Sáng 15-7, phiên họp thứ 35 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã khai mạc tại Nhà Quốc hội và sẽ diễn ra đến hết ngày 17-7. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chủ trì phiên khai mạc.
Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, tại phiên họp này Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiến hành xem xét, cho ý kiến về 4 dự án luật, gồm: Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi); Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức.
UBTVQH cũng sẽ xem xét, quyết định việc thành lập phường Lộc Hòa và phường Mỹ Xá thuộc thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định; thành lập thị trấn Măng Đen thuộc huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum; xem xét, phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Cơ quan thường trực của Quốc hội còn cho ý kiến về việc sử dụng 20% kinh phí kết dư Quỹ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế năm 2015; tiến hành tổng kết kỳ họp thứ 7; cho ý kiến bước đầu về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 8 của Quốc hội; cho ý kiến về chủ trương đầu tư xây dựng Dự án Quốc hội điện tử giai đoạn 2019-2026.
Không hạn chế quyền nhập cảnh của công dân trong bất kỳ trường hợp nào
Các trường hợp tạm hoãn nhập cảnh, xuất cảnh là nội dung được nhiều thành viên UBTVQH quan tâm cho ý kiến khi bàn về dự án Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam trong khuôn khổ phiên họp thứ 35 của UBTVQH.
Trước đó, báo cáo của Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội (UBQPAN) về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau về dự án này cho biết, có một số ý kiến đề nghị bổ sung điều kiện nhập cảnh để bảo đảm chặt chẽ, phù hợp với từng loại đối tượng (là người không có liên quan đến quốc phòng, an ninh quốc gia, an toàn sinh học, không mang bệnh, mầm bệnh liên quan tới sức khỏe cộng đồng, không bị tạm hoãn xuất cảnh; người mất năng lực hành vi dân sự và người chưa đủ 14 tuổi phải có người đại diện hợp pháp đi cùng…); đồng thời, tham khảo các điều ước quốc tế có liên quan, các hành vi bị nghiêm cấm để bổ sung vào điều kiện nhập cảnh.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến đề nghị không bổ sung điều kiện nhập cảnh, vì đã xuất cảnh thì phải được nhập cảnh theo Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị năm 1966.
Thường trực UBQPAN thấy rằng, công dân Việt Nam khi xuất cảnh ra nước ngoài và công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài luôn được tạo điều kiện thuận lợi để nhập cảnh về nước và không bị hạn chế bất kỳ trường hợp nào là phù hợp với chủ trương của Đảng, Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền, Công ước Quốc tế về các quyền dân sự và chính trị đều đã khẳng định quyền trở về nước của công dân không bị hạn chế. Trường hợp công dân Việt Nam khi ra nước ngoài có hành vi xâm phạm, đe dọa xâm phạm đến quốc phòng, an ninh quốc gia, vi phạm pháp luật về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật khi công dân nhập cảnh về Việt Nam.
Đối với trường hợp công dân Việt Nam chưa đủ 14 tuổi hoặc mất năng lực hành vi dân sự khi nhập cảnh, nếu không có người đại diện hợp pháp đi cùng thì không thể không cho họ nhập cảnh nhằm bảo vệ công dân Việt Nam và thực tế tại các cửa khẩu, lực lượng chức năng đã phải giải quyết cho nhiều trường hợp như vậy nhập cảnh Việt Nam.
Do đó, Thường trực UBQPAN đề nghị không hạn chế quyền nhập cảnh của công dân trong bất kỳ trường hợp nào.
Về các trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh, nhiều ý kiến đề nghị rà soát để quy định bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, nhất là pháp luật tố tụng hình sự, tố tụng dân sự, tố tụng hành chính.
Đáng lưu ý, một số ý kiến đề nghị bổ sung tạm hoãn xuất cảnh đối với người liên quan đến vụ án đang trong quá trình điều tra, người đang bị thanh tra, kiểm tra mà phát hiện có dấu hiệu tội phạm, cần ngăn chặn người đó trốn; công dân thuộc diện gọi thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ nòng cốt; người đại diện theo pháp luật của cơ quan, tổ chức đang có nghĩa vụ thi hành bản án, quyết định của Tòa án; người có nghĩa vụ đóng bảo hiểm xã hội mà chưa đóng bảo hiểm xã hội…
Tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, Thường trực UBQPAN đã tiến hành rà soát, đối chiếu với các quy định của pháp luật có liên quan và đề nghị thiết kế lại điều luật này cho rõ ràng hơn theo hướng quy định chặt chẽ hơn các trường hợp bị tạm hoãn để tránh việc lạm dụng, lợi dụng làm ảnh hưởng đến quyền công dân…
Căn cứ vào tình hình thực tiễn, Thường trực UBQPAN đề nghị bổ sung tạm hoãn xuất cảnh đối với trường hợp: “Người bị thanh tra, kiểm tra, xác minh có đủ căn cứ xác định người đó vi phạm đặc biệt nghiêm trọng và xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn” và “người đại diện theo pháp luật của cơ quan, tổ chức đang có nghĩa vụ thi hành bản án, quyết định của Tòa án”.
Đối với khoản 6, đề nghị kết hợp giữa Phương án 1 và Phương án 2, có bổ sung quy định cụ thể hơn như sau: “Người đang bị dịch bệnh nguy hiểm lây lan, truyền nhiễm và xét thấy cần ngăn chặn ngay, không để dịch bệnh lây lan, truyền nhiễm ra cộng đồng, trừ trường hợp được phía nước ngoài cho phép nhập cảnh và chữa bệnh”.
Đồng thời, đề nghị lược bỏ quy định tại khoản 2 vì mâu thuẫn với Luật Tương trợ tư pháp (không dẫn độ công dân Việt Nam ra nước ngoài); lược bỏ quy định “Người có nghĩa vụ chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính” tại khoản 5, vì nội dung quá rộng, thời hạn chấp hành ngắn (10 ngày) và nếu bị tạm hoãn xuất cảnh (tước quyền công dân) thì quá nghiêm khắc, không cần thiết.
Đối với người liên quan đến vụ án đang trong quá trình điều tra mà phát hiện có dấu hiệu tội phạm, đủ căn cứ thì Cơ quan điều tra ra quyết định khởi tố bị can và đương nhiên sẽ bị tạm hoãn xuất cảnh theo quy định tại khoản 1 Điều này.
Đối với người có nghĩa vụ đóng bảo hiểm xã hội mà chưa đóng bảo hiểm xã hội, công dân thuộc diện gọi thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ nòng cốt thì đề nghị không nên tạm hoãn xuất cảnh, vì đối tượng quá rộng; bảo hiểm xã hội là sự bảo đảm thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập cho chính họ, không ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác; nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ nòng cốt cần phát huy ý thức tự giác chấp hành, không nên ép buộc và tước quyền công dân khi không chấp hành.
Trong trường hợp vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội, nghĩa vụ quân sự đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì bị tạm hoãn xuất cảnh theo quy định tại khoản 1 của Điều này.
Đối với khoản 7 có liên quan đến bí mật nhà nước, bí mật nghiệp vụ, đề nghị giao cho Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an quyết định.