Tỷ lệ chọi cao
Theo TS Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm Khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo (Đại học Quốc gia TPHCM), hiện nay, số trường đăng ký xét tuyển bằng kết quả điểm thi ĐGNL đã gần 90 trường và lên đến 380.000 nguyện vọng. Trong đó, có 62 trường sử dụng cùng hệ thống đăng ký xét tuyển trực tuyến của Đại học Quốc gia TPHCM với gần 1.600 ngành học. Chỉ tiêu xét tuyển của Đại học Quốc gia TPHCM bằng phương thức này tối thiểu là 40% tổng chỉ tiêu.
Nếu xét ở từng trường thì số lượng nguyện vọng đăng ký so với chỉ tiêu có sự chênh lệch rất lớn. Trường Đại học Công nghệ thông tin (Đại học Quốc gia TPHCM) sau 2 đợt đăng ký và điều chỉnh nguyện vọng, hệ thống ghi nhận khoảng 27.600 hồ sơ xét tuyển nộp vào trường. Đợt 1 có gần 13.000 thí sinh và đợt 2 có trên 14.700 thí sinh. Tính số nguyện vọng thì có trên 50.000 đăng ký xét tuyển cả 2 đợt vào trường. Trong khi đó, chỉ tiêu dự kiến xét theo phương thức này của trường năm nay chỉ gần 2.000. Như vậy, số nguyện vọng đã gấp 25 lần so với chỉ tiêu cần tuyển. Trong khi đó, ở nhiều trường thành viên khác, số lượng nguyện vọng đăng ký so với chỉ tiêu cũng cao hơn ít nhất 6-8 lần.
Ở một số trường khác ngoài hệ thống Đại học Quốc gia TPHCM, nguyện vọng đăng ký cũng tăng so với năm ngoái. Theo TS Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng Đào tạo Trường Đại học Công nghiệp TPHCM, trường tuyển 1.500 chỉ tiêu bằng điểm thi ĐGNL, nhưng hiện đã có gần 12.000 nguyện vọng đăng ký, tăng gần 3 lần so với năm ngoái. Trường Đại học Công nghiệp thực phẩm TPHCM tuyển 250 chỉ tiêu nhưng có đến 1.200 nguyện vọng đăng ký.
Điểm xét tuyển cũng cao hơn
TS Nguyễn Quốc Chính cho biết, so với những năm trước, kết quả điểm thi ĐGNL năm nay thấp hơn. Tuy nhiên, với lượng thí sinh dự thi lớn, số lượng thí sinh đạt mức điểm từ 600 điểm (tổng điểm bài thi là 1.200 điểm) trở lên sẽ rất nhiều. Đây là mức điểm sàn mà nhiều trường ngoài hệ thống Đại học Quốc gia TPHCM dùng để xét tuyển.
Các trường sử dụng điểm thi ĐGNL năm nay cũng đã công bố mức điểm sàn xét tuyển. Trường Đại học Ngân hàng TPHCM xét tuyển thí sinh có tổng điểm bài thi ĐGNL từ 700 trở lên, kèm điểm trung bình học tập học kỳ 1, học kỳ 2 năm lớp 11 và học kỳ 2 năm lớp 12 từ 6,5 điểm trở lên. Trường Đại học Công nghiệp TPHCM có điểm xét tuyển tại cơ sở TPHCM là 650 điểm trở lên. Các ngành tại Phân hiệu Quảng Ngãi, điểm tối thiểu nhận hồ sơ là 600.
Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TPHCM cũng đang nhận hồ sơ xét bằng điểm thi ĐGNL từ 600 trở lên. Phân hiệu Trường Đại học Giao thông Vận tải tại TPHCM nhận hồ sơ xét tuyển từ 650 điểm trở lên (gồm điểm ưu tiên). Trường Đại học Kinh tế - Tài chính TPHCM nhận hồ sơ xét tuyển từ 600 điểm cho 35 ngành. Trường Đại học Nguyễn Tất Thành có mức điểm xét tuyển là 550 điểm trở lên (riêng ngành Y khoa từ 650 điểm)…
TS Nguyễn Trung Nhân cho biết, với những điểm mới mà Bộ GD-ĐT dự kiến điều chỉnh trong quy chế tuyển sinh, thí sinh khi đăng ký cần lưu ý: với các phương thức khác phương thức điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2022, thí sinh cần đăng ký trước với cơ sở đào tạo nơi các em muốn vào học theo đúng mốc thời gian mà các cơ sở đào tạo thông báo; thí sinh đã đủ điều kiện trúng tuyển cần tiếp tục khai báo trên cổng thông tin của Bộ GD-ĐT. Đặc biệt, khi đăng ký thứ tự nguyện vọng trên cổng thông tin của bộ, thí sinh phải lưu ý đặt các thứ tự ưu tiên theo nguyện vọng mong muốn từ cao xuống thấp.
Trong khi đó, theo đại diện nhiều trường đại học, nếu Bộ GD-ĐT vẫn đưa những dự kiến thay đổi về xét tuyển vào quy chế tuyển sinh năm 2022 thì sẽ rất rối. Hiện nay, các trường sử dụng phương thức xét tuyển khác với phương thức điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2022 đang chựng lại để chờ quy chế.
Các trường cũng đã nêu những kiến nghị và đề nghị cần được tự chủ trong tuyển sinh, linh hoạt trong cách xét tuyển cũng như thí sinh được lựa chọn các phương thức xét tuyển. Thí sinh có thể chọn nhiều phương thức xét tuyển và nếu trúng tuyển ở các phương thức đã chọn ở nhiều trường thì thí sinh có quyền được quyết định chọn trường để học.