Xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng: Lấp lỗ hổng lựa chọn ngành nghề

Thí sinh đang bắt đầu tìm hiểu và lựa chọn ngành nghề để đăng ký xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) trong mùa tuyển sinh năm 2023. Nghề nghiệp là tương lai lâu dài, do đó thí sinh cần hiểu rõ năng lực, sở trường và sự yêu thích của bản thân để quyết định xét tuyển vào ngành phù hợp.

Tránh chọn ngành theo đám đông

Em Nguyễn Trần Lê Ban (ngụ quận Bình Tân, TPHCM) là thí sinh tự do đang tìm hiểu đăng ký xét tuyển ĐH để “làm lại từ đầu” chia sẻ: Năm 2022, em trúng tuyển ngành Quan hệ quốc tế của Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TPHCM) vì nghe theo các bạn cùng lớp. Trong khi, ngành em yêu thích là Tâm lý học. Do đó, trong quá trình học ngành Quan hệ quốc tế, em cảm thấy không phù hợp. Vì vậy, năm nay em quyết thi lại để xét tuyển vào ngành Tâm lý học.

“Vì lựa chọn sai lầm nên em đã mất 1 năm và cảm thấy áp lực khi học ngành mình không yêu thích. Giờ em mới hiểu ngành gì, việc gì mình có đam mê, yêu thích thì mới theo đuổi đến cùng được”, Lê Ban tâm sự.

Trong khi đó, Nguyễn Thị Ngọc Trang (học sinh lớp 12 Trường THPT Lê Trọng Tấn, quận Tân Phú, TPHCM) cho biết: “Em thích ngành Xã hội học nhưng ba mẹ em nói học ngành này khó xin việc. Còn các bạn em lại nói rằng nên chọn những ngành thời thượng ra trường mới dễ xin việc, lương cao. Vì vậy, em rất phân vân”.

Giáo viên Trung tâm Giáo dục phổ thông (Trường ĐH Công thương TPHCM) hướng dẫn học sinh đăng ký thi tốt nghiệp THPT năm 2023
Giáo viên Trung tâm Giáo dục phổ thông (Trường ĐH Công thương TPHCM) hướng dẫn học sinh đăng ký thi tốt nghiệp THPT năm 2023

Theo Th.S Phạm Doãn Nguyên, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế Tài chính TPHCM, những băn khoăn của thí sinh trong lựa chọn ngành nghề mỗi mùa tuyển sinh là dễ hiểu. Tâm lý chọn nghề theo đám đông, theo ý phụ huynh, bạn bè là điều nên tránh. Các em cần tìm hiểu và hiểu rõ về các công việc, nghề nghiệp trong tương lai cũng như ngành, trường đào tạo ngành nghề đó. Việc chọn ngành nghề là lựa chọn cho tương lai của chính mình nên các em phải là người quyết định.

Một cán bộ phụ trách công tác sinh viên của ĐH Quốc gia TPHCM cũng cho biết, qua khảo sát thực tế, hàng năm vẫn có 5-10% sinh viên ngồi “nhầm chỗ” ở ĐH bởi nhiều lý do nhưng cái chính vẫn là các em trúng tuyển vào ngành mình không yêu thích. Từ đó, dẫn đến tình trạng chán nản, bỏ học giữa chừng. Đây là hậu quả của việc sai lầm khi chọn ngành nghề để theo học.

Phải phù hợp đam mê, sở trường

Với kinh nghiệm nhiều năm tư vấn tuyển sinh, ông Trần Anh Tuấn, chuyên gia dự báo nhân lực, Phó Chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TPHCM, cho rằng, tình trạng chọn ngành theo đám đông, đua theo ngành “hot”, chọn ngành không theo đam mê, sở thích... chính là lỗ hổng hướng nghiệp ở bậc phổ thông. Hiện nay, chưa có các chương trình hướng nghiệp đúng nghĩa. Do đó, việc hướng nghiệp phải làm dài hơi, từ bậc THCS đến THPT. Nhưng với chương trình phổ thông hiện nay, việc học đã chiếm hết thời gian và các trường cũng chưa có đội ngũ thật sự am hiểu để hướng nghiệp cho học sinh. Vì vậy, việc tìm hiểu nhu cầu xã hội về các ngành nghề là rất quan trọng, đặc biệt, các em phải quan tâm các dự báo về nhu cầu nguồn nhân lực trong tương lai. Việc này cần có sự tư vấn, hỗ trợ từ phụ huynh, thầy cô và chuyên gia hướng nghiệp.

Theo báo cáo của Bộ GD-ĐT, năm 2022, tỷ lệ tuyển sinh giữa các nhóm ngành có sự chênh lệch khá lớn. Trong khi nhóm ngành kinh doanh và quản lý chiếm tỷ lệ 24,54%, thì những nhóm ngành như Khoa học tự nhiên chỉ chiếm 0,44%; Toán và thống kê chiếm 0,40% tỷ lệ tuyển sinh. Có 45/220 ngành đào tạo ĐH tuyển sinh đạt tỷ lệ thấp.

Cụ thể, các ngành Nông lâm nghiệp và thủy sản, Khoa học sự sống, Khoa học tự nhiên và Dịch vụ xã hội đứng đầu danh sách các lĩnh vực tuyển sinh rất thấp trong 3 năm qua.

Theo TS Trần Đình Lý, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TPHCM, nếu các em chọn ngành nghề không dựa trên đam mê, sở thích, chọn đại một ngành/trường chỉ để đậu ĐH và có tấm bằng cử nhân thì không đủ động lực để vượt qua khó khăn, trở ngại trong tương lai khi hoạt động nghề nghiệp. Ngược lại, nếu có đam mê, yêu thích, các em không những hoàn thành tốt công việc mà còn có xu hướng tìm tòi, học hỏi để khắc phục khó khăn, công việc được tốt hơn. Chính vì vậy, trước khi lựa chọn ngành, nghề, các em cần hiểu rõ mình có năng lực gì, sở trường của mình là gì, có phù hợp với ngành nghề mình lựa chọn hay không? Thí sinh không lựa chọn ngành nghề theo phong trào, theo ý muốn của người khác hoặc chọn chỉ vì thích!


Nhu cầu nhân lực ngành Quan hệ quốc tế rất lớn

* Em thấy ngành Quan hệ quốc tế hiện nay có nhiều trường đào tạo. Học ngành này có thật sự khó không, cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp có nhiều không? (NGUYỄN HỒNG ĐÀO, Trường THPT Tây Thạnh, quận Tân Phú, TPHCM).

- Th.S TRƯƠNG NGUYỄN NGỌC BÍCH, Giám đốc Trung tâm Thông tin - Truyền thông (Trường ĐH Kinh tế Tài chính TPHCM): Sinh viên theo học ngành này được cung cấp khối kiến thức cơ bản về lịch sử, chính trị thế giới hiện đại, về khoa học chính trị, những lý thuyết, trường phái cơ bản trong quan hệ quốc tế; kiến thức về luật quốc tế. Đồng thời, sinh viên nắm vững chính sách đối ngoại của Việt Nam và các nước, hiểu biết về chính sách đối ngoại các nước lớn trên thế giới, kiến thức nền tảng về văn hóa, tôn giáo thế giới, về tổ chức và hoạt động của các tổ chức quốc tế. Bên cạnh khối kiến thức chuyên môn và ngoại ngữ, sinh viên còn được trau dồi kỹ năng như kỹ năng đối ngoại, kỹ năng thu thập, xử lý thông tin, phân tích tình huống, đánh giá các vấn đề quốc tế, nghiệp vụ đối ngoại. Với những đặc thù như vậy, để theo học ngành này, các bạn cần có tố chất, năng khiếu và yêu thích ngoại ngữ, khả năng giao tiếp tốt, đàm phán, kỹ năng lãnh đạo, thích khám phá về lịch sử, văn hóa, kinh tế các nước và khả năng tự học hỏi, tư duy logic.

Sau khi tốt nghiệp ngành này, các bạn có nhiều cơ hội việc làm ở các lĩnh vực như: chuyên ngành nghiệp vụ đối ngoại (thư ký văn phòng đối ngoại, nhân viên tổ chức sự kiện quốc tế, chuyên viên đàm phán, quản lý nhân sự); chuyên ngành chính trị (chuyên viên bộ phận đối ngoại tại các cơ quan, tổ chức trong nước và quốc tế; nghiên cứu và giảng dạy về quan hệ quốc tế trong các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng; chuyên viên dự án trong các tổ chức quốc tế liên chính phủ và phi chính phủ; nghiên cứu viên tại các viện nghiên cứu trong và ngoài nước); chuyên ngành phát triển bền vững (chuyên viên dự án trong các tổ chức quốc tế liên chính phủ và phi chính phủ; chuyên viên các dự án quốc tế phục vụ cộng đồng).

Tin cùng chuyên mục