Về nguyên tắc, pháp luật nước ta quy định người tạo ra nguồn cháy nổ (bằng hành vi của chính mình, hoặc do tài sản mình chiếm hữu, sở hữu gây ra cháy nổ) có trách nhiệm phải bồi thường thiệt hại. Tuy nhiên, khi xác định trách nhiệm bồi thường, cần phải đáp ứng đủ 4 yếu tố được quy định tại Nghị quyết 03/2006/NQ-HĐTP ngày 8-7-2006, bao gồm: phải có thiệt hại xảy ra, gồm thiệt hại về vật chất và tổn thất về tinh thần; phải có hành vi trái pháp luật; phải có mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại xảy ra và hành vi trái pháp luật; phải có lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý của người gây thiệt hại.
Trong vụ cháy xảy ra tại chung cư Parc Spring, chủ căn hộ đã có hành vi vi phạm pháp luật trong việc sử dụng điện an toàn.
Cụ thể Khoản 2 và Khoản 4 Điều 58 Luật Điện lực 2004 sửa đổi, bổ sung 2012 quy định: “Không để trang thiết bị điện phát nhiệt gần đồ vật dễ cháy nổ”, và “Cá nhân sử dụng điện có trách nhiệm tổ chức kiểm tra an toàn hệ thống điện của mình, kịp thời phát hiện và ngăn ngừa nguy cơ gây sự cố, tai nạn về điện”.
Ở đây, cũng cần lưu ý rằng phần thiệt hại phải trực tiếp do hành vi vi phạm xảy ra. Nếu trong quá trình xảy ra vụ cháy, có thêm những yếu tố khác tác động khiến cho thiệt hại trầm trọng hơn thì cần phải xác định rõ phần lỗi của từng bên để chịu trách nhiệm liên đới, tương ứng với mức độ lỗi của mỗi người.
Khoản 3, Điều 601 Bộ luật Dân sự 2015 quy định: “Chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại cả khi không có lỗi”. Hệ thống tải điện là một trong những nguồn nguy hiểm cao độ theo quy định tại Khoản 1 Điều 601. Một số quan điểm cho rằng, điều luật của Bộ luật Dân sự 2015 đã ghi rất rõ “hệ thống tải điện”.
Điều 3 Thông tư 25/2016 của Bộ Công thương giải thích: “Hệ thống điện truyền tải là hệ thống điện bao gồm lưới điện truyền tải và các nhà máy điện đấu nối vào lưới điện truyền tải”, “Lưới điện truyền tải là phần lưới điện bao gồm các đường dây và trạm điện có cấp điện áp trên 110kV”.
Như vậy, điện đã được hạ thế để sử dụng trong sinh hoạt cho các cá nhân, tổ chức không phải là nguồn nguy hiểm cao độ. Nên trong trường hợp này, để yêu cầu trách nhiệm bồi thường thiệt hại của người gây cháy nổ, bắt buộc phải xác định người này có lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý.
Không đồng tình với quan điểm trên, có một số ý kiến cho rằng không nên có sự phân biệt giữa hệ thống tải điện cao áp với hệ thống điện sử dụng trong gia đình, vì bản chất điện đã là một nguồn năng lượng nguy hiểm, rất dễ gây ra thiệt hại trong quá trình sử dụng. Trong một số vụ án hình sự liên quan đến việc sử dụng điện gia đình trái phép làm chết người, đã có một số bản án và văn bản hướng dẫn cụ thể, trong đó đều thể hiện quan điểm điện (bao gồm cả điện dùng trong sinh hoạt gia đình) là một nguồn gây nguy hiểm. Do đó, trong trường hợp cháy nổ do điện, không cần phải xem xét đến yếu tố lỗi, người gây ra cháy nổ vẫn phải chịu trách nhiệm bồi thường.
Đó là một trong những vấn đề quan trọng, cần được làm rõ để thống nhất trong việc áp dụng pháp luật. Cần có sự giải thích rõ ràng, chi tiết hơn về những trường hợp này để tạo thuận lợi cho công tác tư vấn, áp dụng cũng như xét xử.