Xét tuyển vào đại học: Tính toán kỹ cho giai đoạn nước rút

Từ nay đến ngày 30-7 là giai đoạn quyết định cho cuộc đua xét tuyển vào đại học năm 2024. Do đó, rất nhiều băn khoăn, thắc mắc của thí sinh lẫn phụ huynh đã gửi đến các chuyên gia trong buổi giao lưu trực tuyến do Báo SGGP tổ chức vào ngày 16-7 về kết quả điểm thi tốt nghiệp, cách thức thực hiện đăng ký - điều chỉnh nguyện vọng, xác định nguyện vọng trúng tuyển...

Nhà báo Nguyễn Nhật (bìa phải), Phó Tổng Biên tập Thường trực Báo SGGP, tặng hoa các khách mời tham gia buổi giao lưu trực tuyến
Nhà báo Nguyễn Nhật (bìa phải), Phó Tổng Biên tập Thường trực Báo SGGP, tặng hoa các khách mời tham gia buổi giao lưu trực tuyến

Cùng với đó, các băn khoăn về chọn ngành, chọn trường cũng được các chuyên gia giải đáp để giúp thí sinh quyết định trong giai đoạn quan trọng này.

Nộp đơn phúc khảo tại nơi đăng ký dự thi

Giải đáp những thắc mắc của thí sinh về điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2024, ThS Nguyễn Võ Đăng Khoa, Phó trưởng Phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Sở GD-ĐT TPHCM), cho biết: Theo kế hoạch của Bộ GD-ĐT, sáng 17-7, bộ sẽ công bố điểm thi tốt nghiệp năm 2024. Sau khi biết điểm thi, thí sinh có quyền nộp đơn xin phúc khảo tất cả bài thi, tuy nhiên cần lưu ý là bài thi trắc nghiệm được chấm bằng máy tự động nên tỷ lệ sai sót rất thấp. Thí sinh nộp đơn phúc khảo tại nơi đăng ký dự thi ban đầu. Sau khi bài thi được chấm phúc khảo, nếu điểm thi chênh lệch, thí sinh bắt buộc sử dụng kết quả điểm mới, dù tăng hay giảm so với điểm trước khi phúc khảo. Hiện nay, theo quy chế của Bộ GD-ĐT, điểm liệt đối với kỳ thi tốt nghiệp THPT là 1 điểm, và nếu bị điểm liệt, thí sinh sẽ không được xét tốt nghiệp THPT. Phiếu kết quả thi tốt nghiệp của thí sinh sẽ được Sở GD-ĐT TPHCM in ra và gửi về các đơn vị. Hàng năm, sau khi công bố kết quả thi tốt nghiệp THPT, Bộ GD-ĐT công bố phổ điểm các môn thi để phụ huynh học sinh, thí sinh, cơ sở trường học, các địa phương có cơ sở đánh giá kết quả dạy và học của mình, từ đó có kế hoạch nâng cao chất lượng đào tạo tại đơn vị.

Liên quan đến lo lắng của phụ huynh học sinh về những trục trặc kỹ thuật có thể gặp phải khi thao tác trên hệ thống đăng ký tuyển sinh của Bộ GD-ĐT, ThS Nguyễn Võ Đăng Khoa cho rằng: Hàng năm, cơ quan quản lý phối hợp với đơn vị viễn thông đảm bảo băng thông thông suốt trong giai đoạn này. Qua thực tế triển khai trong 5 năm trở lại đây, chưa ghi nhận trường hợp nào rớt mạng ảnh hưởng việc đăng ký của thí sinh. Tuy nhiên, phụ huynh học sinh và thí sinh cần đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học sớm, tránh chọn thời điểm cuối ngày để không gặp các lỗi bất ngờ phát sinh.

Q4c.jpg
Thí sinh tại TPHCM kiểm tra bài làm môn Toán kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Năm nay, thí sinh có quyền đăng ký không giới hạn số lượng nguyện vọng xét tuyển đại học, đồng thời có thể điều chỉnh nguyện vọng không giới hạn số lần trong khoảng thời gian từ ngày 18-7 đến 17 giờ ngày 30-7-2024. Hết thời gian đăng ký nói trên, thí sinh không được điều chỉnh nguyện vọng vì bất cứ lý do gì. Tất cả hình thức xét tuyển đại học đều phải được đăng ký trên hệ thống tuyển sinh của Bộ GD-ĐT. Thí sinh chỉ được xem là hoàn thành việc đăng ký nguyện vọng khi hoàn tất đóng phí cho các nguyện vọng đã đăng ký, đồng thời in ra bản giấy biên lai đóng tiền để bổ túc hồ sơ khi nộp cho các trường đại học.

Ưu tiên chọn ngành nghề yêu thích

Một giáo viên tại TPHCM băn khoăn: “Hàng năm, có nhiều sinh viên bỏ học vì nhiều lý do, trong đó có lý do chọn nhầm ngành hay chọn nhầm chỗ không? Làm sao để giảm thiểu tình trạng này?”. ThS Phạm Doãn Nguyên, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế Tài chính TPHCM, cho biết, theo thống kê của nhiều trường đại học, mỗi năm có hàng ngàn sinh viên bị đình chỉ học tập, bỏ học, thôi học vì nhiều nguyên nhân: do điều kiện kinh tế gia đình, do ngành học không phù hợp, do năng lực học tập, nợ môn, do chọn ngành nghề sai ngay từ đầu... Trong đó, nhiều thí sinh chọn sai ngành nghề ngay từ đầu. Để chọn được ngành nghề phù hợp, thí sinh cần định vị được bản thân (xác định năng lực sở trường, phẩm chất tính cách, niềm đam mê, yêu thích qua một số công cụ trắc nghiệm, trải nghiệm thực tế...); định vị về ngành nghề (tìm hiểu những yêu cầu cần thiết của ngành nghề, mỗi ngành nghề đòi hỏi những tố chất khác nhau); tìm hiểu thị trường lao động và xu hướng nghề nghiệp; tìm hiểu về trường học (môi trường học tập, chương trình đào tạo, đội ngũ giảng viên, hoạt động sinh viên, học phí, học bổng, uy tín thương hiệu và danh tiếng của trường...). Như vậy, khi chọn ngành nghề, thí sinh ưu tiên chọn những ngành bản thân có năng lực sở trường, phẩm chất, tính cách... Điều đó sẽ giúp bản thân học tập tốt và thành công hơn khi bước vào thị trường lao động.

Giải đáp câu hỏi “Thí sinh trúng tuyển vào trường bằng các phương thức xét tuyển sớm từ nay đến ngày 30-7 cần thực hiện như thế nào để đảm bảo chắc chắn được trúng tuyển?” của bạn Nguyễn Huy Hoàng (quận Phú Nhuận, TPHCM), ThS Bùi Quang Trung, Trưởng Phòng Truyền thông, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, chia sẻ: “Khi đã trúng tuyển bằng phương thức xét tuyển sớm vào trường hoặc những trường khác, cần lưu ý những mốc thời gian như đặt nguyện vọng trên Hệ thống xét tuyển chung của Bộ GD-ĐT (trong thời gian từ ngày 18-7 đến 17 giờ ngày 30-7), đặt làm nguyện vọng 1 đối với ngành thí sinh yêu thích nhất. Sau khi hoàn tất việc đặt nguyện vọng cần thực hiện việc thanh toán lệ phí xét tuyển (từ ngày 31-7 đến 17 giờ ngày 6-8). Tiếp đến, các cơ sở giáo dục tiến hành lọc ảo và đến ngày 19-8 sẽ có kết quả trúng tuyển chính thức. Trong thời gian chờ đợi kết quả, thí sinh nên tìm hiểu thêm về chính sách học phí, học bổng, những ưu đãi, môi trường học tập, địa điểm học để có những chuẩn bị tốt nhất cho việc nhập học sau khi có kết quả trúng tuyển chính thức”.

Gợi mở cho bạn Đinh Thanh Nhàn (18 tuổi, quận Tân Phú, TPHCM) về băn khoăn “Em giỏi khối tự nhiên và thích khối ngành kỹ thuật nhưng ba mẹ lại hướng em vào khối ngành kinh tế. Xin thầy tư vấn giúp trong các ngành khối kỹ thuật có ngành nào phù hợp với sở thích chịu khó, thích tò mò, khám phá máy móc của em không?”, ThS Phạm Quảng Tri, Phó trưởng Phòng Đào tạo, Trường ĐH Công nghiệp TPHCM, nêu ý kiến: Với sở thích chịu khó, thích tò mò khám phá máy móc thì có 2 lựa chọn là các ngành khối kỹ thuật và công nghệ. Tuy nhiên, cần xác định rõ đam mê sở thích thuộc lĩnh vực nào, ví dụ như cơ khí máy móc, điện, điện tử, công nghệ thông tin, bởi mỗi lĩnh vực sẽ có yêu cầu những kiến thức nền tảng khác nhau.

Theo ThS Nguyễn Thị Kim Phụng, Phó Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Quan hệ doanh nghiệp, Trường ĐH Tài chính Marketing TPHCM, xét tuyển ở phương thức nào (xét tuyển sớm hay kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024), thí sinh cũng cần phải đăng ký nguyện vọng trên Hệ thống tuyển sinh chung của Bộ GD-ĐT từ ngày 18-7 đến 17 giờ ngày 30-7. Tiếp đến là thực hiện thanh toán lệ phí xét tuyển trực tuyến từ ngày 31-7 đến ngày 6-8. Cả hai bước này bắt buộc phải thực hiện. Đặc biệt, thí sinh nên ưu tiên sắp xếp nguyện vọng 1 cho những ngành mình yêu thích, đam mê.

Tin cùng chuyên mục