Trả lời hội đồng xét xử về hành vi chỉ đạo cấp dưới lập khống hồ sơ đứng tên 6 công ty vay 1.800 tỷ đồng của Ngân hàng SacomBank, bị cáo Phạm Công Danh (nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng VNCB, Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh) nói rằng do sức khỏe yếu, thời gian xảy ra vụ án đã lâu nên không nhớ rõ. "Nhưng nếu các bị cáo Trầm Bê (nguyên Phó Chủ tịch Thường trực HĐQT, Chủ tịch HĐTD Ngân hàng SacomBank), Phan Huy Khang (nguyên Tổng Giám đốc Ngân hàng SacomBank) khai nhận như vậy thì chắc nội dung là đúng sự thật", bị cáo nói.
Theo cáo trạng, năm 2013 và 2014, bị cáo Phạm Công Danh cần có tiền để sử dụng nhưng không thể vay trực tiếp tại Ngân hàng VNCB nên chỉ đạo lãnh đạo, nhân viên Ngân hàng VNCB và nhân viên thuộc Tập đoàn Thiên Thanh sử dụng pháp nhân các công ty do Danh thành lập hoặc mượn pháp nhân, lập 29 hồ sơ khống đứng tên các công ty đó, vay vốn tại các ngân hàng SacomBank, TPBank, BIDV; đồng thời dùng tiền của Ngân hàng VNCB gửi sang 3 ngân hàng này để cầm cố, bảo lãnh cho các khoản vay, sau đó bị các ngân hàng trên thu hồi nợ từ tiền gửi của Ngân hàng VNCB với số tiền gần 6.127 tỷ đồng. Toàn bộ số tiền các công ty vay được từ 3 ngân hàng được Phạm Công Danh chỉ đạo sử dụng cho mục đích cá nhân của mình. Do các công ty này làm hồ sơ vay khống, không thực hiện theo phương án đã cam kết trong hợp đồng tín dụng nên không có tiền trả nợ. Ngân hàng VNCB thực hiện việc bảo lãnh nhưng không yêu cầu cầm cố, thế chấp tài sản nên không thu hồi được tiền bảo lãnh từ các công ty đó, dẫn đến Ngân hàng VNCB bị thiệt hại gần 6.127 tỷ đồng.
Chủ tọa phiên tòa đặt câu hỏi: "Lý do gì mà cùng một lúc bị cáo vay mượn tiền từ nhiều ngân hàng để cấp tín dụng cho mình?". Bị cáo Phạm Công Danh trình bày: Thời điểm năm 2013, VNCB gặp áp lực rất lớn về khoản tiền chi chăm sóc khách hàng, bị cáo đã phải bỏ ra khoản chi phí rất lớn để giải quyết áp lực chăm sóc khách hàng. Số tiền vay được, bị cáo đã đưa cho bà Hứa Thị Phấn (nguyên cố vấn cấp cao của Ngân hàng Đại Tín, viết tắt TrusBank, sau này là VNCB) 3.600 tỷ đồng để lấy tài sản từ ngân hàng ra, nhưng đến nay chưa lấy tài sản ra được. Ngoài ra, bị cáo còn phải trả 2.760 tỷ đồng tiền lãi ngoài cho ông Trần Quý Thanh (Tập đoàn Tân Hiệp Phát)...
Phần trình bày của bị cáo bị chủ tọa ngắt lời, cho rằng các nội dung trên đã được bị cáo trình bày trong các phiên tòa xét xử ở giai đoạn 1 của vụ án, không thuộc phạm vi xét xử của giai đoạn này. Tuy nhiên, bị cáo vẫn cố gắng nói thêm: Bị cáo rất bức xúc vì các khoản chi lãi ngoài.
Ngày mai 11-1, phiên tòa tiếp tục làm việc.