Theo đó, việc sửa luật có nhiều thay đổi đáng chú ý như miễn học phí tới cấp THCS; lương nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bảng lương; nâng chuẩn giáo viên… Đây là dự thảo lần 2, được lấy ý kiến đến ngày 16-1-2018. Theo kế hoạch, tháng 5-2018, dự thảo sẽ được trình Quốc hội và thông qua vào kỳ họp cuối năm. Dự thảo đang nhận được quan tâm của dư luận với nhiều ý kiến trái chiều.
Đề xuất lương giáo viên cao nhất khối hành chính sự nghiệp
Đáng chú ý nhất là sửa đổi, bổ sung về tiền lương của nhà giáo, xác định được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp. Theo Bộ GD-ĐT, dù đang xin ý kiến Chính phủ nhưng bộ cho rằng hiện nay nhìn chung lương của nhà giáo còn thấp, đặc biệt là giáo viên ở bậc giáo dục mầm non, phổ thông. Vì vậy, cần phải có cơ chế, chính sách tháo gỡ vấn đề này và cần thể chế hóa quan điểm của Đảng trong Nghị quyết số 29-NQ/TW (lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp) vào Luật Giáo dục.
Dự thảo cũng nêu, nhà giáo được hưởng phụ cấp ưu đãi theo nghề, phụ cấp thâm niên và các phụ cấp khác theo quy định của Chính phủ. Nhà nước có chính sách bồi dưỡng nhà giáo về chuyên môn, nghiệp vụ để nâng cao trình độ và chuẩn hóa nhà giáo. Nhà giáo được cử đi học nâng cao trình độ, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ được hưởng lương và phụ cấp theo quy định của Chính phủ. Bộ trưởng Bộ GD-ĐT quy định về chuẩn nghề nghiệp nhà giáo.
Dự thảo cũng nêu miễn học phí đến bậc THCS cho học sinh công lập (hiện mới miễn học phí cho học sinh tiểu học công lập) để thực hiện phổ cập giáo dục.
Tuy nhiên, khi nội dung này được đưa ra, nhiều chuyên gia giáo dục đã lên tiếng phản biện với những nghi ngại ban đầu. Đa phần ý kiến ủng hộ phải cấp bách tăng lương cho giáo viên, nhưng tăng lương giáo viên ở mức cao nhất trong khối hành chính sự nghiệp thì có khả thi không, khi mà ngân sách nhà nước luôn gặp khó khăn, còn tình hình nợ công thì vẫn gia tăng với nhiều lo lắng như hiện tại?
Tránh thực hiện duy ý chí
GS Nguyễn Lân Dũng cho rằng liệu có thực hiện được điều đó hay không, khi mà tới đây số lượng giáo viên còn tăng thêm nhiều “một cách không tưởng” khi thực hiện chương trình, sách giáo khoa phổ thông mới, do phải thực hiện dạy ngoại ngữ từ lớp 3 cũng như dạy tin học từ cấp 1 (theo tính toán, chương trình giáo dục phổ thông mới trong cả giai đoạn cần bổ sung thêm khoảng 2.700 giáo viên âm nhạc và 2.700 giáo viên mỹ thuật đối với cấp THPT; 3.828 giáo viên tiếng Anh để dạy chương trình mới từ lớp 3, lớp 4, lớp 5). “Chúng ta định xếp lương cho giáo viên cao nhất, liệu có bảo đảm nguồn lực không? Cả nước có khoảng gần 1 triệu giáo viên, rồi tới đây tăng thêm cả vạn giáo viên cho các môn mới nữa, chúng ta có đủ tiền để làm không?”, GS Nguyễn Lân Dũng chia sẻ.
Ông cũng cho biết hoàn toàn ủng hộ việc tăng lương cho giáo viên, nhưng tăng bao nhiêu, lộ trình thế nào, phải tính toán kỹ, tránh tình trạng nói ra rồi không làm được thì “sẽ mang tiếng với xã hội”, bởi nguồn lực của Nhà nước là rất hạn hẹp. Tương tự, đề xuất miễn học phí cho học sinh công lập khối THCS cũng vậy, rất khó thực hiện nếu chúng ta không bảo đảm nguồn. “Phải tính toán thật kỹ số lượng giáo viên tăng thêm trong thời gian tới, cũng như việc miễn học phí cho số đông học sinh công lập đến hết THCS sẽ tác động thế nào đến ngân sách quốc gia. Chúng ta đều muốn, nhưng phải liệu cơm gắp mắm”, GS Nguyễn Lân Dũng nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Túc, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về các vấn đề xã hội của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, chia sẻ rằng vốn là nhà giáo, ông ủng hộ chủ trương tăng lương lên mức cao nhất cho giáo viên, nhưng vấn đề ở chỗ là có thực hiện được không? “Chúng ta đang lo lắng nợ công quá cao, ngân sách thì khó khăn, nay vẽ ra viễn cảnh đẹp đẽ thế thì ai cũng vỗ tay hoan hô cả, nhưng liệu có thực hiện được không? Tiền lấy từ đâu để làm thì phải tính hết sức cụ thể, đừng thực hiện một cách duy ý chí”, ông Nguyễn Túc nói.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, đã đến lúc phải thực hiện việc tăng lương cho giáo viên cũng như miễn học phí cho học sinh THCS, vì đó là chủ trương đã có từ lâu mà chúng ta chưa thực hiện được. GS Đào Trọng Thi, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, cho rằng luật đã quy định phổ cập giáo dục THCS, đã phổ cập thì phải miễn học phí, chúng ta chưa thực hiện do chưa có nguồn lực. Nay phải đặt vấn đề thực hiện, để bảo đảm đó vừa là quyền lợi vừa là trách nhiệm dành cho trẻ em ở lứa tuổi này. Với băn khoăn về ngân sách, GS Đào Trọng Thi cho rằng đã đến lúc chúng ta cần tập trung vào cấp học phổ thông và thực hiện xã hội hóa nhiều hơn với cấp học khác.
Về việc xếp lương giáo viên ở mức cao nhất, theo GS Đào Trọng Thi, từ Nghị quyết Trung ương khóa VIII năm 1996 đã quy định lương giáo viên là cao nhất trong thang bậc lương hành chính sự nghiệp. Điều này tiếp tục được nhắc lại trong Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT. Nghị quyết của Đảng đã rất rõ, nhưng Nhà nước thực hiện ở mức chưa đầy đủ, vì vậy phải luật hóa để triển khai. Tuy nhiên, GS Đào Trọng Thi cũng cho rằng “việc thực hiện được là không dễ dàng”.
Trao đổi với phóng viên Báo SGGP vào chiều 23-11, một số đại biểu Quốc hội cho rằng ai cũng muốn tăng lương cho giáo viên ở mức cao nhất. Nhưng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục cả nước lên tới khoảng 2 triệu người, liệu ngân sách có đáp ứng được không?
Theo Bộ GD-ĐT, tính đến hết năm 2016, lương của giáo viên từ 3 - 10 triệu đồng/tháng, tùy theo thâm niên công tác. Việc áp dụng hệ thống thang bảng lương hiện hành chưa theo mức độ phức tạp của công việc (chẳng hạn giáo viên mầm non, giáo viên tiểu học ở cùng một hạng có chung một bảng lương), trong khi mức lương cơ sở còn thấp so với lương tối thiểu. Do đó, bộ phận giáo viên trẻ có thu nhập thấp hơn lương tối thiểu vùng, trong khi họ phải tham gia đào tạo ít nhất 2 năm. Khoảng cách giữa các bậc lương còn thấp (0,20; 0,31; 0,33...) nên việc tăng lương chưa cải thiện nhiều thu nhập của giáo viên.