Xét tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú năm 2020 ​

Bộ Giáo dục-Đào tạo (GD-ĐT) vừa có hướng dẫn các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành triển khai việc xét tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú (NGND, NGƯT) lần thứ 15 -2020. Thời gian nộp hồ sơ trước ngày 20-3-2020.


Nhà giáo có thành tích xuất sắc được xét tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú
Nhà giáo có thành tích xuất sắc được xét tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú

Danh hiệu NGND được xét tặng cho các nhà giáo đã được phong tặng danh hiệu NGƯT và sau đó tiếp tục đạt được các tiêu chuấn quy định.

Danh hiệu NGND, NGƯT là danh hiệu vinh dự nhà nước nhằm tôn vinh các giáo viên, giảng viên trực tiếp giảng dạy. Cán bộ quản lý (CBQL) giáo dục có đủ số năm trực tiếp giảng dạy mới đủ điều kiện đề nghị xét tặng danh hiệu NGND, NGƯT. Thời gian làm CBQL giáo dục nhưng vẫn tham gia giảng dạy kiêm nhiệm được tính là thời gian công tác trong ngành giáo dục nhưng không được tính là thời gian trực tiếp giảng dạy.

Thời gian giảng dạy hợp đồng của nhà giáo do cơ quan có thẩm quyền ký theo quy định của pháp luật được tính là thời gian trực tiếp giảng dạy.

Bộ GD-ĐT lưu ý, nhà giáo, CBQL giáo dục có quyết định nghỉ theo chế độ bảo hiểm xã hội từ tháng 1-2017 cho đến thời điểm đề nghị xét tặng, thuộc đối tượng đề nghị xét tặng danh hiệu NGND, NGƯT năm 2020.

Tiêu chuẩn thành tích liền kề năm đề nghị xét tặng là thành tích liền kề năm có quyết định nghỉ chế độ bảo hiểm xã hội. Các nhà giáo đã nghỉ theo chế độ bảo hiểm xã hội tiếp tục giảng dạy, quản lý tại các cơ sở giáo dục ngoài công lập thuộc đối tượng xét tặng danh hiệu NGND, NGƯT khi có hợp đồng giảng dạy cơ hữu tại các cơ sở giáo dục ngoài công lập và tham gia xét tặng danh hiệu thi đua hằng năm.

Tại thời điểm đề nghị xét tặng danh hiệu NGND, NGƯT, nhà giáo, CBQL giáo dục công tác tại địa bàn nào thì áp dụng tiêu chuẩn xét tặng tại địa bàn đó; nhà giáo, CBQL giáo dục thuộc đối tượng nào thì áp dụng tiêu chuẩn xét tặng của đối tượng đó.

 Cũng theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT, trong cùng 1 năm, nhà giáo đạt danh hiệu giáo viên, giảng viên dạy giỏi cấp cơ sở và chiến sĩ thi đua cơ sở thì chỉ tính 1 thành tích. Trong cùng 1 năm, nhà giáo đạt danh hiệu giáo viên, giảng viên dạy giỏi cấp cơ sở, chiến sĩ thi đua cơ sở và giáo viên, giảng viên dạy giỏi cấp tỉnh, bộ, chiến sĩ thi đua cấp tỉnh, bộ thì được tính 1 thành tích cấp cơ sở và 1 thành tích cấp tỉnh, bộ.

Tiêu chuẩn thành tích nhà giáo trực tiếp giảng dạy, bồi dưỡng học sinh, sinh viên đoạt huy chương hoặc đạt giải trong các kỳ thi quốc gia và quốc tế do cơ sở giáo dục nơi nhà giáo công tác và cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp xác nhận.

Thành tích năm liền kề năm đề nghị xét tặng là thành tích đạt được trong năm học 2018-2019 đối với các nhà giáo, CBQL giáo dục thuộc diện xét khen thưởng theo năm học và năm 2019 đối với các nhà giáo, CBQL giáo dục thuộc diện xét khen thưởng theo năm công tác.

Với nhà giáo, CBQL giáo dục đạt được thành tích đủ điều kiện thay thế tiêu chuẩn sáng kiến theo quy định thì mỗi thành tích được tính thay thế 1 sáng kiến. Tiêu chuẩn “tác giả chính 2 sách chuyên khảo” được hiểu là chủ biên hoặc đồng chủ biên sách chuyên khảo có từ 2 tác giả trở lên.

Bộ GD-ĐT yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh thành triển khai việc xét tặng danh hiệu NGND, NGƯT bảo đảm chính xác, công bằng, công khai, dân chủ và tự nguyện; chú trọng tới nhà giáo trực tiếp nuôi dạy, giảng dạy, nhà giáo là nữ, nhà giáo, CBQL giáo dục là người dân tộc ít người, nhà giáo công tác tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Việc xét tặng cần thực hiện đúng đối tượng, đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục và thời gian quy định.

Tin cùng chuyên mục