Thận trọng với điểm sàn thấp
Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, điểm sàn (điểm đủ điều kiện xét tuyển) dành cho phương thức xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2024 dao động từ 14,5 đến 24,5 điểm. Riêng điểm sàn 2 khối ngành sức khỏe và sư phạm do Bộ GD-ĐT quyết định bằng với điểm sàn năm 2023.
Điểm đáng chú ý là điểm sàn năm nay có sự đổi ngôi khi không phải khối ngành sức khỏe dẫn đầu mà chính là ngành sư phạm ở các trường ĐH lớn vượt lên dẫn đầu. Trong đó, điểm sàn ngành Sư phạm Toán của Trường ĐH Sài Gòn dẫn đầu cả nước với 24,5 điểm (năm 2023 điểm chuẩn, điểm trúng tuyển của ngành này là 26,31 điểm).
Tiếp đến là Trường ĐH Sư phạm TPHCM - trường duy nhất có 9 ngành điểm sàn tăng đến 1 điểm so với năm 2023. Theo đó, 3 ngành Sư phạm Toán học, Ngữ văn, Tiếng Anh cùng mức điểm sàn cao nhất là 24 điểm (năm 2023 là 23 điểm); các ngành Sư phạm Lịch sử - Địa lý, Sinh học, Lịch Sử, Địa lý, Giáo dục chính trị, Giáo dục quốc phòng - an ninh có điểm sàn từ 21-23 điểm (tăng 1 điểm so với năm 2023).
ThS Lê Phan Quốc, Phó trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm TPHCM, cho biết, sở dĩ điểm sàn một số ngành sư phạm tăng do nhiều nguyên nhân. Trước tiên là một số trường tăng chỉ tiêu các phương thức xét tuyển sớm (xét tuyển bằng điểm các kỳ thi riêng, theo đề án của các trường...). Kế đến là chỉ tiêu sư phạm được Bộ GD-ĐT cắt giảm. Cuối cùng là điểm thi tăng nhẹ so với năm ngoái. Do đó, các trường có thế mạnh đào tạo khối ngành sư phạm đã đưa ra mức điểm sàn cao hơn năm ngoái nhằm giúp thí sinh có sự tính toán và chuyển hướng sang một số ngành sư phạm ở những trường có mức điểm sàn thấp hơn.
Theo một chuyên gia tuyển sinh của Đại học Quốc gia TPHCM, thí sinh hiện có sự nhầm lẫn giữa điểm sàn và điểm chuẩn. Điểm sàn là điểm đủ điều kiện để thí sinh đăng ký xét tuyển; còn điểm chuẩn (điểm trúng tuyển) sau khi các trường thực hiện xét tuyển để quyết định mức điểm trúng tuyển dựa trên chỉ tiêu và số nguyện vọng đăng ký (thường thì điểm chuẩn cao hơn điểm sàn đến vài điểm).
“Kinh nghiệm tuyển sinh cho thấy, những ngành có điểm chuẩn 2 năm gần nhất từ 25-27 điểm mà năm nay nhiều trường vẫn lấy điểm sàn 18-20 điểm thì tốt nhất thí sinh có mức điểm 22-23 nên tránh đăng ký vì khó có khả năng trúng tuyển. Thí sinh còn 1 ngày để kiểm tra và cân nhắc điều chỉnh nguyện vọng cho phù hợp với điểm của mình, tránh tình trạng thấy điểm sàn thấp mà vội vàng đăng ký, vô tình làm mất cơ hội của mình ở những trường khác”, vị chuyên gia chia sẻ.
Chọn ngành theo sở trường, đam mê
Theo ThS Nguyễn Thị Kim Phụng, Phó giám đốc Trung tâm tuyển sinh và Quan hệ doanh nghiệp, Trường ĐH Tài chính Marketing TPHCM, với kết quả điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2024 thì mức điểm chuẩn của phương thức xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT năm nay rất khó lường.
Do đó, nếu thí sinh đã trúng tuyển ở các phương thức xét tuyển sớm vào ngành, trường mình yêu thích, đam mê thì nên ưu tiên xác nhận và đăng ký nguyện vọng 1. Nếu điểm thi tốt nghiệp cao, thí sinh muốn đăng ký để khi trúng tuyển có thể đạt mức học bổng theo quy định của các trường thì hãy tự tin đăng ký nguyện vọng 1. Nhưng để chắc chắn, thí sinh nên đăng ký nguyện vọng trúng tuyển các phương thức xét tuyển sớm ở nguyện vọng 2. Bởi lẽ, nếu rớt nguyện vọng 1 ở điểm thi tốt nghiệp thì Hệ thống xét tuyển chung của Bộ GD-ĐT sẽ xét đến nguyện vọng 2 cho thí sinh.
TS Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Công nghiệp, chia sẻ, thí sinh hiện vẫn còn tâm lý trúng tuyển bằng các phương thức xét tuyển sớm (xét học bạ, các kỳ thi riêng...) không “oách” như trúng tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT. Tuy nhiên, thực tế, nhiều trường ĐH lớn vẫn dành học bổng cho những thí sinh trúng tuyển điểm cao.
Đặc biệt, kết quả khảo sát và đối sánh từ kết quả học tập của thí sinh trúng tuyển bằng phương thức xét tuyển sớm lại tốt hơn so với thí sinh trúng tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT. Từ đó cho thấy, nếu thí sinh đã trúng tuyển sớm vào ngành đã đăng ký thì hãy tự tin đăng ký nguyện vọng 1 trên hệ thống. Cuộc đua xét tuyển ở điểm thi tốt nghiệp THPT chỉ thí sinh có điểm thi cao từ 24-25 điểm trở lên mới có nhiều hy vọng và lợi thế.
Nhiều năm làm công tác tư vấn tuyển sinh và quản lý đào tạo, TS Trần Đình Lý, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TPHCM, lưu ý: Thứ nhất, thí sinh cần xác định tầm quan trọng của việc chọn ngành, nghề, phải tìm hiểu nghề trước, sau đó xem học ngành nào để làm nghề phù hợp, trường nào đào tạo ngành? Thứ hai, thí sinh nên lượng sức mình, không nên chọn những nghề thật… cao siêu mà năng lực của mình khó với tới. Các tiêu chí để thí sinh tham khảo gồm điểm chuẩn vài năm gần nhất, chỉ tiêu tuyển, nhu cầu xã hội, việc làm sau khi ra trường, điều kiện vị trí địa lý…
“Nghề nghiệp hiện nay rất đa dạng nhưng năng lực của con người thì có hạn, trong khi giới trẻ lại có quá nhiều ước mơ, mong mỏi. Sự lựa chọn nghề nghiệp đương nhiên là tự do, tự nguyện. Tuy nhiên, cũng có nhiều trường hợp thí sinh bị lệ thuộc vào quyết định của người khác. Bản thân thí sinh phải tự quyết định về tương lai của mình, không nên đăng ký vào ngành mình không yêu thích hoặc chọn bậc học không tương xứng”, TS Trần Đình Lý nhấn mạnh.