Sẽ có chương trình quốc gia về xếp hạng
Theo bảng xếp hạng của Tổ chức Quacquarelli Symonds (QS) cho khu vực châu Á - một trong những tổ chức xếp hạng ĐH hàng đầu thế giới - thì hiện nay, Việt Nam có 6 trường lọt tốp 400 ĐH châu Á.
Đó là: ĐHQG Hà Nội, ĐHQG TPHCM, ĐH Cần Thơ, ĐH Huế, ĐH Bách khoa Hà Nội, Đà Nẵng. Trong khi đó, mục tiêu phấn đấu của giáo dục ĐH (GDĐH) Việt Nam là vào năm 2020, Việt Nam có hơn 10 trường ĐH vào nhóm 400 ĐH châu Á; 1 - 2 trường vào nhóm 100 châu Á và 1 - 2 trường vào nhóm 1.000 thế giới. Quyết tâm xa hơn, đến năm 2025 Việt Nam phải có vài trường vào nhóm 500 thế giới.
GS-TS Nguyễn Hữu Đức, Phó Giám đốc ĐHQG Hà Nội cho rằng, theo thống kê, cả châu Á có 11.900 trường đại học thì top 400 là đã vào nhóm 3,5%; còn trên thế giới có hơn 23.000 trường thì vào nhóm 1.000 tức là đã vào nhóm 5%. Với mức đầu tư như hiện nay mà đạt được mục tiêu đó là cả một nỗ lực lớn.
Trong cơ sở dữ liệu của Tổ chức QS, ngoài 6 trường đã nêu ở trên, tổ chức này còn liệt kê một số trường ĐH năng động và có tiềm năng là: Trường ĐH Tôn Đức Thắng, ĐH Duy Tân, ĐH FPT, ĐH Nguyễn Tất Thành, ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM.
Còn theo đánh giá của Bộ GD-ĐT, bên cạnh đó Việt Nam vẫn còn nhiều trường có năng lực nghiên cứu tốt hơn nữa như: Trường ĐH Sư Phạm Hà Nội, Trường ĐH Y Hà Nội, Trường ĐH Vinh, Học viện Bưu chính Viễn thông…
Hiện nay, trong các bảng xếp hạng đại học uy tín trên thế giới như Times Higher Education (THE), World University Rankings (QS), Webometrics... Việt Nam chưa có trường đại học nào lọt vào danh sách 1.000. Trong khi đó, bảng xếp hạng phân tầng ĐH thành ba hạng theo nghị định do Chính phủ ban hành từ năm 2015 cũng chưa được công bố. Cho đến nay, các cơ sở ĐH Việt Nam chưa được xếp hạng một cách có định lượng.
Ngoài việc đã có 6 cơ sở giáo dục ĐH được QS xếp hạng, một số trường cũng chủ động tham gia các tổ chức xếp hạng quốc tế nhưng xếp hạng ĐH hiện nay vẫn là tình trạng mạnh ai nấy làm. Trường nào quan tâm đến việc nâng cao thương hiệu, vị trí, uy tín của mình thì nỗ lực cải thiện các điều kiện để tham gia xếp hạng “còn không thì thôi”.
Trong lần kiểm định của mạng lưới các trường ĐH ASSEAN (AUN) vừa qua, các chuyên gia nhận xét đại học Việt Nam chưa quan tâm vận hành theo cơ chế thị trường, duy ý chí, dạy cái mình có và mình thích... Vậy nên chưa có sự ghi nhận của cộng đồng và thứ hạng thấp là tất yếu. Vì vậy, theo Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ, tới đây Bộ GD-ĐT sẽ chính thức hóa để có một chương trình quốc gia trong vấn đề này, không chỉ là mạnh trường nào trường đó làm như hiện nay. “Xếp hạng ĐH phải hướng tới mục tiêu chất lượng. Các trường phải công khai, minh bạch các điều kiện đảm bảo chất lượng”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói.
Tại hội thảo, với chủ đề chính là xếp hạng ĐH, bảng xếp hạng các trường đại học của Tổ chức QS cho khu vực châu Á - một trong những tổ chức xếp hạng ĐH hàng đầu thế giới - được trực tiếp giới thiệu bởi Giám đốc điều hành Tổ chức xếp hạng QS châu Á - bà Mandy Mok.
Các ý kiến tại hội thảo đều cho rằng, xếp hạng ĐH là xu thế tất yếu khi GDĐH Việt Nam tham gia hội nhập khu vực và thế giới. Trong đó, việc lựa chọn bảng xếp hạng ĐH phù hợp là cần thiết. Trong bối cảnh hiện nay, việc tham gia bảng xếp hạng QS châu Á là phù hợp với các trường ĐH Việt Nam. Vấn đề là sử dụng bảng xếp hạng QS thì nên giữ nguyên tiêu chí đánh giá của bảng xếp hạng này hay điều chỉnh cho phù hợp với thực tế Việt Nam.
Tuy nhiên, ý kiến đến từ nhiều trường ĐH cũng cho rằng dù vai trò của xếp hạng đại học là cần thiết, quan trọng, nhưng vai trò đầu tiên trong nâng cao chất lượng GDĐH lại là kiểm định chất lượng. Bởi nếu một trường ĐH có nội lực mạnh thì sẽ tự động có thứ hạng tốt trong các bảng xếp hạng.
Chia sẻ về vấn đề xếp hạng ĐH, GS-TS Nguyễn Hữu Đức (ĐHQG Hà Nội) cho rằng cần phải có sự đầu tư mục tiêu của Nhà nước trong việc nâng hạng ĐH Việt Nam trong bảng xếp hạng khu vực và thế giới. Đầu tư của nhà nước ngoài việc đầu tư thúc đẩy nghiên cứu, còn cần tích hợp với đề án đào tạo tiến sĩ đang có, dĩ nhiên là phải đầu tư có trọng tâm, trọng điểm.
Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, Bộ GD-ĐT khuyến khích các trường tham gia tổ chức xếp hạng quốc tế, mà trong giai đoạn trước mắt khuyến khích tham gia bảng xếp hạng QS. Trên cơ cở cốt lõi, nền tảng của bảng xếp hạng QS, bộ sẽ thành lập tổ tư vấn, nghiên cứu, so sánh, điều chỉnh bộ tiêu chí cho phù hợp với Việt Nam. Bộ GD-ĐT sẽ công nhận chứ không ban hành bộ tiêu chí xếp hạng. Bên cạnh đó cũng sẽ có chính sách hỗ trợ, khuyến khích các trường tham gia xếp hạng. “Vai trò của Bộ GD-ĐT là định hướng, dẫn dắt và làm trọng tài, còn triển khai trực tiếp là các trường ĐH, Bộ GD-ĐT không can thiệp trực tiếp”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho hay.
Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, số lượng trường ĐH Việt Nam hiện nay so với 90 triệu dân không phải là nhiều. Nhưng bên cạnh những trường hoạt động tốt thì có điều đáng ngại nhiều trường hoạt động rất kém chất lượng.
“Mục tiêu quan trọng nhất trong xếp hạng ĐH là chất lượng vì gắn chất lượng với xếp hạng thì mới biết chúng ta đang ở đâu so với thế giới để phấn đấu thêm. Thông qua chất lượng, các trường sẽ tạo được thương hiệu, uy tín nhưng điều quan trọng nhất với trường ĐH là phải có trách nhiệm với cộng đồng để xây dựng văn hóa chất lượng”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định.
Tiêu chí của tổ chức xếp hạng QS là tập trung nhiều vào trách nhiệm với cộng đồng, đào tạo, khoa học công nghệ. Nếu theo các tiêu chí này, các trường đại học Việt Nam phải làm sao nâng cao chỉ số xếp hạng quốc tế và chỉ số trích dẫn; làm sao để người sử dụng lao động đánh giá tốt về chất lượng lao động… Trong khi thực tế hiện nay, các trường ĐH Việt Nam đang đào tạo những gì mình có thế mạnh chứ không đào tạo theo xu hướng thị trường lao động và không được thị trường đánh giá cao.