Tỷ lệ ảo ít nhất 70%
Theo TS Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm Khảo thí và đánh giá chất lượng giáo dục đào tạo, Đại học Quốc gia (ĐHQG) TPHCM, trong năm 2023, ĐHQG TPHCM dành tối đa 5% tổng chỉ tiêu đối với phương thức xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển theo quy chế tuyển sinh của Bộ GD-ĐT.
Theo đó, có 567 thí sinh đăng ký và 207 thí sinh trúng tuyển, nhưng tỷ lệ nhập học chỉ đạt 33,75% so với chỉ tiêu (đạt 0,5% so với tổng chỉ tiêu), giảm so với năm 2022 (0,68%). Trong đó, duy nhất Trường ĐH Công nghệ thông tin có tỷ lệ nhập học cao nhất, đạt 80,56%; những đơn vị thành viên còn lại có tỷ lệ nhập học dao động 0,04%-3,18% chỉ tiêu. Riêng phân hiệu tại Bến Tre và Khoa Chính trị - Hành chính không có thí sinh nào nhập học. Tương tự, năm 2023, Trường ĐH Công nghiệp TPHCM cũng dành 5% chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển thẳng theo quy chế tuyển sinh của Bộ GD-ĐT. Tuy nhiên, thí sinh nhập học chưa đạt 30% chỉ tiêu cần tuyển.
Ghi nhận tại nhiều trường ĐH khác tại TPHCM như Trường ĐH Mở TPHCM, Trường ĐH Công thương TPHCM, ĐH Kinh tế TPHCM, Trường ĐH Tài chính Marketing TPHCM, Trường ĐH Nông Lâm TPHCM..., tỷ lệ thí sinh thuộc diện xét tuyển thẳng trúng tuyển nhập học chỉ khoảng 15%-20% chỉ tiêu cần tuyển. Lý giải về tình trạng ảo này, TS Nguyễn Trung Nhân, Trưởng Phòng Đào tạo, Trường ĐH Công nghiệp TPHCM, cho rằng: Đây là thực tế chung của nhiều trường trong xét tuyển bằng phương thức xét tuyển thẳng. Thí sinh thuộc diện này được quyền đăng ký vào bất cứ ngành hoặc trường nào mình thích. Và thường thì một thí sinh diện tuyển thẳng đăng ký vào rất nhiều trường và nhiều ngành. Tuy nhiên, phần lớn các em tập trung vào những trường tốp đầu của ĐHQG Hà Nội và ĐHQG TPHCM, Trường ĐH Y Dược TPHCM, Trường ĐH Y Hà Nội... Do đó, đa phần các em đăng ký nguyện vọng 1 vào những ngành như Y khoa, Răng hàm mặt, Công nghệ thông tin, Trí tuệ nhân tạo... Số lượng thí sinh cả nước thuộc diện xét tuyển thẳng không nhiều, nhưng tất cả các trường đều phải thực hiện phương thức xét tuyển này (bắt buộc) nên tất yếu dẫn đến tình trạng ảo.
Trúng tuyển rồi bỏ học
Hiện nay, thí sinh được tuyển thẳng thuộc đối tượng thứ tư (thí sinh khuyết tật đặc biệt, thí sinh là người dân tộc thiểu số rất ít người và thí sinh thuộc 20 huyện nghèo biên giới, hải đảo thuộc khu vực Tây Nam bộ) được giám đốc, hiệu trưởng các trường xem xét tiếp nhận vào học với điều kiện phải học 1 năm bổ sung kiến thức trước khi vào học chính thức. Tuy nhiên, hiện nay đối tượng thí sinh diện này hầu như không đăng ký.
Thống kê của Bộ GD-ĐT cho thấy, trong giai đoạn đầu thực hiện chính sách ưu tiên xét tuyển thẳng (2012-2015), cả nước đã xét tuyển được hàng ngàn thí sinh vào ĐH và cao đẳng (CĐ). Tuy nhiên, từ năm 2017 đến nay, số thí sinh đăng ký thuộc diện này gần như không có. Tìm hiểu tại các trường ĐH, CĐ tại TPHCM, giai đoạn 2012-2017, số thí sinh các huyện nghèo được tuyển thẳng là 1.312, nhưng vỏn vẹn chỉ có 77 thí sinh theo học. Riêng các trường thành viên của ĐHQG TPHCM xét 193 thí sinh trúng tuyển, nhưng chỉ có 27 thí sinh theo học. Trường ĐH Tài chính Marketing TPHCM có 188 thí sinh trúng tuyển, chỉ có 13 thí sinh theo học. Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM có 3/179 thí sinh trúng tuyển theo học (đặc biệt năm 2015, toàn bộ 103 thí sinh trúng tuyển đều bỏ học). Trường ĐH Sài Gòn có 3/125 thí sinh trúng tuyển theo học. Và từ năm 2018 đến nay, các trường ĐH tại TPHCM không có thí sinh nào đăng ký xét tuyển.
Theo Th.S Hứa Minh Tuấn, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính Marketing TPHCM, chính sách tuyển thẳng thí sinh vùng đặc biệt khó khăn vào ĐH, CĐ là rất nhân văn. Song, khi thực hiện có rất nhiều bất cập mà Bộ GD-ĐT chưa tính toán cho phù hợp. Chính vì vậy mà hiện nay, hầu như không có thí sinh nào đăng ký theo học. Cái khó của thí sinh diện này trước hết là vấn đề tài chính, mà học phí luôn tăng là trở ngại lớn nhất. Trở ngại tiếp theo là các em đều ở những vùng khó khăn, dù có học bổ sung kiến thức 1 năm nhưng khi vào chương trình ĐH, CĐ chính thức, các em vẫn theo không kịp, bởi đa phần các em có học lực rất yếu.
Trong khi đó, theo đại diện nhiều trường ĐH, việc tạo điều kiện cho thí sinh vùng khó khăn có cơ hội tiếp cận ĐH là chính sách đúng đắn của Nhà nước. Nhưng cùng với đó, không chỉ Bộ GD-ĐT mà các bộ, ngành cùng địa phương phải cùng nghiên cứu các lời giải, như: nhu cầu từng ngành nghề phù hợp với địa phương, đầu ra như thế nào cho người học và kèm theo cả bài toán học phí…
Theo Quy chế tuyển sinh ĐH năm 2024, Bộ GD-ĐT quy định có 4 nhóm đối tượng được xét tuyển thẳng vào trường ĐH. Từ nay đến ngày 30-6, thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển thẳng. Từ ngày 1-7 đến ngày 10-7, các trường ĐH thực hiện xét tuyển và công bố kết quả cũng như danh sách thí sinh trúng tuyển trên hệ thống tuyển sinh chung của Bộ GD-ĐT. Từ ngày 22-7 đến 17 giờ ngày 31-7, thí sinh trúng tuyển thẳng xác nhận nhập học trên hệ thống của Bộ GD-ĐT. Thí sinh thuộc diện tuyển thẳng nếu trúng tuyển nhưng không nhập học vẫn được quyền đăng ký ưu tiên xét tuyển ở các phương thức xét tuyển khác.