Sáng nay 4-12, tại Trung tâm Hội nghị quốc tế Jeju, Hàn Quốc, Kỳ họp thứ 12, Ủy ban Liên chính phủ Công ước 2003 chính thức khai mạc. Hội nghị diễn ra từ ngày 4 đến ngày 9-12-2017.
Tại Hội nghị này, hồ sơ hát xoan Phú Thọ và bài chòi Trung bộ của Việt Nam sẽ được xem xét để đưa vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Năm 2011, khi hát xoan trở thành di sản cần bảo vệ khẩn cấp, chỉ có 13 câu lạc bộ hát xoan và nay con số này đã là 33, với cả nghìn thành viên.
Đưa hát xoan lan tỏa trong đời sống từ nếp nhà, trường học đến các liên hoan - đó là nỗ lực của cả chính quyền và cộng đồng, đáp ứng khuyến nghị từ UNESCO. Hiện có hơn 300 di tích liên quan đến hát xoan, gắn với tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được tôn tạo, trở thành không gian diễn xướng xoan.
Hồ sơ đề cử quốc gia “Nghệ thuật bài chòi Trung bộ Việt Nam” do Viện Âm nhạc phối hợp với 9 tỉnh, thành phố (từ Quảng Bình đến Khánh Hòa) đã được hoàn thành và gửi đến UNESCO vào tháng 3-2016.
Bài chòi là một loại hình nghệ thuật dân ca và trò chơi dân gian truyền thống đặc sắc của miền Trung. Cái thú của bài chòi không phải ở thắng thua mà là niềm vui đầu năm với hàng xóm láng giềng với những câu hát trong quá trình chơi vừa bình dị mà đầy chất thơ.
Bên cạnh những giá trị về văn hóa, nghệ thuật, hát bài chòi còn mang đậm tính nhân văn, tính giáo dục về tình yêu quê hương, đất nước, yêu con người... thông qua những câu hô hát (còn gọi là câu Thai).
Trong lần họp lần này có 35 hồ sơ được hội đồng xem xét đưa vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại điện nhân loại, dự kiến kết quả sẽ được công bố ngày 7-12.