
Chiều 16-4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) tiếp tục phiên họp thứ 44, cho ý kiến về dự án nghị quyết của Quốc hội thí điểm viện kiểm sát nhân dân (VKSND) khởi kiện vụ án dân sự để bảo vệ quyền dân sự của các chủ thể là nhóm dễ bị tổn thương hoặc bảo vệ lợi ích công.

Báo cáo quan điểm thẩm tra sơ bộ, Thường trực Ủy ban Pháp luật và Tư pháp (UBPLTP) đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, làm rõ khái niệm “lợi ích công” với các khái niệm lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng để bao quát đầy đủ và thống nhất với quy định của Bộ luật Dân sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Đất đai và các luật khác có liên quan; xem xét lại một số trường hợp thuộc nhóm dễ bị tổn thương như “người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự”, “người dân tộc thiểu số sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn”; đồng thời, bỏ một số quy định “quét”, như “các đối tượng khác theo quy định của luật” và “lợi ích công khác theo quy định của pháp luật” để bảo đảm tính minh bạch, cụ thể.

Về các trường hợp VKSND khởi kiện và việc tiếp nhận thông tin, thụ lý, kiểm tra, xác minh, Thường trực UBPLTP lưu ý cơ chế này không được chồng chéo, mâu thuẫn với các biện pháp bảo vệ theo pháp luật hiện hành; cần loại trừ khả năng dẫn tới tình trạng “dân sự hóa” quan hệ hình sự, hành chính.
Do đó, việc kiểm tra, xác minh, thu thập thông tin, tài liệu, chứng cứ cần làm rõ hành vi vi phạm có thuộc trường hợp bị xử lý vi phạm hành chính hoặc vi phạm pháp luật hình sự hay không để kiến nghị xử lý theo quy định của pháp luật. Việc thông báo cho các chủ thể có liên quan và kiến nghị với cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền, trách nhiệm khởi kiện chỉ thực hiện khi không thuộc trường hợp xử lý nói trên.
Về nhiệm vụ, quyền hạn của VKSND và các biện pháp kiểm tra, xác minh, thu thập thông tin, tài liệu, chứng cứ, đa số ý kiến trong Thường trực UBPLTP cho rằng, chỉ nên giao thẩm quyền cho VKSND khởi kiện vụ án dân sự công ích, còn quá trình tố tụng cần tuân thủ trình tự, thủ tục của Bộ luật Tố tụng dân sự hiện hành về quyền, nghĩa vụ của nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, về thẩm quyền của tòa án...
“Dự thảo nghị quyết quy định thẩm quyền của VKSND trong việc kiểm tra, xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ, trong đó, nhiều nội dung thuộc thẩm quyền của tòa án là không phù hợp. Bên cạnh đó, đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát các quy định nhằm tách bạch vai trò của VKSND với tư cách nguyên đơn và vai trò là cơ quan kiểm sát hoạt động tư pháp”, Chủ nhiệm UBPLTP Hoàng Thanh Tùng nêu rõ.