Ngày 31-3, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã dẫn đầu đoàn công tác của Bộ Giáo dục-Đào tạo (GD-ĐT) và lãnh đạo tỉnh Hưng Yên đến làm việc với lãnh đạo Trường THCS Phù Ủng, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên về việc nữ sinh bị các bạn cùng lớp bạo hành phải vào viện điều trị đang gây xôn xao dư luận.
Đoàn công tác của Bộ GD-ĐT có ông Bùi Văn Linh- Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Giáo dục Chính trị và công tác học sinh-sinh viên, ông Nguyễn Xuân An Việt - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và công tác học sinh-sinh viên, ông Vũ Đình Giáp - Phó Chánh Văn phòng Bộ GD-ĐT. Cùng dự có ông Nguyễn Văn Phóng, Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên, lãnh đạo Sở GD-ĐT Hưng Yên, lãnh đạo huyện Ân Thi và các cơ quan chức năng của tỉnh.
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT yêu cầu lãnh đạo nhà trường báo cáo lại diễn biến sự việc, nghe tường trình của cô giáo chủ nhiệm về quá trình quản lí lớp học, về nguyên nhân dẫn đến sự việc đáng tiếc đã xảy ra.
Hiệu trưởng Trường THCS Phù Ủng, ông Nhữ Mạnh Phong, báo cáo: Sự việc xảy ra vào cuối giờ học ngày thứ 6 (22-3). Sau khi giáo viên và các bạn học sinh đã về hết, 5 em học sinh có mặt trong clip đã có hành vi đánh đập, đạp nhiều lần vào đầu, vào người, lột hết đồ của em Nguyễn Thị H. Y và quay clip.
Sau khi nắm được sự việc, sáng 23-3, nhà trường đã yêu cầu 5 em học sinh trên cùng gia đình lên làm tường trình. Tại buổi làm việc đó có em Y. và chú ruột của mình là ông Nguyễn Văn D. (do hoàn cảnh gia đình éo le nên cha mẹ em không thể tham gia buổi làm việc này - bố em bị vấn đề sức khỏe tâm thần). Sau buổi làm việc, em Y. và gia đình đã đồng ý bỏ qua cho 5 em học sinh kia.
Với tư cách là Chủ tịch Hội đồng kỷ luật nhà trường, Hiệu trưởng Nhữ Mạnh Phong đã đề nghị đình chỉ 5 em học sinh này đến hết năm, nhưng sau đó các gia đình xin chỉ đình chỉ 1 tuần vì các em là học sinh cuối cấp. Gia đình em Y cũng đồng ý phương án này. Do đó, nhà trường đã đình chỉ học các em này 4,5 ngày, vì 1,5 ngày cuối tuần các em có lịch thi.
Nhà trường cũng yêu cầu các em học sinh trên xóa clip để bảo vệ danh dự cho em Y. Tuy nhiên, clip này đã bị phát tán và sau đó chú của em Y. đã có đơn trình báo với các cơ quan chức năng đề nghị làm rõ và xử lý nghiêm (đáng chú ý, chú của em Y. cho rằng, sở di tại cuộc làm việc, gia đình đồng ý bỏ qua vì không được nhà trường nói về clip, sau khi xem clip, gia đình đã làm đơn gửi cơ quan chức năng đề nghị xử nghiêm).
Báo cáo tại buổi làm việc, cô H.T.T, chủ nhiệm lớp 9 Trường THCS Phù Ủng báo cáo rằng sau khi được học sinh nhắn tin tố cáo sự việc, nhận thấy sự việc này rất nghiêm trọng, vượt quá giới hạn xử lý của giáo viên chủ nhiệm nên cô đã lập tức thông báo sự việc đến lãnh đạo nhà trường. “Sự việc tiếp theo là do sự chỉ đạo của các đồng chí trong ban lãnh đạo, còn đối với em Y, từ trước đến nay em là người ít nói, rụt rè và cũng ít khi tiếp xúc với các bạn trong lớp. Tôi đã đến động viên, hỏi thăm về tình hình sức khỏe của em Y. và hỏi lý do tại sao em bị đánh mà không báo cáo với cô giáo hay nói với mẹ em thì em có trả lời sợ lại bị các bạn đánh, về nhà bố mẹ không hỏi đến nên em cũng không nói”, cô giáo chủ nhiệm cho biết.
Nhận xét về nhóm nữ sinh đánh bạn, cô cho hay từ đầu năm lớp 9, các em đã có một số biểu hiện nghịch ngợm theo lứa tuổi học sinh và đôi khi cũng vi phạm những quy định ở mức độ vừa phải. Giáo viên chủ nhiệm cũng đã có những hình thức xử lý và cũng thường xuyên thông báo cho phụ huynh. Bị Bộ trưởng chất vấn, cô chủ nhiệm thừa nhận trước khi sự việc xảy ra, không có học sinh nào tố giác, em Y. cũng không báo cáo gì với mình. Cô giáo chỉ biết khi nhận được tin nhắn của học sinh khi sự việc đã xảy ra.
Theo Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, bạo lực học đường phải “phòng hơn chống”. “Trách nhiệm của giáo viên chủ nhiệm là phải sâu sát, chủ động nắm bắt tâm tư, tình cảm, diễn biến tâm lý của học sinh có những biểu hiện gì để phối hợp với nhà trường có biện pháp ngăn chặn, bảo vệ, không thể để xảy ra sự việc đau lòng như vừa rồi mới tìm giải pháp khắc phục”, Bộ trưởng nêu quan điểm.
Quan điểm của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT và Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên là sẽ xử lý nghiêm tập thể, cá nhân có trách nhiệm trong vụ việc này. Ngay tại buổi làm việc sáng 31-3, Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên Nguyễn Văn Phóng nhấn mạnh, đối với hiệu trưởng, ban giám hiệu xem xét làm quy trình xử lý cách chức, cách chức cả chi ủy nhà trường, cách chức tổng phụ trách đội, xem xét kỷ luật hội đồng kỷ luật nhà trường vì bao che, nương nhẹ. Cùng với đó, xem xét trách nhiệm của giáo viên chủ nhiệm ở hình thức nặng hơn nữa vì không nắm được tâm tư nguyện vọng, tình cảm diễn biến của học sinh thuộc quyền.
Về phía các học sinh đánh bạn, Chủ tịch tỉnh Hưng Yên yêu cầu xem xét vấn đề hạnh kiểm, vấn đề của các học sinh đã tham gia bạo hành đánh bạn, hạnh kiểm của các cháu mà chứng kiến việc bạo hành nhưng không can gián, không bênh vực cho bạn yếu thế, hạnh kiểm của học sinh quay clip. Công an cũng sẽ xem xét vấn đề này.
Kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT nhấn mạnh, đây là vụ việc nghiêm trọng, đau lòng. Bộ trưởng đề nghị phải xử lý nghiêm khắc. "Hiệu trưởng, ban giám hiệu không hoàn thành chức trách nhiệm vụ đề nghị xem xét cho thôi" - Bộ trưởng nêu rõ.
Tối 30-3, UBND tỉnh Hưng Yên đã có công văn gửi Sở GDĐT, Sở Y tế, Sở Lao động Thương binh và Xã hội, Công An tỉnh, UBND huyện Ân Thi yêu cầu xử lý vụ việc này. UBND tỉnh yêu cầu UBND huyện Ân Thi chỉ đạo công an huyện giải quyết vụ việc vi phạm theo quy định của pháp luật; xem xét xử lý trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức liên quan trong việc xảy ra vụ việc bạo lực học đường tại Trường THCS Phù Ủng. Yêu cầu Sở GD-ĐT Hưng Yên phối hợp với UBND huyện Ân Thi có biện pháp xử lý trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức liên quan trong việc xảy ra vụ việc. Kịp thời có biện pháp chấn chỉnh để phòng ngừa các hành vi bạo lực học đường, nâng cao trách nhiệm của giáo viên, đặc biệt là giáo viên chủ nhiệm và cán bộ quản lý giáo dục. UBND tỉnh cũng yêu cầu công an tỉnh phối hợp với UBND huyện Ân Thi chỉ đạo Công an huyện Ân Thi khẩn trương giải quyết vụ vi phạm theo quy định của pháp luật. Yêu cầu Sở Y tế chỉ đạo Bệnh viện Tâm thần kinh của tỉnh quan tâm, hỗ trợ, điều trị đối với em học sinh bị bạo lực. Yêu cầu Sở Lao động Thương binh và Xã hội kịp thời thực hiện các biện pháp bảo trợ trẻ em theo quy định của pháp luật đối với em học sinh bị bạo lực; tổ chức thăm hỏi em học sinh bị bạo lực và gia đình. |