gửi của VNCB nên đã phải yêu cầu thu nợ chính bằng tiền gửi của VNCB.
- Chỉ kiểm tra, thẩm định, đánh giá tính khả thi và hiệu quả của phương án kinh doanh trên bộ hồ sơ lập khống. Thực tế, các công ty vay vốn và các công ty cung cấp vật liệu xây dựng đều không hoạt động mua, bán vật liệu xây dựng, các công ty vay vốn không cung cấp được hóa đơn hàng hóa. Do đó, BIDV đã phải thu nợ trước hạn từ nguồn tiền gửi của VNCB dùng để bảo lãnh khoản vay và nguồn tiền VNCB cho các công ty vay từ chính bộ hồ sơ lập khống để vay vốn BIDV trước đó.
Tuy các cá nhân tại BIDV có các sai phạm như nêu trên nhưng thiệt hại không xảy ra tại BIDV.