Xếp hạng đại học: Học hỏi để cải thiện chất lượng

Xếp hạng đại học (ĐH) hiện đang nhận được sự quan tâm và trở thành chiến lược của nhiều trường ĐH trên thế giới để đối sánh chất lượng hoạt động, từ đó có những giải pháp cải thiện và phát triển phù hợp.

Tại Việt Nam, nhiều cơ sở giáo dục đại học (GDĐH) đã xuất hiện trên bảng xếp hạng do các tổ chức uy tín thực hiện như Quacquarelli Symonds (QS) - bảng xếp hạng thường niên về thứ hạng các trường ĐH trên thế giới của Nhà xuất bản Quacquarelli Symonds Limited, Times Higher Education (THE) - bảng xếp hạng thuộc tạp chí Times Higher Education chuyên thông tin về các vấn đề liên quan đến GDĐH (Vương quốc Anh).

Xu thế tất yếu

Từ năm 2019, Việt Nam bắt đầu có 2-3 đại diện xuất hiện trong bảng xếp hạng ĐH tốt nhất thế giới của QS và THE, đứng trong nhóm hạng 801-1.000. Và đến nay, số lượng được xếp hạng tăng lên với 6 cơ sở GDĐH, bao gồm: Đại học Quốc gia (ĐHQG) Hà Nội, ĐHQG TPHCM, ĐH Bách khoa Hà Nội, Trường ĐH Duy Tân, Trường ĐH Tôn Đức Thắng, ĐH Huế. Theo Th.S Ngô Tiến Nhật, Viện Đảm bảo chất lượng, ĐHQG Hà Nội, so với các nước trong khu vực Đông Nam Á, số ĐH của Việt Nam được xếp hạng còn khiêm tốn, thấp hơn 3-6 lần so với Malaysia, Indonesia hay Thái Lan. Cụ thể, ở bảng xếp hạng QS, Việt Nam mới có 5 ĐH góp mặt, thứ hạng cao nhất là 514. Trong khi đó, Indonesia có 26 trường, Malaysia có 28 trường, Thái Lan có 13 trường với thứ hạng dao động 65-237. Hay như Brunei chỉ có 2 trường được xếp hạng nhưng vị trí cao nhất là 387, Singapore có 4 trường với hạng cao nhất là 8.

C1h.jpg
Các chuyên gia đang làm việc tại Trung tâm Nghiên cứu vật liệu cấu trúc nano và phân tử (Đại học Quốc gia TPHCM). Ảnh: THANH HÙNG

Như vậy, ở bảng QS, thứ hạng của Việt Nam thấp nhất trong 7 nước Đông Nam Á có đại diện. Trong khi đó, tại bảng xếp hạng THE, Việt Nam có 6 trường ĐH góp mặt trong bảng xếp hạng, vị trí cao nhất là 601-800. TS Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm Khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo, ĐHQG TPHCM, cho rằng, các bảng xếp hạng ĐH đánh giá 3 sứ mệnh quan trọng của một trường ĐH là đào tạo, nghiên cứu và phục vụ cộng đồng thông qua hệ thống các tiêu chí với trọng số khác nhau, tùy theo mục tiêu và phương pháp luận của mình. Dữ liệu phục vụ xếp hạng được thu thập từ nhiều nguồn tin cậy khác nhau: do cơ sở GDĐH cung cấp, trích xuất từ bên thứ ba (đặc biệt là các dữ liệu về nghiên cứu khoa học), trích xuất từ dữ liệu quốc gia hoặc website của cơ sở GDĐH, thông qua ý kiến của các bên liên quan.

Nhiều quan điểm trái chiều

Giữa tháng 3 năm nay, ĐH Zurich, một trường ĐH hàng đầu của Thụy Sĩ, xếp hạng 80 trên thế giới, tuyên bố rút khỏi “cuộc chơi” xếp hạng của THE với lý do: việc xếp hạng tạo ra động lực sai lầm. Trước đó, các khoa luật của ĐH Harvard, ĐH UC Berkeley và ĐH Yale đã từ chối tham gia việc xếp hạng hàng năm của tạp chí U.S. News & World Report. Động thái này đang làm thay đổi “cuộc chơi” xếp hạng ĐH đáng kể trên thế giới.

C4c.jpg
Sinh viên ngành Công nghệ sinh học, Trường ĐH Quốc tế (ĐHQG TPHCM) học thực hành tại phòng thí nghiệm

Theo TS Nguyễn Quốc Chính, mặc dù còn nhiều tranh luận trái chiều về sự phù hợp của các tiêu chí và trọng số đánh giá, sự hiện diện của các bảng xếp hạng ĐH là xu hướng tất yếu và không thể phủ nhận, khi nhiều quốc gia đầu tư rất lớn cho các dự án trọng điểm nhằm đưa cơ sở GDĐH của mình vào vị trí hàng đầu của các bảng xếp hạng toàn cầu. Chẳng hạn, Dự án 5-100 của Nga với mục tiêu đưa 5 ĐH hàng đầu của nước này vào tốp 100 ĐH xuất sắc nhất thế giới; Đức và Pháp đầu tư hàng triệu euro thu hút giới tinh hoa thế giới đến nghiên cứu, học tập nhằm đưa các cơ sở GDĐH vào các bảng xếp hạng toàn cầu; Trung Quốc lập ra danh sách các ĐH hàng đầu của quốc gia này để tập trung nguồn lực đầu tư...

Trong khi đó, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Malaysia là những quốc gia có chiến lược rõ ràng trong việc thúc đẩy các ĐH tham gia và cải thiện vị thế trên các bảng xếp hạng. Nghiên cứu kết quả về xếp hạng quốc tế của các ĐH Việt Nam (từ năm 2019 đến nay), Th.S Ngô Tiến Nhật cho rằng, một trong những lý do chính khiến Việt Nam ít có đại diện trong bảng xếp hạng quốc tế là rào cản tâm lý, các trường nghĩ rằng rất khó để tham gia.

Hiện nay, theo công bố của IREG Observatory on Academic Ranking and Excellence (Tổ chức quốc tế về xếp hạng ĐH, do nhóm các chuyên gia quốc tế về xếp hạng ĐH thế giới thành lập), lĩnh vực GDĐH có gần 100 bảng xếp hạng với các mức độ khác nhau, bao gồm 31 bảng xếp hạng quốc tế, 9 bảng xếp hạng khu vực và 57 bảng xếp hạng quốc gia.

Hiện nay, có tổ chức xếp hạng ĐH bằng cách tự tổng hợp thông tin mà các trường công khai, nhưng cũng có tổ chức vừa tự thu thập thông tin vừa đòi hỏi các trường đăng ký tham gia và gửi dữ liệu (QS và THE thuộc nhóm này). Nếu tình trạng quá ít trường ĐH Việt Nam góp mặt trong các bảng xếp hạng khu vực và thế giới kéo dài, chắc chắn sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới trách nhiệm giải trình xã hội của các trường. So với khu vực Đông Nam Á, chất lượng đào tạo của ĐH Việt Nam không thua kém, nhưng “làm được thì phải thể hiện cho thế giới thấy”. Việc tham gia xếp hạng cũng là bước để các trường so sánh mình với thế giới, từ đó học hỏi những mô hình tiến bộ hay tự biết những điểm cần cải thiện.

* PGS-TS VŨ HẢI QUÂN, Giám đốc ĐHQG TPHCM:

Chất lượng phải được thế giới công nhận

Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng và cạnh tranh về chất lượng thì ĐH Việt Nam nên tham gia xếp hạng ĐH (theo hướng tích cực). Một chương trình (ngành) đào tạo hay một trường ĐH thực sự có chất lượng thì không thể tự phong mà trước tiên phải đạt các tiêu chí về mặt kiểm định trong nước lẫn quốc tế. Khi đã đạt các tiêu chí thì nên tham gia các tổ chức xếp hạng uy tín để biết mình ở đâu. Việc được xếp hạng trên các tổ chức xếp hạng uy tín của thế giới là minh chứng thuyết phục để khẳng định một ngành hay một trường có chất lượng. Việc tham gia xếp hạng quốc tế cần có tính chọn lọc, không thể bằng mọi giá để có được vị trí trên các bảng xếp hạng. Thứ hạng quốc tế mang đến danh tiếng cho trường nhưng đây chỉ là một kênh tham khảo, không nói lên toàn bộ chất lượng đào tạo.

* TS THÁI DOÃN THANH, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Công thương TPHCM:

Tham gia để biết được mình mạnh, yếu ở điểm nào

Có thể thấy rằng, thành quả của xếp hạng ĐH quốc tế tạo tác động tích cực đến toàn hệ thống GDĐH Việt Nam nói chung cũng như mang đến nhiều lợi ích cho mỗi cơ sở GDĐH. Tham gia xếp hạng ĐH là một tiến trình trong mô hình cải tiến chất lượng liên tục, sau khi hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong được hình thành và hoạt động kiểm định chất lượng được triển khai đồng bộ. Thông qua việc đối sánh kết quả xếp hạng, các cơ sở GDĐH sẽ nhận thấy được những cơ hội và thách thức trong bối cảnh hội nhập quốc tế đang diễn ra mạnh mẽ trong lĩnh vực GDĐH. Cải tiến chất lượng liên tục là điều kiện tiên quyết để đảm bảo tính cạnh tranh bền vững với các ĐH trong khu vực và thế giới. Trên cơ sở dữ liệu đối sánh, các cơ sở GDĐH sẽ biết được mình mạnh, yếu ở điểm nào để từ đó tự cải tiến, đồng thời nâng cao chất lượng các chương trình đào tạo theo chuẩn mực quốc tế, tăng cường công bố quốc tế, đa dạng hóa và mở rộng phương thức hợp tác quốc tế trong đào tạo và nghiên cứu khoa học, thực hiện đổi mới sáng tạo giảng dạy và học tập.

* TS LÊ VĂN ÚT, Trưởng nhóm Nhóm nghiên cứu Đo lường khoa học và Chính sách quản trị nghiên cứu, Trường ĐH Văn Lang:

Tranh thủ để được xuất hiện trên bản đồ ĐH thế giới

Mỗi bảng xếp hạng ĐH đều có những giá trị nhất định trong việc đối sánh các cơ sở GDĐH. Mỗi sự đối sánh có thể được thực hiện trong những hệ quy chiếu khác nhau, cũng giống như mỗi bảng xếp hạng ĐH có bộ tiêu chí riêng. Các bảng xếp hạng ĐH nói chung là không trùng nhau tuyệt đối về các tiêu chí, nhưng nhìn chung là dựa trên các yếu tố cơ bản cấu thành đẳng cấp theo chức năng của một ĐH gồm đào tạo, nghiên cứu và phục vụ cộng đồng theo Điều 4 của Luật Giáo dục Đại học. Bởi những lẽ trên, tiếp cận xếp hạng ĐH nên theo hướng thực chất; kết quả xếp hạng ĐH và đẳng cấp thực sự của ĐH nên có sự tương đồng. Việc một ĐH được đầu tư bằng mọi giá để có đẳng cấp thực sự, toàn diện và đồng thời được vào vị trí cao trong các bảng xếp hạng ĐH là rất nên làm. Tuy nhiên, đây là điều không phải ĐH nào cũng có thể thực hiện được. Đối với những ĐH đã có đẳng cấp cao và lừng danh trên thế giới, có thể việc xếp hạng đối với họ không còn quá quan trọng. Tuy nhiên, những ĐH chưa đủ danh tiếng thì rất cần tranh thủ được xuất hiện trên bản đồ ĐH cả trong nước và trên thế giới. Điều này mang lại rất nhiều lợi ích, đặc biệt là cơ hội thu hút nhiều nguồn lực trong và ngoài nước để phục vụ cho sự phát triển và xây dựng đẳng cấp thực sự.

Tin cùng chuyên mục