Xếp hạng giúp quản lý di tích được thuận lợi

Sau khi được công nhận di tích, việc quản lý di tích thuận lợi hơn rất nhiều. Công tác bảo tồn được nhận thức đầy đủ và hiệu quả. Khu vực di tích được quản lý nguyên hình nguyên dạng theo Luật Di sản văn hóa, không bị nhà dân xâm lấn...
Đoàn khảo sát khoanh vùng bảo vệ di tích tại Tu viện Hội Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm, quận 2, TPHCM. Ảnh: KIỀU PHONG
Đoàn khảo sát khoanh vùng bảo vệ di tích tại Tu viện Hội Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm, quận 2, TPHCM. Ảnh: KIỀU PHONG

Ý thức sâu sắc và trách nhiệm đối với di sản văn hóa, trong những năm qua, TPHCM luôn quan tâm công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản, đảm bảo sự hài hòa trong phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội. Mới nhất là việc TPHCM xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật cấp thành phố đối với Tu viện Hội Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm và Nhà thờ Thủ Thiêm (phường Thủ Thiêm, quận 2, TPHCM).

Thực tế, nhiều công trình sau khi được xếp hạng di tích đã được bảo vệ tốt hơn, giá trị di sản được bảo tồn và phát huy. Phóng viên Báo SGGP đã ghi nhận nhận xét của các Ban Quản lý, Ban Quản trị di tích về công tác bảo vệ, phát huy di tích đã được xếp hạng.

* Bà LÂM THỊ HOÀNG OANH, Trưởng Ban Quản lý Di tích Lịch sử Văn hóa Lăng Tả quân Lê Văn Duyệt (quận Bình Thạnh): Di tích vừa được phát huy, vừa được phát triển

Bà Lâm Thị Hoàng Oanh
Lăng Tả quân Lê Văn Duyệt được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng là di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia vào năm 1988 (gọi tắt là di tích). Lăng được nhiều thế hệ góp công xây dựng, mang đậm phong cách cổ truyền, được phối trí theo nguyên mẫu đặc thù Nam bộ, lưu giữ nét kiến trúc cổ kính giữa lòng thành phố hiện đại. Công trình được định hình là một kiến trúc uy nghi, có giá trị cao về lịch sử, văn hóa, kiến trúc.

Di tích mở cửa thường xuyên, ban quản lý không thu phí nhưng nhiều người đến tham quan, chiêm bái thường tùy tâm công đức. Chúng tôi dùng toàn bộ nguồn thu này để trả công người trông coi, quét dọn di tích, sửa chữa điện nước, cắt tỉa cây cối, chủ động sửa chữa nhỏ…

Từ khi được công nhận là di tích, công trình được quan tâm đầu tư tôn tạo, tu bổ nhiều hơn trước để giữ gìn kiến trúc cổ. Tất cả những hoạt động tôn tạo, trùng tu lớn đều được ngân sách cấp. Năm 2008-2010, quá trình trùng tu đã được ngân sách hỗ trợ thực hiện. Dự kiến sang năm 2020, ngân sách cũng tiếp tục hỗ trợ sửa chữa hàng rào bao quanh khuôn viên di tích

Khuôn viên di tích đã được đo đạc và năm 2019, di tích đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quy mô 15.000m². Toàn bộ khuôn viên được bảo vệ, không xảy ra tình trạng bị lấn chiếm. Đặc biệt, sau khi được xếp hạng, di tích có vị thế khác hẳn, được quảng bá nhiều hơn, nhiều người đến chiêm bái, tham quan, trong đó có rất nhiều học sinh, sinh viên nên giá trị của di tích được phát huy. Các hoạt động cộng đồng, lễ hội lớn của địa phương cũng được tổ chức tại lăng, tạo không khí vui tươi, nhộn nhịp.

* Ông PHẠM THANH LÂM, Trưởng Ban Quản lý Đình Chí Hòa (quận 10): Tôn vinh giá trị của di tích

Xếp hạng giúp quản lý di tích được thuận lợi ảnh 2 Ông Phạm Thanh Lâm
Đình Chí Hòa, trước đây tên là Đình Hòa Hưng và có từ trước năm 1850. Đình được xếp hạng là Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia từ năm 1996. Việc xếp hạng đã giúp tôn vinh giá trị của di tích. Chúng ta đều thấy rõ điều này, tầm cỡ của di tích quốc gia khác di tích thông thường khác.

Sau khi xếp hạng, việc bảo tồn di tích được thực hiện theo quy định của Luật Di sản văn hóa. Diện tích xây dựng của đình là trên 1.000m², khu vực khuôn viên được bảo vệ khoảng 2.000m². Trong đó, khu vực chính điện thì nghiêm cấm không được động chạm, di chuyển, thay đổi… Nếu có xuống cấp thì được ngân sách cấp kinh phí tu bổ. Cách đây 4 năm, đình được quận 10 hỗ trợ kinh phí chống xuống cấp. Mới đây, di tích được TPHCM tiếp tục hỗ trợ kinh phí cho công tác tôn tạo, trùng tu kiến trúc nghệ thuật lịch sử văn hóa.

Một điều rất tích cực là sau khi xếp hạng, toàn bộ di tích được bảo vệ, không còn tình trạng hộ dân tự ý lấn chiếm như trước khi di tích được xếp hạng. Nhờ tu bổ, tôn tạo và khai thác di tích có hiệu quả, đã góp phần quan trọng trong việc bảo vệ và phát huy giá trị tích cực, giáo dục truyền thống, nâng cao đời sống tinh thần cho người dân.

* Ông LƯ CHẤN LỢI, Trưởng Ban Quản trị Hội quán Tuệ Thành (quận 5): Công tác quản lý được thuận lợi hơn

Xếp hạng giúp quản lý di tích được thuận lợi ảnh 3 Ông Lư Chấn Lợi
Hội quán Tuệ Thành (miếu Bà Thiên Hậu) được công nhận là Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia từ năm 1993. Trước đó, cơ quan chức năng đo đạc, lập các bản vẽ mặt bằng quần thể di tích và làm các hồ sơ cần thiết. Quả thật, ban quản trị lúc đó cũng chưa hiểu lắm việc công nhận di tích thì có những lợi ích gì cho di tích, phạm vi khoanh vùng di tích thế nào. Nhưng sau khi tìm hiểu, chúng tôi hiểu rõ được lợi ích mang lại nên phối hợp với cơ quan chức năng thực hiện việc xếp hạng di tích.

Sau khi được công nhận di tích, việc quản lý di tích thuận lợi hơn rất nhiều. Công tác bảo tồn được nhận thức đầy đủ và hiệu quả. Khu vực di tích được quản lý nguyên hình nguyên dạng theo Luật Di sản văn hóa, không bị nhà dân xâm lấn; khu vực nhà dân thì người dân xây dựng, sửa chữa thuận tiện theo quy định pháp luật, không bị ảnh hưởng vì di tích. Đội ngũ ban quản trị trước đây quản lý công trình theo kinh nghiệm, sau này, hàng năm đều được bồi dưỡng, đào tạo chuyên môn nghiệp vụ bảo tồn, quản lý di tích. Được cập nhật kiến thức bảo tồn thường xuyên nên chúng tôi đã bảo vệ, chăm sóc và phát huy di tích rất tốt. Các hoạt động ở di tích diễn ra rất phong phú, phục vụ tốt cộng đồng.

Luật sư NGUYỄN KIỀU HƯNG, Đoàn Luật sư TPHCM: Quyền sở hữu tài sản và sử dụng đất không thay đổi

Xếp hạng giúp quản lý di tích được thuận lợi ảnh 4 Luật sư Nguyễn Kiều Hưng
Khoản 3, điều 3 Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo năm 2016 quy định: “Nhà nước bảo hộ cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo và tài sản hợp pháp của cơ sở tín ngưỡng, tổ chức tôn giáo”. Vì vậy, sau khi UBND TPHCM xếp hạng di tích kiến trúc, nghệ thuật cấp thành phố đối với Tu viện Hội Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm và Nhà thờ Thủ Thiêm (phường Thủ Thiêm, quận 2, TPHCM), các công trình này vẫn là tài sản hợp pháp của Tòa Tổng Giám mục TPHCM, Tu viện Hội Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm và Nhà thờ Thủ Thiêm. Điều này có nghĩa là, sau khi xếp hạng di tích thì quyền sở hữu tài sản và sử dụng đất của các di tích này vẫn không thay đổi.

Cũng theo Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo năm 2016, việc UBND TPHCM xếp hạng di tích đối với Tu viện Hội Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm và Nhà thờ Thủ Thiêm sẽ không làm ảnh hưởng đến hoạt động tôn giáo, sinh hoạt tôn giáo tại hai cơ sở Công giáo này. Như vậy, việc bày tỏ niềm tin tôn giáo, thực hành giáo lý, giáo luật, nghi lễ tôn giáo cũng như hoạt động truyền bá tôn giáo, sinh hoạt tôn giáo và quản lý tổ chức của tôn giáo tại hai khu vực này sẽ không bị ảnh hưởng, sau khi có quyết định xếp hạng.

Trong khi đó, quy định của pháp luật về di sản văn hóa khẳng định, Nhà nước công nhận các hình thức sở hữu, trong đó có sở hữu tư nhân về di sản văn hóa; đồng thời bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của chủ sở hữu di sản văn hóa (theo Điều 5 và Điều 9 văn bản hợp nhất Luật Di sản Văn hóa năm 2001 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản Văn hóa năm 2001).

Ngoài ra, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định trên bản đồ địa chính, cắm mốc trên thực địa để khoanh vùng bảo vệ di tích, gồm: vùng có các yếu tố gốc cấu thành di tích (khu vực bảo vệ I) và vùng bao quanh hoặc tiếp giáp khu vực bảo vệ I (khu vực bảo vệ II). Trong đó, khu vực bảo vệ I phải được bảo vệ nguyên trạng về mặt bằng và không gian. Trường hợp đặc biệt có yêu cầu xây dựng công trình trực tiếp phục vụ việc bảo vệ và phát huy giá trị di tích hoặc xây dựng công trình ở khu vực bảo vệ II phải được sự đồng ý bằng văn bản của người có thẩm quyền xếp hạng di tích đó (Điều 32 văn bản hợp nhất Luật Di sản Văn hóa năm 2001 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản Văn hóa năm 2001). Các quy định này nhằm hướng đến bảo vệ tốt nhất cho các di tích, đảm bảo việc xây dựng không làm ảnh hưởng đến yếu tố gốc cấu thành di tích, cảnh quan thiên nhiên và môi trường - sinh thái của di tích.

Như vậy, các quy định của pháp luật về di sản văn hóa một lần nữa khẳng định, Tu viện Hội Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm và Nhà thờ Thủ Thiêm vẫn tiếp tục tồn tại và đồng hành với sự phát triển của Khu đô thị mới Thủ Thiêm nói riêng và TPHCM nói chung. Mặt khác, từ việc xếp hạng, Nhà nước phải có nghĩa vụ khoanh vùng khu vực bảo vệ di tích để phát huy và bảo tồn giá trị di sản này.

KIỀU PHONG ghi

Tin cùng chuyên mục