Không chọn phương thức xét tuyển
Năm 2022, lần đầu tiên thí sinh cả nước đăng ký xét tuyển ĐH bằng hình thức trực tuyến. Thí sinh đăng ký ngành, trường ĐH phải kèm theo mã phương thức xét tuyển tương ứng. Trong số 20 phương thức xét tuyển, một số phương thức có tên gần giống nhau, khiến nhiều thí sinh nhầm lẫn, dẫn đến trượt ĐH. Do đó, Bộ GD-ĐT cho rằng việc các trường sử dụng quá nhiều phương thức gây nhiễu thông tin, trong khi một số phương thức không có hoặc rất ít thí sinh đăng ký. Ngoài ra, các phương thức xét tuyển chưa đảm bảo công bằng.
Theo TS Trần Đình Lý, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TPHCM, hiện nay việc tự chủ tuyển sinh được quy định tại Luật Giáo dục ĐH năm 2018 (tự chủ xét tuyển, thi tuyển và kết hợp giữa thi tuyển với xét tuyển). Do đó, mỗi ngành ở mỗi trường sẽ có nhiều phương thức xét tuyển như xét kết quả học bạ THPT; xét điểm thi tốt nghiệp THPT; xét kết quả các kỳ thi riêng; kết hợp giữa điểm thi tốt nghiệp THPT và điểm thi các môn văn hóa; xét tuyển theo cách phỏng vấn... Do đó, việc thí sinh không chọn phương thức xét tuyển mà để phần mềm tự làm sẽ khó khả thi và Bộ GD-ĐT nên cân nhắc trước khi áp dụng.
TS Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Công nghiệp TPHCM, cũng cho rằng phương thức xét tuyển mà Bộ GD-ĐT đưa ra khó khả thi. Nếu Bộ GD-ĐT vẫn áp dụng thì sẽ dẫn đến nhiều rắc rối và phức tạp. Việc lựa chọn phương thức xét tuyển là quyền của thí sinh, dựa trên đề án tuyển sinh mà các trường đã công bố. Đặc biệt, năm nay các trường chủ động xây dựng quy chế tuyển sinh kèm theo đề án tuyển sinh và công bố cho thí sinh biết. Vì vậy, ý tưởng đăng ký xét tuyển mà không cần chọn phương thức chắc chắn sẽ dẫn đến rối rắm vì phần mềm không thể biết hết các điều kiện xét tuyển của từng ngành ở từng trường.
Cơ sở dữ liệu chưa đồng bộ
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết, Bộ GD-ĐT đã hoàn thành, nghiệm thu và tập huấn các trường ĐH để sử dụng cơ sở dữ liệu ngành, cơ sở dữ liệu quốc gia về giáo dục ĐH (gọi tắt là HEMIS). Trong năm 2023, việc xác định chỉ tiêu sẽ dựa trên cơ sở dữ liệu này. Trong tháng 3, Bộ GD-ĐT có hướng dẫn chi tiết, đưa ra thời hạn cụ thể để các cơ sở đào tạo hoàn thiện cơ sở dữ liệu của mình, đặc biệt là những nội dung liên quan tới các điều kiện đảm bảo chất lượng, xác định chỉ tiêu, đội ngũ giảng viên cơ hữu, cơ sở vật chất, chương trình đào tạo.
Tuy nhiên, trên thực tế, việc triển khai này gặp nhiều vấn đề không như mong muốn. Điển hình như tại Trường ĐH Công nghiệp TPHCM, khi trường cung cấp dữ liệu cho một công ty (công ty này được Bộ GD-ĐT giao thực hiện HEMIS) thì kết quả gửi lại trường có đến 6 hiệu trưởng, trong khi hiện nay trường chỉ có 1 hiệu trưởng. Ngoài ra, trưởng khoa là giảng viên cơ hữu được tính để xác định chỉ tiêu thì HEMIS lại không tính. TS Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Công nghiệp TPHCM, cho rằng: Bộ GD-ĐT yêu cầu các trường hoàn thành cơ sở dữ liệu và cập nhật lên HEMIS vào ngày 31-3, nhưng cho đến nay mọi việc vẫn chưa thực hiện xong vì có quá nhiều vấn đề phát sinh.
Trong khi đó, nhiều trường ĐH khác tại TPHCM cho biết, một công ty liên tục gửi yêu cầu nhà trường cung cấp dữ liệu để cập nhật lên HEMIS. Tuy nhiên, các trường không cung cấp vì không biết công ty này là ai. Cuối tháng 3-2023, Bộ GD-ĐT mới có công văn giới thiệu công ty này cho các trường để cung cấp dữ liệu. Đại diện một trường ĐH lớn tại TPHCM cho hay: Trường có quy mô gần 30.000 sinh viên. Trong đề án tuyển sinh đã cung cấp và công khai các thông tin về quy mô đào tạo từng hệ (từ đại học đến sau đại học), đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất, các điều kiện đảm bảo chất lượng... đến mấy chục trang trên website của trường và cũng có gửi thông tin về Bộ GD-ĐT. Nay trường lại tiếp tục cung cấp cho một đơn vị mà họ không rành về tuyển sinh nên việc phối hợp không được thuận lợi. Nhiều thông tin nhà trường cung cấp cho đơn vị này, nhưng sau đó thông tin đơn vị gửi lại có nhiều chỗ sai và không chính xác.
Theo các chuyên gia tuyển sinh, việc Bộ GD-ĐT nỗ lực áp dụng công nghệ thông tin trong tuyển sinh là tín hiệu tích cực. Tuy nhiên, khi các điều kiện chưa đồng bộ, Bộ GD-ĐT nên đưa ra lộ trình phù hợp, không nhất thiết phải vội vàng để đẩy các trường vào thế bị động, khiến cho việc tuyển sinh thêm nhiều rối rắm.
Theo PGS-TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT), năm 2022, gần 48% thí sinh trúng tuyển bằng xét điểm thi tốt nghiệp; hơn 37% thí sinh trúng tuyển bằng học bạ; gần 2% thí sinh trúng tuyển từ điểm thi đánh giá năng lực, tư duy. Tỷ lệ trúng tuyển bằng các phương thức sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế như TOEFL, IELTS chiếm khoảng 0,9%. Phương thức xét tuyển kết hợp học bạ với phỏng vấn, xét thí sinh tốt nghiệp THPT nước ngoài chỉ chiếm lần lượt 0,01% và 0,02% số thí sinh trúng tuyển. Bộ GD-ĐT đề nghị các trường phân tích, thống kê, đánh giá kết quả học tập của sinh viên theo từng phương thức để loại bỏ phương thức xét tuyển không hiệu quả. Bộ GD-ĐT cũng đề xuất nghiên cứu dùng điểm thi tốt nghiệp làm điều kiện sơ tuyển đầu vào đại học.