Xét tuyển đại học năm 2023: Còn cơ hội cho thí sinh xét tuyển bổ sung

Ngày 8-9, thí sinh trúng tuyển đợt 1 kết thúc đăng ký xác nhận nhập học trên hệ thống của Bộ GĐ-ĐT. So với năm ngoái, năm nay, tỷ lệ thí sinh ảo ở trường công lập (chưa tự chủ) giảm; trong khi ở các trường công tự chủ và trường tư lại có tỷ lệ thí sinh trúng tuyển nhập học ít hơn. Do đó, dù chưa hết hạn nhập học nhưng nhiều trường đã thông báo tuyển bổ sung.
Thí sinh làm thủ tục nhập học tại Trường ĐH Công nghệ TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG
Thí sinh làm thủ tục nhập học tại Trường ĐH Công nghệ TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG

Nhiều trường công lập tuyển gần đạt 100% chỉ tiêu

Theo TS Trần Đình Lý, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TPHCM, tổng số thí sinh đăng ký vào trường năm nay hơn 30.000. Tính đến thời điểm này, thí sinh nhập học gần 4.300 chỉ tiêu (đạt 95% chỉ tiêu cần tuyển).

ThS Phan Lê Quốc, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm TPHCM, cho biết đến ngày 8-9, thí sinh trúng tuyển nhập học đạt 100%, thời điểm này năm trước chỉ đạt 90%-92%. Có thể do năm nay cách điều chỉnh trong xét tuyển nên ít thí sinh ảo, đồng thời một phần lớn cũng nhờ chính sách miễn giảm học phí và chính sách hỗ trợ sinh hoạt phí đối với sinh viên ngành sư phạm. Với Trường ĐH Tài chính Marketing TPHCM, tính đến ngày 8-9, thí sinh trúng tuyển xác nhận nhập học đạt 100% chỉ tiêu (trên 4.000 thí sinh). TS Lê Trung Đạo, Phó Hiệu trưởng nhà trường, cho biết, với tình hình này, trường sẽ không xét tuyển bổ sung.

Tại nhiều trường đại học tư, thí sinh trúng tuyển nhập học có tỷ lệ thấp hơn. Các trường ĐH: Công nghệ TPHCM, Kinh tế Tài chính TPHCM, Hoa Sen, Văn Lang, Nguyễn Tất Thành... tính đến ngày 8-9, chưa tới 90% thí sinh nhập học dù điểm chuẩn (điểm trúng tuyển) tương đương năm ngoái. Nhiều trường cho biết sẽ thông báo xét tuyển bổ sung từ 30%-40% chỉ tiêu sau ngày 10-9. Tương tự, nhiều trường đại học tại các địa phương cũng có tỷ lệ thí sinh trúng tuyển nhập học khá thấp, dao động 60%-70%.

Sinh viên làm thủ tục nhập học tại Trường ĐH Công nghiệp TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG

Sinh viên làm thủ tục nhập học tại Trường ĐH Công nghiệp TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG

Còn 7% thí sinh chưa trúng tuyển

Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, năm 2023, toàn quốc có hơn 1 triệu thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT, tỷ lệ tốt nghiệp đạt 98,88%. Tỷ lệ số thí sinh đăng ký xét tuyển vào đại học chiếm 65,9% so với số thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT (năm 2022 tỷ lệ này là 61,34%). Trong đợt 1, số lượng thí sinh trúng tuyển trên hệ thống sau lọc ảo là hơn 610.000 thí sinh (đạt 92,7% trong tổng số hơn 660.000 thí sinh đăng ký xét tuyển vào đại học, cao đẳng năm 2023). Tối 8-9, Bộ GD-ĐT cho biết đã có 494.488 thí sinh xác nhận nhập học đợt 1. Như vậy, có khoảng hơn 7% thí sinh chưa trúng tuyển có thể xét tuyển bổ sung vào các cơ sở giáo dục đại học. Ngoài ra, những thí sinh đã trúng tuyển đợt 1 nhưng vì nhiều lý do khác nhau nên không xác nhận nhập học đợt 1 cũng có thể tham gia xét tuyển bổ sung.

Trong lúc chưa hết hạn thí sinh xác nhận nhập học trực tuyến trên hệ thống tuyển sinh chung của Bộ GD-ĐT, hàng loạt trường đại học đã thông báo xét tuyển bổ sung hàng ngàn chỉ tiêu. Chẳng hạn, Học viện Nông nghiệp Việt Nam tuyển bổ sung 320 chỉ tiêu bằng cách xét học bạ. Một số trường đại học tư cũng xét tuyển bổ sung kéo dài đến giữa tháng 9 như Trường ĐH Dân lập Phương Đông tuyển bổ sung 230 chỉ tiêu; Trường ĐH CMC tuyển bổ sung thêm 234 chỉ tiêu cho 6 ngành học với phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT và xét học bạ…

PGS-TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD-ĐT) nhấn mạnh, sau 17 giờ ngày 8-9 (kể cả đối với các chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài), thí sinh không xác nhận nhập học nếu không có lý do chính đáng, coi như không trúng tuyển. Khi đó, thí sinh có thể tham gia xét tuyển bổ sung vào các trường đại học. Những thí sinh đã xác nhận nhập học sẽ không được đăng ký nguyện vọng xét tuyển tiếp theo, trừ các trường hợp được hiệu trưởng, giám đốc cơ sở đào tạo cho phép không nhập học. Từ ngày 9-9 đến tháng 12-2023, các cơ sở giáo dục đại học có thể tuyển sinh các đợt bổ sung theo quy định.

Theo TS Lê Xuân Thành, Trưởng phòng Công tác chính trị - Sinh viên, Trường ĐH Mỏ - Địa chất (Hà Nội), để xét tuyển bổ sung vào các trường đại học còn chỉ tiêu, thí sinh cần cập nhật, theo dõi thông tin mới nhất về xét tuyển bổ sung của trường mà mình dự định xét tuyển. Theo thông lệ, điểm chuẩn tuyển bổ sung chỉ tương đương đợt 1. Tuy nhiên, do nguồn tuyển bổ sung không còn nhiều nên một số ngành, trường học điểm chuẩn có thể biến động tăng. Vì vậy, thí sinh cần lưu ý, nghiên cứu kỹ lưỡng để chọn “điểm rơi” đúng và trúng. Khoảng cách an toàn nhất là có mức điểm cao hơn 3 điểm so mức điểm chuẩn đợt 1.

Tin cùng chuyên mục