Xếp hạng GRDP các địa phương: Cao chưa vội mừng, thấp chưa vội nản

Năm 2023, cả nước có 59 địa phương ghi nhận tăng trưởng dương và 4 địa phương tăng trưởng âm. Trong đó, 7 tỉnh thành tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ở mức 2 con số. Nếu mặt bằng GRDP như vậy thì GDP phải cao hơn mức 5,05% như đã thấy.

Nguyên do cao - thấp

Nhìn vào bảng xếp hạng GRDP các địa phương ta có thể thấy nhiều điều thú vị. Bắc Giang là địa phương có tốc độ tăng trưởng GRDP cao nhất cả nước, tăng 13,45% so với năm trước đó; là năm thứ 4 liên tiếp Bắc Giang tăng trưởng cao. Đây là kết quả khá ấn tượng, nhất là khi địa phương lân cận là Bắc Ninh lại có mức sụt giảm tới -9,28%. Một tỉnh láng giềng khác, Thái Nguyên có mức tăng 5,01%, thấp hơn một chút so với mức tăng GDP của cả nước.

Cùng nằm trong vùng đồng bằng sông Hồng, 3 tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh và Thái Nguyên có cơ cấu kinh tế tương tự nhau, không có sự khác biệt nhiều. Cả 3 tỉnh đều đón nhận lượng vốn lớn của cùng một nhà đầu tư nước ngoài: Samsung. GRDP của cả 3 đều có sự phụ thuộc lớn vào khả năng xuất khẩu của nhà sản xuất này. Việc GRDP của Bắc Ninh giảm mạnh, còn Thái Nguyên ở mức trung bình thấp có thể là do trong bối cảnh thị trường xuất khẩu thu hẹp, nhà đầu tư lựa chọn tập trung sản xuất ở cơ sở Bắc Giang, giảm hoạt động tại các địa bàn khác.

cn1g-4405.jpg
Hoạt động sản xuất của Samsung đóng góp lớn vào tăng trưởng GRDP 3 tỉnh: Bắc Giang, Bắc Ninh và Thái Nguyên. Ảnh: VIẾT CHUNG

Một tỉnh điển hình khác là Nam Định có mức tăng GRDP rất cao, lần đầu tiên ghi nhận GRDP đạt mức tăng trưởng hai con số (10,19%). Đây là điều rất đáng khích lệ, nhưng cũng phải thấy là GRDP của địa phương này vốn khá nhỏ, có thể chỉ cần một dự án lớn là đủ “đẩy” được tăng trưởng lên cao dựa trên mức nền khá thấp của những năm trước đó.

Với Bà Rịa - Vũng Tàu, một địa phương vốn có GRDP lớn, nhưng một số năm gần đây đều giảm là do công nghiệp khai thác dầu thô và khí đốt (chiếm 35,7% kinh tế Bà Rịa - Vũng Tàu sụt giảm sản lượng bởi chịu sự tác động mạnh mẽ của thị trường thế giới. Số liệu của Cục Thống kê tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho thấy GRDP tính cả dầu khí ước năm 2023 giảm 1,02% so cùng kỳ năm trước; còn nếu trừ dầu khí, ước tính GRDP của Bà Rịa - Vũng Tàu năm 2023 tăng 5,75% so với cùng kỳ năm trước.

Quảng Nam là địa phương có GRDP (-8,2%) thuộc nhóm âm và cũng là tỉnh phụ thuộc lớn vào công nghiệp ô tô. Trong khi đó, thị trường ô tô trong nước năm qua tiêu thụ rất ít. Theo Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), năm 2023, tổng doanh số bán hàng của toàn thị trường Việt Nam đạt 301.898 xe, so với năm 2022 giảm 25% (404.635 xe).

Một số địa phương có GRDP giảm sâu là những tỉnh không xuất khẩu mạnh (Sơn La, Lai Châu, Hà Giang …), cho thấy giảm tiêu dùng nội địa tác động mạnh đến thu nhập của địa phương đó.

Với mức tăng trưởng chỉ 2,58%, trường hợp của Đà Nẵng - một địa phương có thế mạnh du lịch - cho thấy mức độ phục hồi của du lịch chưa thực sự mạnh mẽ.

GRDP không phải là chỉ dấu đáng tin cậy nhất phản ánh nhịp độ phát triển của địa phương. Không nên chỉ nhìn vào số liệu 1 năm để đánh giá nỗ lực của một tỉnh, thành phố.

Cần phát triển cân đối

Từ những phân tích trên, có thể thấy các yếu tố bên ngoài tác động rất lớn đến tăng trưởng của địa phương, nhưng cầu tiêu dùng trong nước cũng là yếu tố quan trọng không kém. Cơ cấu kinh tế quá phụ thuộc về một mảng nào đó (thiên lệch quá nhiều về công nghiệp như Bình Dương hay quá nhiều về dịch vụ như Đà Nẵng) thì sức chống chịu kém hơn, mức độ dao động lớn hơn trước những biến động thị trường. Nói cách khác, để sức chống chịu tốt hơn, GRDP tăng trưởng ổn định, thì nên chú ý phát triển cân bằng.

cn2c-2269.jpg

Nhìn chung, qua phân tích GRDP nhiều năm, có thể thấy các địa phương phụ thuộc nhiều vào nông nghiệp có mức độ dễ bị tổn thương cao hơn. Vì thế, chính sách cần thiết kế theo hướng hỗ trợ nhiều hơn cho các tỉnh này đa dạng hóa kinh tế, mở rộng kết nối với thị trường. Xây dựng những con đường và hạ tầng giao thông là rất cần thiết và đúng đắn, nhưng chỉ như thế thôi là chưa đủ.

Hiện nay phương pháp tính toán GRDP đã được thống nhất, mức độ sai lệch so với thực tế đã giảm, nhưng mức độ chính xác của số liệu đầu vào vẫn là vấn đề đáng xem xét. Cá biệt, không loại trừ trường hợp vì chạy theo thành tích cho địa phương mà số liệu công bố có chỗ rất đáng băn khoăn. Thậm chí, để hướng đến tư duy phát triển vùng, tránh tâm lý cát cứ, tạo ra “63 nền kinh tế” cạnh tranh không lành mạnh, thì không nên đặt nặng việc tính toán GRDP của địa phương như một tiêu chí để đánh giá mức độ phát triển hay thành tích của lãnh đạo địa phương.

Các chỉ dấu đáng quan tâm hơn nhiều là việc làm cho người lao động và thu nhập bình quân đầu người. Đây là những chỉ số phản ánh mức độ phát triển và đời sống của người dân tốt hơn nhiều. Thực tế có những địa phương GRDP rất lớn, nhưng phần lớn số thu của họ là “thu hộ” các khoản thuế sẽ chuyển về ngân sách trung ương, hoặc chuyển ra nước ngoài, còn thu nhập bình quân đầu người của người dân địa phương chỉ bằng 1/2 GRDP bình quân.

TS NGUYỄN ĐÌNH CUNG
Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương

Tin cùng chuyên mục