Theo ông Nguyễn Hạnh Phúc, chương trình nghị sự phiên họp tháng 9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hiện chưa có nội dung xem xét vấn đề của ông Phạm Phú Quốc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chưa nhận được báo cáo của các cơ quan chức năng.
Tuy vậy, theo Tổng thư ký Quốc hội, vi phạm của ông Phạm Phú Quốc sẽ bị Quốc hội bãi nhiệm chứ không thuộc trường hợp do Ủy ban Thường vụ Quốc hội miễn nhiệm.
Ông Nguyễn Hạnh Phúc nhận định: "Đại biểu Phạm Phú Quốc biết rõ, đại biểu Quốc hội không được có quốc tịch nước khác, mà vẫn vi phạm, vi phạm rồi không báo cáo, như thế là không trung thực. Thậm chí, như các bạn đã biết là trước đó đã từng có tiền lệ".
Theo Tổng thư ký Quốc hội, Hiến pháp đã quy định đại biểu Quốc hội là công dân Việt Nam, mà theo Luật Quốc tịch Việt Nam thì công dân Việt Nam có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam.
Trước đó, ông Phạm Phú Quốc đã thừa nhận mình có hộ chiếu Cộng hoà Síp, nhưng không báo cáo tổ chức theo quy định. Ông đã có đơn xin thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội và xin từ chức.
Theo quy định tại Điều 40 của Luật Tổ chức Quốc hội, đại biểu Quốc hội không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân thì bị Quốc hội hoặc cử tri bãi nhiệm. Quy trình để cử tri bãi nhiệm đại biểu Quốc hội hiện chưa được ban hành. Trong trường hợp bị Quốc hội bãi nhiệm, thì việc bãi nhiệm phải được ít nhất hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành.
Ông Phạm Phú Quốc không phải trường hợp đại biểu Quốc hội đầu tiên có vi phạm, bị kỷ luật về Đảng, sau đó có đơn xin thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội. Các trường hợp trước đó trong đơn xin thôi làm đại biểu Quốc hội đều nêu lý do sức khoẻ và được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội (theo quy định tại điều 38 Luật Tổ chức Quốc hội).