Ngày 17-1, phiên tòa sơ thẩm vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam (viết tắt VNCB, nay là Ngân hàng Thương mại TNHH MTV Xây dựng Việt Nam - viết tắt CBBank), Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank), Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) tiếp tục phần thẩm vấn.
Trả lời câu hỏi luật sư đưa ra, bị cáo Phạm Công Danh (nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị VNCB, Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh) một lần nữa khẳng định khi dùng pháp nhân các công ty “con” của Tập đoàn Thiên Thanh vay 1.800 tỷ đồng của Sacombank, bị cáo không nói cho bị cáo Trầm Bê (nguyên Phó Chủ tịch Thường trực HĐQT, Chủ tịch HĐTD Sacombank) biết mục đích thật sự của việc vay tiền.\
“Việc ông Bê có biết hay không là việc của ông Bê, nhưng bị cáo nghĩ là ông Bê không biết”, bị cáo Danh nói.
Theo cáo trạng, bị cáo Phạm Công Danh đã chỉ đạo nhân viên VNCB và nhân viên thuộc Tập đoàn Thiên Thanh sử dụng pháp nhân các công ty do Danh thành lập hoặc mượn pháp nhân, lập 29 hồ sơ khống đứng tên các công ty đó, vay vốn tại Sacombank, TPBank, BIDV; đồng thời dùng tiền của VNCB gửi sang 3 ngân hàng này để cầm cố, bảo lãnh cho các khoản vay, sau đó bị các ngân hàng trên thu hồi nợ từ tiền gửi của VNCB với số tiền gần 6.127 tỷ đồng, dẫn đến VNCB bị thiệt hại số tiền trên.
Tại phiên tòa, đại diện CBBank đề nghị hội đồng xét xử (HĐXX) buộc bị cáo Danh cùng đồng phạm và những người liên quan đến vụ án nhưng không bị xử lý hình sự (bao gồm cả ba ngân hàng Sacombank, BIDV, TPBank) phải liên đới bồi thường toàn bộ thiệt hại.
Trước yêu cầu của đại diện CBBank, luật sư bảo vệ quyền lợi cho Sacombank hỏi rằng căn cứ vào đâu để tính thiệt hại, đại diện CBBank trả lời: Dựa trên kết quả điều tra và truy tố.
Luật sư đặt vấn đề: “Tức là không phải do CBBank xác định, mà dựa vào kết luận điều tra và cáo trạng? Tại sao đơn yêu cầu của CBBank lại không liệt kê từng hạng mục để đi đến con số này?”
Đại diện CBBank nói: “Đây không phải là tranh chấp dân sự”.
Về vật chứng trong vụ án, trong quá trình điều tra, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an kê biên 2 quyền sử dụng đất liên quan đến bị cáo Trầm Bê, trong đó có một căn nhà trên đường An Dương Vương, phường An Lạc A, quận Bình Tân.
Bị cáo Trầm Bê đề nghị HĐXX giải tỏa kê biên căn nhà này, vì đây là tài sản của người chị vợ bị cáo tên Viên Tú Anh cùng chồng. Được mời lên hỏi để làm rõ, con trai của bà Tú Anh xác nhận lời của bị cáo Trầm Bê là đúng sự thật, rằng căn nhà do cha mẹ mình đứng tên chủ sở hữu, không liên quan đến bị cáo.
Theo HĐXX, vì chồng bà Tú Anh đã mất nên phải xác định thừa kế. Hiện căn nhà trên còn nhiều người trong gia đình sinh sống, nên HĐXX yêu cầu những người đó làm giấy ủy quyền cho con bà Tú Anh toàn quyền xử lý tài sản này. Các ủy quyền phải đúng theo quy định pháp luật, tức là có chữ ký, có công chứng, chứng thực cho thấy họ hoàn toàn đồng ý với sự ủy quyền. Con bà Tú Anh cho biết sẽ nộp giấy ủy quyền theo yêu cầu của HĐXX vào đầu tuần tới.
Hôm nay phiên tòa tạm nghỉ. Ngày 22-1, phiên tòa chuyển sang phần tranh tụng.